LTS: Phản ánh tình trạng Ban Giám hiệu và các Phòng, Sở dự giờ thường xuyên gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh, cô giáo Phan Tuyết cho rằng cần có quy định rõ ràng về công tác dự giờ.
Theo đó, cần quy định cụ thể việc dự giờ như thế nào và dự bao nhiêu là đủ chứ không thể mỗi nơi một kiểu theo “sở thích” của lãnh đạo được.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Để đánh giá năng lực sư phạm của giáo viên, đánh giá chất lượng học tập của từng lớp cũng như thông qua việc dự giờ, các đồng nghiệp trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau, trường học các cấp đều áp dụng phương pháp dự giờ thăm lớp.
Có thể nói, việc dự giờ thăm lớp đã trở thành điều bắt buộc đối với giáo viên.
Nhưng dự giờ như thế nào và dự bao nhiêu là đủ, tránh tạo cho giáo viên và học sinh những áp lực, căng thẳng vẫn chưa được các trường chú trọng.
Trong thực tế thì chưa có một quy định rõ ràng, mỗi nơi đang áp dụng mỗi kiểu theo ý thích của Ban Giám hiệu từng trường.
Công tác dự giờ thăm lớp cần được quy định rõ ràng dự bao nhiêu là đủ. (Ảnh trên Báo điện tử Zing.vn) |
Hàng chục tiết dự giờ mỗi năm
Theo quy định bắt buộc, một giáo viên trong năm phải dạy hàng chục tiết cho Ban Giám hiệu và đồng nghiệp dự giờ.
Có thể kể đến 3 tiết kiểm tra tay nghề (hoặc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường), 3-4 tiết dạy thao giảng tổ, 1 tiết dạy thao giảng trường, 1 tiết chuyển khối, chuyển đến, tiết chuyên đề, liên trường, liên khối…
Có giáo viên năm đó đi thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện/thị hoặc cấp tỉnh, số tiết dạy dự giờ phải nhiều hơn rất nhiều.
Đó là chưa nói đến những tiết dự giờ đột xuất theo ngẫu hứng của Ban Giám hiệu nhà trường, tiết dự giờ của cán bộ chuyên môn cốt cán trường khác đến, tiết dự của Phòng hay Sở khi về thanh tra…
Người đi dự luôn đưa ra quan điểm: “Việc dự giờ thăm lớp nhằm hỗ trợ, tư vấn cùng giúp nhau thực hiện tốt việc giảng dạy chứ không phải dự giờ góp ý và xếp loại nên thầy cô cứ yên tâm”.
Hiệu trưởng không dự giờ hết một tiết học, giám sát tiếng Anh liên kết thế nào? |
Nói thì cứ nhẹ như không nhưng thầy cô dạy bình thường sao được khi trong lớn học có người ngồi dưới cứ chăm chú quan sát, theo dõi, ghi chép để còn cái góp ý.
Người dự đôi khi không cần quan tâm đến sự tiếp thu bài của học sinh mà để ý bắt bẻ từng tiểu tiết nhỏ (điều tốt chỉ nhắc qua nhưng điều mình cho là chưa được cứ nói lui nói tới).
Ngay cả học sinh, cứ có thầy cô vào dự giờ chúng cũng chẳng thể học bình thường, em thì ngồi im re vì sợ, em trả lời run rẩy.
Đã thế, theo cách dự giờ kiểu mới, người dự không ngồi một chỗ mà đến từng bàn ngồi cùng học sinh hay đi lòng vòng trong lớp.
Nhiều em ngày thường học rất tốt, hôm có người dự giờ bài toán đơn giản nhất cũng làm sai.
Cũng đã từng có giáo viên run quá lấy cả khăn lau bảng để lau mồ hôi trong tiết dự giờ. Vì thế, tiết học dự giờ cũng chẳng thể tự nhiên, thoải mái cho cả thầy và trò ít nhất là về mặt tâm lý.
Mặt trái của việc dự giờ
Dự giờ để tìm ra phương pháp dạy học hay, hình thức tổ chức dạy học tốt cùng học hỏi nhau, nâng cao tay nghề, nghiệp vụ sư phạm đâu không thấy, nhiều góp ý của người dự làm người dạy thấy căng thẳng và mệt mỏi.
Thường người dự cứ đưa ra chủ ý của mình mà càng là cấp trên thì ý mình bao giờ cũng đúng, cũng hay.
Khổ nỗi, không phải lúc nào người dự giờ cũng có tay nghề cứng hơn giáo viên nên dự xong có vô vàn điều góp ý, người dạy không phục và thế là tranh cãi lại nổ ra.
Cái học được nhau thì ít, sự rắc rối mang đến lại nhiều.
Nghe đồng nghiệp nhiều nơi kể lại, có những Hiệu trưởng, thậm chí là chuyên viên cấp Phòng, Sở luôn có “sở thích” đi dự giờ đột xuất giáo viên.
Họ thường góp ý và đưa ra ý kiến của mình thầy cô phải dạy thế này, mà không được dạy thế kia.
Nhưng cũng chính họ, vài năm sau xuống làm giáo viên dạy một tiết kiểm tra tay nghề, nương tay lắm mới xếp đạt loại Khá.
Ngoài những tiết dự giờ được lên kế hoạch từ đầu năm, một số trường dùng quyền dự giờ đột xuất để đánh giá giáo viên (không loại trừ việc trù dập những giáo viên không cùng phe cánh, giáo viên làm phật lòng cấp trên…).
Dự giờ được chuẩn bị trước, giáo viên còn thấy chưa thoải mái, nói gì đến việc Ban Giám hiệu nhà trường chỉ báo trước 5 phút là ập ngay vào lớp như việc “đánh trận” làm cả thầy và trò rơi vào thế bị động vì quá bất ngờ.
Riêng chuyện này không chỉ gây cho giáo viên đứng lớp căng thẳng mà chính học sinh cũng thấy “khớp”. Mục đích của việc dự giờ này theo cách nói của Ban Giám hiệu “Kiểm tra xem thầy cô chuẩn bị và dạy thế nào?”.
Nói là kiểm tra, giáo viên đã được kiểm tra tay nghề hàng năm và đã được xếp loại. Còn học sinh đã được sát hạch bằng các kì kiểm tra chất lượng.
Không thể chỉ qua một vài tiết dự giờ mà có thể đánh giá tay nghề giáo viên yếu kém hay vững chuyên môn được.
Bởi thế, vấn đề đặt ra là việc dự giờ giáo viên nhiều như thế nhất là kiểu dự giờ ngẫu hứng có cần thiết hay không?
Có lẽ các vị ấy quên rằng dạy học từ lâu được xem là nghề nghiệp luôn cần sự sáng tạo của người thầy.
Mỗi giáo viên truyền tải nội dung bài học đến cho học sinh của mình bằng nhiều cách khác nhau nhưng cái đích cuối cùng vẫn là các em hiểu và làm được bài.
Liệu người thầy có thể phát huy sự sáng tạo của mình hay không nếu luôn nơm nớp lo sợ bởi sự kiểm tra gắt gao của người khác?