Đánh trống ghi tên rồi học nhì nhằng để lấy bằng thì thật...khủng khiếp

18/02/2020 06:08
Vũ Ninh
(GDVN) - Thực tế đào tạo Đại học hiện nay tại Việt Nam nhiều trường còn chạy theo lợi nhuận, còn người học chỉ cần bằng cấp như thế rất đáng lo.

Sau sự việc ông Lê Đình Nghị, Trưởng phòng đào tạo Đại học Luật Hà Nội phải đăng đàn cảnh báo hiện tượng một số Trung tâm mạo danh các trường Đại học lớn tổ chức tuyển sinh hệ tại chức, hệ từ xa dấy lên lo ngại về hình thức đào tạo “phi chính quy”.

Hiện nay, thực tế đào tạo Đại học tại Việt Nam nhiều trường còn chạy theo lợi nhuận, còn người học chỉ cần bằng cấp. Như vậy là rất đáng lo.

Đánh trống ghi tên rồi học nhì nhằng để lấy bằng thì thật...khủng khiếp ảnh 1
Helienthong.edu.vn giả mạo nhiều đại học lớn tuyển sinh văn bằng hai, tại chức

Trung tâm mà ông Lê Đình Nghị cảnh báo giả mạo là Trung tâm dạy nghề Quận Ba Đình.

Thật khó hiểu một trung tâm dạy nghề lại có thể tuyển sinh, đào tạo học viên liên quan đến lĩnh vực Luật của một thương hiệu Đại học lớn như vậy?

Thế nhưng với tâm lý chỉ cần bằng cấp nhiều người sẵn sàng chi tiền để có được một tấm bằng tại chức mà không cần biết chất lượng như nào, là cơ sở uy tín hay lừa đảo.

Đây cũng là một thực trạng đáng lo ngại về hình thức đào tạo phi chính quy tại Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Hiện nay chất lượng của hệ đào tạo phi chính quy ít nhiều đã khiến xã hội bị mất niềm tin.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định: “Chúng ta không vơ đũa cả nắm nhưng rõ ràng có những hiện tượng người học tại chức, hệ từ xa chỉ cần đánh trống ghi tên đủ số buổi là có thể nhận được bằng tốt nghiệp.

Nhiều trường còn quan tâm, chạy theo lợi nhuận cho nên họ mở rộng các hình thức đào tạo từ xa, vừa học vừa làm để đem lại nguồn thu cho các trường. 

Trong khi đó về chương trình đào tạo bị rút ngắn và quản lý hết sức lỏng lẻo. Đáng lo thay về phía người học cũng có hiện tượng chỉ cần có tấm bằng mà không cần biết có thu nhận được gì sau khóa học hay không?”.

Chất lượng đào tạo hệ phi chính quy nhiều lần bị đặt dấu hỏi (Ảnh:V.N)
Chất lượng đào tạo hệ phi chính quy nhiều lần bị đặt dấu hỏi (Ảnh:V.N)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ ra sự khác biệt giữa đào tạo chính quy và hệ tại chức, hệ từ xa tại Việt Nam: 

“Đối với hệ chính quy sinh viên phải trải qua một kỳ thi tuyển đầu vào nghiêm ngặt và liên tục thông qua các bước sàng lọc. 

Nếu anh không đủ năng lực hoặc yêu cầu của nhà trường sẽ bị loại. Thế nhưng việc giám sát chất lượng đầu vào và các bước sàng lọc của hệ tại chức, hệ từ xa rất lỏng lẻo. Rất hiếm có tình trạng học viên tại chức bị đuổi học. Khi việc sàng lọc, kiểm soát lỏng lẻo thì chất lượng đào tạo đi xuống là điều hiển nhiên”.

Xã hội vẫn còn định kiến với bằng tại chức (Ảnh:V.N)
Xã hội vẫn còn định kiến với bằng tại chức (Ảnh:V.N)

Theo thầy Khuyến, hiện nay để xóa bỏ được định kiến của xã hội về bằng tại chức phải nâng cao chất lượng đào tạo của các loại hình phi chính quy: 

“ Việc không ghi loại hình đào tạo là một bước tiến đúng xu hướng,phù hợp với thông lệ quốc tế. Thế nhưng, hiện nay xã hội vẫn có cái nhìn không tin tưởng với hình thức đào tạo tại chức, từ xa. 

