Bỏ hình ghi thức đào tạo ở bằng đại học thì phải đảm bảo chất lượng như nhau

11/10/2019 06:04
Thùy Linh
(GDVN) - Nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học cho rằng: “Việc không ghi hình thức đào tạo (chính quy, tại chức) trên văn bằng là đi theo thông lệ quốc tế".

Xung quanh dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học”, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: “Việc không ghi hình thức đào tạo (chính quy, tại chức) trên văn bằng là đi theo thông lệ chung quốc tế. 

Theo đó, sinh viên không quan trọng học theo hình thức đào tạo nào, miễn là học cùng một chương trình thì một trường đại học sẽ chỉ có 1 loại bằng cho 1 ngành đào tạo chứ hoàn toàn không có nhiều loại bằng. 

Trong điều kiện hội nhập thì việc Việt Nam áp dụng theo thông lệ chung là cần thiết và chúng ta cũng đã phấn đấu điều này từ lâu để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học nhưng chưa thực hiện được”. 

Nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học cho rằng: “Việc không ghi hình thức đào tạo (chính quy, tại chức) trên văn bằng là đi theo thông lệ quốc tế". (Ảnh: Thùy Linh)
Nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học cho rằng: “Việc không ghi hình thức đào tạo (chính quy, tại chức) trên văn bằng là đi theo thông lệ quốc tế". (Ảnh: Thùy Linh)

Lý do được Giáo sư Lâm Quang Thiệp đưa ra là, hệ tại chức lâu nay xã hội vẫn nhìn nhận thấy quản lý chưa chặt chẽ từ tuyển sinh, đánh giá cho đến giảng dạy rất dễ dãi. Ví dụ một chương trình muốn đảm bảo thì phải diễn ra từ 3-4 tháng nhưng hệ tại chức chỉ dạy 3-4 tuần. 

Chính vì những yếu tố như vậy nên nhiều người đánh giá chất lượng của bằng tại chức không tương đương với bằng của hệ chính quy. 

Do đó, nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) băn khoăn: “Muốn không phân biệt bằng chính quy hay tại chức thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có động thái mạnh mẽ để các hình thức đào tạo phải đảm bảo chất lượng tương đương nhau. Nếu việc này được quy định rõ ràng, cụ thể, thực hiện nghiêm túc thì người dân mới có thể tin tưởng”. 

Trước đó, ngày 7/10, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết,
Điều 38 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019) quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…”. Luật quy định đối với giáo dục đại học, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời bằng và phụ lục văn bằng.

Từ tấm bằng tại chức, từ xa mà nhiều người học cao hơn để làm lãnh đạo

Thực hiện quy định của Luật, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành xây dựng song song 2 văn bản:

Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư đã hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị ban hành); Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học.

Trong “Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” đã có quy định nội dung chính của Phụ lục văn bằng giáo dục đại học bao gồm: 

“Thông tin của người được cấp văn bằng: Họ và tên, ngày tháng năm sinh; Thông tin về quá trình đào tạo và cấp bằng: Tên cơ sở giáo dục đại học cấp bằng; ngành đào tạo, chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngày cấp bằng, nơi tổ chức đào tạo (tên cơ sở đào tạo/phân hiệu), ngôn ngữ giảng dạy, thời gian đào tạo; 

Thông tin về trình độ đào tạo: Hình thức đào tạo;  Kết quả học tập: Tên học phần hoặc môn học, số tín chỉ của từng học phần hoặc môn học, điểm học phần hoặc môn học, tổng số tín chỉ tích lũy,  điểm trung bình, tên luận văn và kết quả luận văn (nếu có), điểm xếp loại tốt nghiệp, xếp loại tốt nghiệp.

Trường hợp văn bằng được cấp khi các tín chỉ tích lũy ở những cơ sở đào tạo khác nhau, cần ghi rõ tên môn học và số tín chỉ của từng môn học được công nhận để xét tốt nghiệp và tên cơ sở đào tạo.

Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp đại học nhằm loại bỏ tư duy chạy đua bằng cấp

Theo ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các thông tin quy định ghi trên Phụ lục văn bằng tại Thông tư nói trên đã đảm bảo cung cấp đầy đủ về quá trình đào tạo, kết quả học tập, hình thức đào tạo…của người học giúp người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin về người có văn bằng để tham khảo và lựa chọn trong việc tuyển dụng.

“Dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học. 

Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới (trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư này, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia). Do vậy, quy định như trong Dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” là phù hợp với nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước”, ông Mai Văn Trinh cho biết.

Cục Quản lý chất lượng cũng giải thích thêm, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, văn bằng giáo dục đại học gồm: Bằng Cử nhân; Bằng Thạc sĩ, Bằng Tiến sỹ và văn bằng tương đương. Theo quy định của Luật, Chính phủ quy định các loại văn bằng chuyên môn đặc thù. 

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học sửa đổi, trong đó sẽ quy định văn bằng tương đương là văn bằng chuyên môn đặc thù.

Như vậy, các loại văn bằng chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại Nghị định này. Dự kiến thì sẽ có các loại văn bằng như: bằng bác sỹ, bằng dược sỹ, bằng kỹ sư…(với tư cách là các bằng chuyên môn đặc thù). Do đó, trong dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định những trường hợp này.

Thùy Linh