Dù còn 1 - 2 ngày thôi, cũng cố bám lò luyên thi!

30/06/2011 08:04
(GDVN) - Liệu cách này có thực sự hiệu quả khi tất cả các giá trị được đưa ra làm thương mại đến chóng mặt như hiện nay?

(GDVN) - Hằng năm, cứ như là một quy luật, sau khi kết thúc kỳ thi THPT, hàng triệu sĩ tử đổ về thành phố miệt mài “mài kinh nấu sử” với ước mơ cháy bỏng là được đặt chân vào các trường CĐ – ĐH mà mình mong muốn.

{iarelatednews articleid='1059'}

Gia đình là nơi hỗ trợ đắc lực cho các em trong công cuộc “ôn luyện” khắc khổ này. Trong rất nhiều cách để bổ sung kiến thức cho mình, cách ôn luyện “tại lò” được coi như phổ biến và dễ dàng nhất. Tuy nhiên liệu cách này có thực sự hiệu quả khi tất cả các giá trị được đưa ra làm thương mại đến chóng mặt như hiện nay.

Tại Hà Nội, không quá khó khăn để tìm kiếm một “lò” luyện thi với những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn. Dạo một vòng quanh khu vực được coi là “điểm nóng” trong các lò ôn luyện như khu vực trường ĐH Bách Khoa, ĐH Y Hà Nội, ĐH KHXH& NV, ĐHQG, ĐH Sư phạm…chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh các “lò nằm san sát nhau với các biến quảng cáo hấp dẫn” Trung tâm luyện thi đại học chất lượng cao” ; “trung tâm bồi dưỡng kiến thức”…và những lời săn đón hấp dẫn của “cò” “Em đi đăng ký luyện thi à, thi khối nào, có lớp ngay đấy, 9h30 sáng nay có ca học toán của thầy T, chiều học lý, thầy này uy tín lắm yên tâm học là đỗ?”

Không ít thí sinh đã coi lò luyện thi như một chiếc đũa thần, một chiếc phao cứu sinh trong cuộc chiến vào cổng trường Đại học. Với tâm lý được học chính các thầy có uy tín trong trường mình định thi thì kiến thức sẽ được bổ sung một cách bài bản và sát với đề thi hơn đã khiến không ít học sinh và phụ huynh quyết tâm lên Hà Nội bằng được. Theo bác Nguyễn Văn Tâm (Ba vì – Hà Nội) “đã nuôi cháu nó 12 năm ăn học rồi nên chỉ còn 1 tháng nữa phải đầu tư cho trọn vẹn.

Lên đây có nhiều thầy cô giỏi nên các cháu học hành cũng tốt hơn”, “Em muốn được lên đây học vì nghe các anh chị đi trước nói nên ôn ở lò kiến thức mới sát với đề thi, các thầy sẽ ra nhiều bài trong bộ đề cho ôn luyện sẽ tốt hơn là việc tự học ở nhà” – một thí sinh đang ôn thi tại lò chia sẻ . Tuy nhiên cũng không ít bạn sau khi đã “khăn gói quả mướp” đi ôn đã phải thất vọng ra về hoặc nhanh chóng về quê để kịp các lớp đã theo trước đó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


“1 lớp có tận gần 400 học sinh, thầy chỉ phát đề trong bộ đề cho tự làm, có giảng đôi chút nhưng ở xa quá em không nghe rõ nên em quyết định không học nữa, về quê ôn ở các lớp em vẫn ôn từ trước khi thi tốt nghiệp em thấy kiến thức được bổ sung nhiều hơn” – đó là trường hợp của bạn Lê Phương Anh (Hải Dương) và đây cũng là một thực tế phổ biến tại các lò hiện nay.

Với những lời quảng cáo đáng trúng tâm lý, nhiều trung tâm đã thu hút không ít các thí sinh đăng ký tham gia học với mức chi phí dao động từ 20.000 đ – 25.000 đ/ 1h45 phút học. Làm một phép tính đơn giản 20.000đ x 400 học sinh/ 1 ca (một tuần 1 thầy trung bình dạy 3 ca) cũng đủ để thấy rằng thu nhập của các thầy “khủng” đến mức nào và tại sao đội ngũ các “cò” lại hoạt động nhiệt tình đến như vậy.

Việc ôn luyện trước mỗi kỳ thi là cần thiết, gia đình tạo điều kiện cho các em học tốt cũng là một may mắn. Tuy nhiên kiến thức không thể trong 1 tháng mà bù đắp lại được phần mình đã thiếu hụt, kiến thức được mài dũa, đúc kết từ quá trình miệt mài học tập của các em trên ghế nhà trường, đó mới là kiến thức thực sự.

Chạy đua theo những lò luyện thi đôi lúc đã đẩy chính các thí sinh và phụ huynh vào tình thế “lợi bất cập hại” khiến không ít thí sinh đã phải vội vàng từ giã các “lò” để về quê trung thành với thầy cô đã từng dạy mình sau khi vất vả tìm kiếm nhà ở và ghi danh ở thành phố.

Thiết nghĩ vấn đề này không mới và năm nào cũng sẽ diễn ra, tuy nhiên mỗi thí sinh chính bản thân các em sẽ đánh giá đúng thực lực của mình để tìm một phương pháp ôn luyện phù hợp, tránh tâm lý quá căng thẳng sẽ tự tạo ra áp lực không đáng có trước mỗi kỳ thi.
 
May