Muốn xóa bỏ định kiến đó phải nâng cao chất lượng đào tạo và san bằng chất lượng đào tạo giữa các hệ chính quy và không chính quy. Trước tiên có thể tổ chức thi tuyển đầu vào để đảm bảo chất lượng. 

Việc đào tạo của các trường cần được công khai và để xã hội giám sát. Nếu nâng cao được chất lượng đào tạo thì việc xóa bỏ ranh giới chính quy – không chính quy mới có thể hiệu quả”.

Bằng cấp và… bằng lòng!
Bằng cấp và… bằng lòng!

Đồng quan điểm với thầy Khuyến, Giáo sư Phạm Tất Dong cũng cho rằng: Việc không ghi loại hình đào tạo là một ý tưởng phù hợp xu thế, hướng đến mô hình giáo dục mở, vận động người dân, công chức, viên chức, cán bộ, Đảng viên học tập suốt đời, học đi đôi với hành, học vì công việc và từng bước loại bỏ tư duy chạy theo bằng cấp.

Về ý nghĩa của việc làm này, thầy Phạm Tất Dong phân tích: “Việc không ghi loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, liên thông, từ xa) nhằm hướng đến việc vận động toàn dân học tập suốt đời. Xu hướng chung hiện nay việc học không chính quy là cơ bản.

Điều này phù hợp với những đối tượng như công chức, việc chức, cán bộ, Đảng viên. 

Rõ ràng họ không còn cơ hội để quay lại trường học chính quy vì họ đã ra trường rồi cho nên phải học tập theo hệ thống (học tập) suốt đời, không chính quy. 

Nếu phân biệt bằng chính quy, bằng tại chức, liên thông… là không đúng. Nếu người học đạt được tấm bằng đấy bằng trình độ thực thì chúng ta không được kỳ thị tấm bằng đó”.

Theo thầy Khuyến phải nâng cao chất lượng đào tạo hệ phi chính quy mới có thể xóa bỏ định kiến của xã hội (Ảnh: Tùng Dương)
Theo thầy Khuyến phải nâng cao chất lượng đào tạo hệ phi chính quy mới có thể xóa bỏ định kiến của xã hội (Ảnh: Tùng Dương)

Tuy nhiên để đạt phát huy hiệu quả của ý tưởng này, theo thầy Phạm Tất Dong: Chất lượng đào tạo phải được nâng cao, cải thiện so với hiện nay nhất là đối với hệ tại chức.

Giáo sư Phạm Tất Dong phân tích: “Hiện nay chết một cái là đào tạo chính quy và không chính quy đều không phát triển một cách bình đẳng

Một bên, việc đào tạo chính quy cũng có hiện tượng mua bằng cấp, chạy chức, chạy quyền rất ác liệt.

Một bên anh học không chính quy thì cũng chỉ học lấy được, học để đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức (điều kiện văn bằng).

Cho nên, hiện nay cả 2 anh này đều không được chứ không chỉ riêng đào tạo không chính quy. Thiết yếu nhất phải làm là nâng cao chất lượng đào tạo”.

Lo ngại về tình trạng cào bằng, vàng thau lẫn lộn (Ảnh: T.M)
Lo ngại về tình trạng cào bằng, vàng thau lẫn lộn (Ảnh: T.M)

Đối chiếu kinh nghiệm một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, sở dĩ họ không ghi các thông tin trên văn bằng là do họ có thể quản lý chặt đầu ra, cử nhân ra trường được xã hội tin tưởng vào chất lượng. 

Do đó họ không cần quá quan tâm đến việc sinh viên đó học gì, xếp loại như thế nào. 

Còn tại Việt Nam với tình trạng đào tạo phi chính quy còn bát nháo như hiện nay thì việc xã hội vẫn còn định kiến đối với tấm bằng tại chức đúng là điều dễ hiểu.

Vũ Ninh