Đừng nói hướng nghiệp, khi tham gia đóng vai thì trẻ tiểu học ắt hiểu được nghề

22/10/2020 06:37
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với trẻ tiểu học thì cho các em tham gia đóng vai các nghề để từ đó các em hình thành suy nghĩ, biết đến các nghề thay vì nói hướng nghiệp.

Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Công tác hướng nghiệp sẽ được thực hiện từ tiểu học đến đại học.

Đã lấy ý kiến được một tháng, dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng việc hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học là quá sớm, không cần thiết. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định nên hướng nghiệp càng sớm càng tốt.

Liên quan đến đề xuất này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Đối với trẻ tiểu học thì cho các em tham gia đóng vai các nghề để từ đó các em hình thành suy nghĩ, biết đến các nghề chứ trẻ 6-7 tuổi thì không thể nói hướng nghiệp như nói với học trò bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông được”.

Từng có dịp đi nhiều nước, Giáo sư Phạm Tất Dong chia sẻ, nước Nga hướng nghiệp theo tinh thần hướng dẫn trẻ con mầm non, tiểu học tham gia vào các trò chơi như đóng vai thầy thuốc - người khám bệnh, người bán hàng - người mua hàng, cảnh sát giao thông – người lái xe….họ nhận thấy rằng, trẻ thích vào vai nào thì sau này khi lớn lên thường có xu hướng chọn nghề đó.

Hoặc trong bài tập đọc có hình ảnh bác thợ rèn thì giáo viên sẽ giới thiệu về nghề này, sản phẩm của bác thợ rèn là gì…. tức là các nghề nghiệp được đan cài trong từng bài học cụ thể rồi lên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì mới có giờ học hướng nghiệp.

Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh: Vietnamnet)

Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh: Vietnamnet)

Từng dự giờ học hướng nghiệp tại Đức, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết, bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có cả sách về hướng nghiệp do đó khi học sinh muốn tìm hiểu sâu về nghề nghiệp nào thì phòng hướng nghiệp sẽ phụ trách giới thiệu sâu thêm.

Ví như khi học sinh muốn tìm hiểu về nghề xây dựng thì phòng hướng nghiệp sẽ cho các em xem một thước phim về các công trình xây dựng nổi tiếng thế giới để thấy muốn có công trình đó thì người thợ phải vất vả ra sao khi đánh đu trên các tầng cao. Từ đó giới thiệu cho các em muốn học nghề này thì nên học ở trường nào, ra trường mức thu nhập sẽ ra sao, thậm chí muốn làm nghề này thì cần học chuyên sâu những môn học nào…

Đến khi lên trung học phổ thông thì các em sẽ được học chuyên sâu hơn vì liên quan đến công tác chọn ngành học ở đại học, chính vì vậy “bác sĩ trường học” sẽ có nhiệm vụ ghi chú trong học bạ ở bậc trung học phổ thông nhằm tư vấn học sinh A có thể học rồi ra làm nghề A’, học sinh B có thể học rồi ra làm nghề B’ nào đó, ví như học sinh có bàn chân bẹt thì đừng nên chọn làm vận động viên chạy đua; học sinh tay ra nhiều mồ hôi thì đừng chọn công việc đụng chạm đến vải vóc, tơ lụa; em nào bị đau lưng thì đừng chọn công việc lái xe…

“Có thể nhiều học sinh thích nghề nào đó nhưng bản thân có bệnh gì không phù hợp với nghề đó do đó bác sĩ trường học có nhiệm vụ tư vấn để các em tránh ra, vì nếu cố làm thì sẽ hỏng”, Giáo sư Phạm Tất Dong cho biết.

Chính vì vậy trước đề xuất hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học thì giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn để các nhà trường thực hiện bằng cách cho học sinh tiểu học tham gia vào các hoạt động vui chơi, trải nghiệm các nghề thông qua hình thức đóng vai để các cháu ấn tượng về các nghề. Còn khi lên trung học cơ sở, trung học phổ thông thì mới cần giới thiệu nghề này học ở đâu, cần học môn gì tốt thì mới làm nghề đó được…”.

Ví dụ, một em đóng vai cảnh sát, 5 em đóng vai lái xe. Theo đó, cảnh sát chỉ đường, nhìn vào các biển báo để chỉ khi nào được rẽ phải, khi nào được rẽ trái, khi nào được dừng lại, khi nào đi tiếp… còn lái xe thì không được chen ngang, vượt ẩu… Những điều này mặc nhiên sẽ giúp học sinh hiểu cảnh sát có nhiệm vụ gì, người lái xe cần có phẩm chất gì.

Thùy Linh