Gian lận thi cử: Sự ngu dốt của cả một thế hệ tăng theo cấp số nhân

10/06/2012 06:34
Đỗ Quyên Quyên (Thực hiện)
(GDVN) - Lưỡng quốc Tiến sĩ Đỗ Văn Khang: "Hành động của hai em học sinh thật sự dũng cảm, cần thiết, bởi nếu không có chuyện phanh phui này ra thì nền giáo dục nước nhà sẽ quan liêu đến thế nào? Chúng ta nhìn thấy kết quả thi cao, cho rằng chất lượng dạy và học cao, nhưng không hay biết rằng đồng nghĩa với nó là sự ngu dốt của cả một thế hệ sẽ tăng cấp số nhân".
Ngay sau khi nhận được các clip ghi lại những sai phạm, tiêu cực có hệ thống tại Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Lục Nam – Bắc Giang), PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng Lưỡng quốc Tiến sỹ Đỗ Văn Khang về vấn đề này. 

TS Đỗ Văn Khang cho rằng đây là cú sốc lớn nhất trong lịch cử thi cử của Việt Nam.
TS Đỗ Văn Khang cho rằng đây là cú sốc lớn nhất trong lịch cử thi cử của Việt Nam.

- Theo nguồn tin của Giáo dục Việt Nam, cả 6 môn thi tại Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) đều có tiêu cực. Tiến sĩ có suy nghĩ gì về những tiêu cực này? 

TS. Đỗ Văn Khang: Đây quả là cú sốc lớn nhất trong lịch sử thi cử của Việt Nam, một sự kiện nóng mà chúng ta cần giải quyết triệt để. Hiện nay, từ Đảng đến Chính quyền đều hướng và chống tiêu tiêu cực trong giáo dục, thế nhưng nền giáo dục lại ngày càng xuống cấp mà chưa thể ngăn chặn thực sự hiệu quả. Qua vụ clip tiêu cực tại Trường PTDL Đồi Ngô - Bắc Giang cho thấy, tiêu cực đã và đang hoành hành một cách táo tợn.

Lỗi của sự việc này từ khâu tổ chức, quản lý của nhà trường lỏng lẻo, giáo viên không hết lòng vì trò, trò không cố gắng học... 

TS. Đỗ Văn Khang: Trước đây, tôi học tại Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, sau đó là Trường Đại học Quốc gia Lô-mô-nô-xôp (Nga), đều là những ngôi trường danh tiếng, kỷ cương chặt, chất lượng học tốt. Thế hệ của chúng tôi học với một niềm say mê, luôn khao khát tới sự nghiệp, luôn hướng về Tổ Quốc.

Khi còn là một thầy giáo mới vào nghề, tôi đã tham gia coi thi rất nhiều. Ngày đó thầy trò vừa thi vừa tránh đạn bom, lớp học giống như địa đạo vậy. Tôi là một thầy giáo khá nghiêm khắc, phát hiện bất cứ hành vi nào sai quy định tôi đều lập biên bản và tịch thu tài liệu. Tôi quan niệm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường mà gian lận thì ra ngoài cuộc sống còn gian lận hơn thế nữa.

- Phát biểu trên báo giới, có quan điểm cho rằng, không thể lấy hành vi tiêu cực (tức là mang máy quay vào phòng thi) để chống lại hiện tượng tiêu cực (là quay cóp của thí sinh) Tiến sĩ có quan điểm như thế nào về cách xử lý hai học sinh này?
TS. Đỗ Văn Khang: Ý kiến của tôi trái ngược với ý kiến mà bạn vừa nêu, bởi như vậy là suy nghĩ cứng nhắc, vội vàng. Đây không phải là một ý kiến sâu sắc cửa một nhà giáo dục.

Thời đại kỹ thuật, thông tin thì cần có những thiết bị điện tử để ghi lại chân thực nhất những tiêu cực. Trong khi các em ấy đã làm thay việc mà Bộ giáo dục nên làm, trong những kỳ thi quan trọng cần có camera theo dõi. Hơn nữa, sự việc này được phát hiện tạo ra hiệu ứng tích cực góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Như vậy, việc các em làm đáng được tuyên dương chứ không phải xử phạt. Nếu kỷ luật các em thì tiêu cực sẽ ngày càng mạnh vì không ai dám đứng ra chống tiêu cực nữa.

Theo tôi, thầy giáo Đỗ Việt Khoa là một nhà giáo đáng trân trọng, đã chiến đấu không ngừng vì sự trong sạch của giáo dục. Tiêu cực là hiện tượng đồng lõa của tập thể, cần những người anh hùng.

- Thí sinh trực tiếp cầm thiết bị quay ghi lại cảnh gian lận thi cử tại Hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) lo lắng bị đánh trượt, dẫn đến khủng hoảng tinh thần. Theo Tiến sĩ trong trường hợp này, HS thực hiện việc quay clip phanh phui những tiêu cực cần được bảo vệ thế nào?
TS. Đỗ Văn Khang: Hành động của hai em học sinh thật sự dũng cảm, cần thiết, bởi nếu không có chuyện phanh phui này ra thì nền giáo dục nước nhà sẽ quan liêu đến thế nào? Chúng ta nhìn thấy kết quả thi cao, cho rằng chất lượng dạy và học cao, nhưng không hay biết rằng đồng nghĩa với nó là sự ngu dốt của cả một thế hệ sẽ tăng cấp số nhân. 

Tôi nhớ là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Ai dũng cảm chống tiêu cực thì người đó cần được bảo vệ”. Tôi nghĩ nên tuyên dương, khen thưởng hai em học sinh quay clip nhằm khuyến khích người người, nhà nhà chống tiêu cực.

Những hình ảnh quay cóp tại Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang (Ảnh chụp từ clip)
Những hình ảnh quay cóp tại Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang (Ảnh chụp từ clip)

- Nếu đặt cương vị là người lãnh đạo Bộ Giáo dục, Tiến sĩ xử lý vụ việc này như thế nào?
TS. Đỗ Văn Khang: Tôi tán thành việc mạnh tay xử lý vụ việc nhằm củng cố lại kỷ cương của giáo dục. Trong sự việc này cần xử lý thật khéo, đúng người đúng tội. Bởi vì một ung nhọt thì cần dùng đến dao mổ, nếu không sẽ làm tê liệt cơ thể sống. 

Những ai vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử lý, nhẹ thì phê bình, cảnh cáo, nặng thì khai trừ khỏi Đảng, truất quyền dạy học. Như vậy mới lập lại kỷ cương, gia tăng chất lượng giáo dục được. Nếu không nâng cao chất lượng giáo dục trên nhiều phương diện, chống tiêu cực thi không thể “vực” nền giáo dục Việt Nam lên ngang tầm khu vực và Quốc tế.

Trước hành vi dũng cảm của hai em học sinh quay clip chống tiêu cực, tôi cho rằng nên công nhận bài làm của hai em, còn lại toàn Trường THPT DL Đồi Ngô phải thi lại theo đề thi dự trữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Trân trọng cảm ơn ông!
Gian lận thi cử: Sự ngu dốt của cả một thế hệ tăng theo cấp số nhân ảnh 6
Đỗ Quyên Quyên (Thực hiện)