Đối với trẻ lớp 1, lớp 2 mà nói hướng nghiệp dễ khiến dư luận hiểu nhầm

21/10/2020 06:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sĩ Tùng Lâm giới thiệu nghề nghiệp từ cấp tiểu học là hoàn toàn tốt nhưng cần phân tích sâu để mọi người hiểu chứ nói hướng nghiệp thì nghe to tát quá.

Học sinh từ bậc tiểu học cần được hướng dẫn tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường như một hoạt động hướng nghiệp từ sớm. Nội dung này được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tại dự thảo thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục vừa ban hành. Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến góp ý của dư luận đến hết ngày 11/11/2020.

Theo dự thảo, công tác hướng nghiệp cho học sinh sẽ bắt đầu từ bậc tiểu học. Cụ thể về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, ở cấp tiểu học sẽ giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.

Hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.

Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng quản lý bản thân; Kỹ năng xã hội; Tìm hiểu về gia đình, cộng đồng.

Qua đó, phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.

ảnh minh họa: Báo Vietnamnet

ảnh minh họa: Báo Vietnamnet

Các hình thức triển khai sẽ gồm thực hiện qua tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp.

Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học.

Tổ chức tư vấn, đánh giá năng khiếu của học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện và các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Đồng tình với "đề xuất hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học", chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội bày tỏ, chủ đề mà chúng ta hướng tới trong dự thảo này là hướng nghiệp ở các bậc học nhưng cần giải thích rõ để dư luận hiểu rõ ở mỗi bậc học thì mức độ và nội dung sẽ khác nhau như thế nào, chứ không phải cứ nói đến hướng nghiệp là định hướng nghề nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (ảnh: Thùy Linh)

Thầy Lâm nêu ví dụ, đối với trẻ tiểu học thì chỉ giới thiệu để các em biết đến các nghề đang có trong xã hội ví như bố mẹ đang làm nghề gì, công việc đó cần sử dụng thiết bị, công cụ gì… hoặc khi nói về phẩm chất của người lao động thì đề cập đến chăm chỉ, làm đúng kỹ thuật…giúp các em định hướng những phẩm chất trở thành người lao động.

Tất cả những điều đó khi tham gia vào các hoạt động của trường cũng như kết hợp với chương trình học kỹ năng, tư duy, năng lực phát triển sẽ hình thành cách suy nghĩ đơn giản về các nghề nghiệp đối với trẻ tiểu học.

Cuối cùng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: “Giới thiệu nghề nghiệp từ cấp tiểu học là hoàn toàn tốt nhưng cần phân tích sâu thêm để mọi người hiểu chứ nói định hướng thì nghe to tát quá đối với trẻ lớp 1, lớp 2 khiến dư luận dễ hiểu nhầm.

Bởi lẽ bản thân môn Đạo Đức, Tự nhiên xã hội cũng đã có những bài học giới thiệu nghề nghiệp rồi. Như vậy vừa đảm bảo yêu cầu giáo dục, vừa gắn với những năng lực, phẩm chất mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới”.

Cũng chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, vì tư duy nghề nghiệp không đầy đủ nên đã dẫn đến nhiều sinh viên vào đại học rồi lại bỏ học.

Vị này cho rằng, chính các bậc phụ huynh, thầy cô giáo phải là những người đầu tiên ý thức được câu chuyện hướng nghiệp.

“Hướng nghiệp nghe có vẻ to tát nhưng thực ra không có gì lớn lao nếu trong quá trình dạy, thầy cô có ý thức giới thiệu về nghề nghiệp cho học sinh.

Ví dụ, nói về nghề thợ hàn có thể giới thiệu cần sử dụng công cụ gì hay sản phẩm đầu ra sẽ ra sao. Qua đó, những em có thiên hướng về kỹ thuật có thể nhìn thấy được điều đó là phù hợp với mình”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nói.

Cũng theo, Tiến sĩ Lê Đông Phương, theo danh mục nghề nghiệp của Tổng cục Thống kê hiện đang có trên 900 nghề. Nhưng có những nghề phổ biến học sinh vẫn không nghĩ, không biết tới. Do đó, việc bắt đầu giới thiệu về các nghề từ bậc tiểu học cho học sinh là điều cần thiết.

Thùy Linh