Điều ước trên bản Cò Cài

14/09/2017 07:03
HỮU CHÍ - XUÂN QUANG
(GDVN) - Trời mưa đường đến trường lầy lội, quần áo có thể ướt nhưng sách vở thì chúng em phải giữ gìn mà học để thực hiện được điều ước.

Sau một ngày lặn lội cả trăm cây số, bản Cò Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa là điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi.

Ở đây, đêm xuống chỉ có tiếng mưa rừng rả rích cùng tiếng suối chảy róc rách dội về, thoáng đâu đó có tiếng trẻ học bài như xua đi bầu không khí buồn tẻ giữa đại ngàn.

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ, bà Lương Thị Phuồn (60 tuổi) ngồi têm trầu bên khung cửa khẽ khàng nhắc cháu trai Lương Văn Nhuận: “Ngày mai là ngày khai giảng, cháu ôn bài xong rồi đi ngủ cho sớm”.

Căn nhà sàn của bà Lương Thị Phuồn, bà ngoại của em Lương Văn Nhuận, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Trung Lý II, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Căn nhà sàn của bà Lương Thị Phuồn, bà ngoại của em Lương Văn Nhuận, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Trung Lý II, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).

Cậu bé vội bỏ những cuốn sách vào cặp rồi lên giường nằm.

Trằn trọc ít phút, Nhuận quay sang nói: “Bà ơi! Cháu nhớ bạn bè, thầy cô lắm! Đến trường cháu rất vui vì như ở nhà mình, thầy cô dạy cháu biết cái chữ và còn rất tốt với chúng cháu đấy bà ạ”.

Hai bà cháu trò chuyện một hồi lâu rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết!

Cơn mưa rừng dần ngớt cũng là lúc trời tờ mờ sáng, lác đác trên những ngôi nhà sàn đã có đốm lửa le lói.

Bếp lửa của bà Phuồn hôm nay được nhóm sớm hơn mọi khi vì Nhuận phải thức dậy từ rất sớm lo bữa sáng đến trường.

Công việc hàng ngày của em Lương Văn Nhuận phụ giúp ông bà (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Công việc hàng ngày của em Lương Văn Nhuận phụ giúp ông bà (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).

Nhuận ăn vội chút cơm nguội mới được hâm nóng xen lẫn tâm trạng rạo rực, phút chốc cậu bé nhìn về phía điểm trường xa tít tắp bên triền núi với vẻ thoáng buồn.

Điều ước trên bản Cò Cài ảnh 5

Thầy giáo cắm bản từng bị hiểu lầm là đi… bắt vợ

Có lẽ, nét thoáng buồn ấy là nỗi niềm nhớ bố, nhớ mẹ. Lại thêm một năm khai giảng nữa Nhuận vắng đi vòng tay yêu thương của bố vì đã mất do căn bệnh hiểm nghèo. Lúc ấy, cậu bé mới tròn 8 tuổi.

Một thời gian sau, mẹ đi bước nữa, lại ở rất xa, nên mọi việc lo học hành, ăn ở đều phải trông chờ vào ông bà ngoại.

Vội nhìn chiếc đồng hồ được thầy cô tặng, Nhuận và nhanh bát cơm đã nguội dần rồi mặc vội bộ quần áo cũ, xỏ đôi dép tổ ong đã rách rồi nhanh chóng đến trường.

Quãng đường dốc, đất đá gồ ghề dài gần 2 km đã trở thành tri kỷ, những nếp chai sạn, thâm sẹo ở chân cậu bé trở thành những dấu ấn trên cung đường quen thuộc.

Nhuận kể, có những lần đi học, trời mưa xối xả, nước chảy cuồn cuộn cuốn theo đất đá, làm xói cả đường đi. Lúc nguy hiểm là thế, cậu bé chỉ biết bám vào cành cây lê từng bước chân mới đến được điểm trường.

Dù khó khăn, khổ cực đi tìm kiến thức nhưng cậu bé vẫn kiên trì đến trường, vì Nhuận ước mơ một ngày sẽ được trở thành chiến sỹ công an bảo vệ bà con, thôn bản.

Năm học nào em Lương Văn Nhuận cũng đạt được thành tích tốt, có giấy khen và những phần thưởng (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Năm học nào em Lương Văn Nhuận cũng đạt được thành tích tốt, có giấy khen và những phần thưởng (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).

“Trời mưa gió, đường đến trường lầy lội, gập ghềnh nhưng em và các bạn trong bản vẫn đến trường.

Có lần đang đi thì mưa to, chúng em phải cố gắng chạy nhanh đến trường, quần áo ướt hết nhưng phải giữ sách vở để còn có cái mà học”, Nhuận tâm sự.

Điều ước trên bản Cò Cài ảnh 7

Nữ sinh lớp 11 gồng mình chống chọi với bạo bệnh mong sớm được đến trường

Thoáng nghe những câu chuyện của Nhuận trên quãng đường đi học, chúng tôi cũng đã đến được điểm trường Trung Lý 2.

Hôm nay, Nhuận cũng như bao bạn bè cùng trang lứa đều có chung tâm trạng hồi hộp, hứng khởi khi được gặp lại thầy cô giáo, bạn bè.

Gặp chúng tôi, ai nấy đều nở một nụ cười trìu mến!

Đồng hồ đã chỉ 8 giờ, ban giám hiệu nhà trường cùng mọi khách mời và các em học sinh đã có mặt đông đủ chuẩn bị cho lễ khai giảng.

Dưới ánh nắng chói trang, mồ hôi ướt đầm vai áo, các học sinh, thầy cô vẫn hân hoan đón chào một năm học mới đầy tốt đẹp.

Ông Lương Minh Thông, Bí thư huyện Mường Lát trao thưởng cho các em có thành tích học tập tốt (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Ông Lương Minh Thông, Bí thư huyện Mường Lát trao thưởng cho các em có thành tích học tập tốt (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Nhuận cùng các bạn vui cười trong ngày tựu trường (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Nhuận cùng các bạn vui cười trong ngày tựu trường (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Em Lương Văn Nhuận vui mừng nhận phần thưởng (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Em Lương Văn Nhuận vui mừng nhận phần thưởng (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).

Trong buổi lễ khai giảng, tôi được nghe đến tên em Nhuận, cái tên được nhắc đến trong buổi lễ khai giảng bởi sự chăm chỉ học tập, bởi cố gắng vươn lên trong nỗi bất hạnh, thiếu thốn tình cảm gia đình.

Cậu bé liên tiếp nhận được hai phần thưởng của lãnh đạo huyện Mường Lát, đó là sự nỗ lực của quá trình phấn đấu trong suốt năm học.

Video một ngày đến trường của em Lương Văn Nhuận, học sinh lớp 4, Trường tiểu học Trung Lý II, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa (thực hiện video: Hữu Chí)

Chia sẻ với chúng tôi về cậu học trò Lương Văn Nhuận, thầy giáo chủ nhiệm Tống Hồng Bắc cho biết: “Nhuận có nỗi buồn rất lớn là sự thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, từ nhỏ đã phải ở với ông bà ngoại, nên được đi học cậu bé rất thích.

Ngay từ khi mới vào trường, Nhuận còn bỡ ngỡ nhưng tiếp thu bài rất nhanh và hơn hẳn các bạn trong lớp. Nhuận viết khá đẹp và đã được đi thi vở sạch chữ đẹp của huyện.

Đây cũng như là một tấm gương để mọi bạn khác noi theo, và tất cả các học sinh trong bản các thầy cô luôn yêu các em, xem các em như những người con trong gia đình”.

Nhuận cùng các bạn tung tăng bước đến trường (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).
Nhuận cùng các bạn tung tăng bước đến trường (ảnh Hữu Chí/giaoduc.net.vn).

Buổi khai giảng kết thúc, mặc cho đường dốc, đất đá lởm chởm, Nhuận cầm phần thưởng và giấy khen trên tay chạy một mạch về nhà khoe với ông bà ngoại.

Nhìn Nhuận, trong tôi ánh lên niềm tin, niềm hy vọng mong cho những ước mơ của cậu bé và biết bao ước mơ của trẻ vùng cao sẽ trở thành hiện thực.

HỮU CHÍ - XUÂN QUANG