Giáo án có nơi đang là vòng kim cô với giáo viên, vô tác dụng với học trò

06/05/2020 06:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Một số lãnh đạo đã tận dụng triệt để sức mạnh của giáo án để “ra tay” với những ai cảm thấy “ngứa mắt” bằng cách kiểm tra đột xuất, bất ngờ như kiểu tập kích.

Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, giáo án là một trong 4 loại hồ sơ sổ sách buộc phải có của giáo viên.

Hiện nhiều giáo viên lên lớp đã có giáo án trong máy tính (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Hiện nhiều giáo viên lên lớp đã có giáo án trong máy tính (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Vì thế, trong bất kỳ đợt kiểm tra, thanh tra (giáo viên và thanh tra chuyên môn trường học) đều không thể bỏ qua khâu kiểm tra giáo án.

Lên lớp có buộc phải mang theo giáo án?

Nếu thầy cô giáo ấy nhận được lời phê có nội dung như: “Giáo án soạn đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định” là xem như an toàn.

Bằng không, chỉ cần nhận được lời phê soạn thiếu tuần nọ, tuần kia hay chưa thực hiện đúng quy định thì xem như bao công phấn đấu dạy dỗ trong năm của thầy cô ấy có tốt đến nhường nào, cũng trở thành công cốc.

Vì sức mạnh của giáo án nên một số lãnh đạo đã tận dụng triệt để lợi thế được kiểm tra của mình để “ra tay” với những ai cảm thấy “ngứa mắt” bằng cách kiểm tra đột xuất, bất ngờ như kiểu tập kích.

Đó là khi giáo viên vừa đến trường đã đọc được thông báo “…giờ giáo viên nộp giáo án” (tuy thế, cách này ít được áp dụng hơn do thông báo công khai thì tất cả giáo viên từ sơ đến thân đều phải nộp).

Vì thế, cách mà lãnh đạo hay áp dụng chính là tới thẳng lớp thầy cô giáo (mình không ưa) đang dạy nói rằng cần mượn giáo án để xem.

Dù giáo án bạn đã soạn đầy đủ và đã có ngay trong máy tính (nhưng máy tính để ở nhà) thì bạn vẫn sẽ bị đưa vào dạng không có giáo án khi lên lớp. Nếu đã bị kết luận như thế thì bạn hiểu cái loại thi đua nào đang đợi mình rồi đấy.

Giáo viên có dạy tốt khi không có giáo án?

Giáo án có nơi đang là vòng kim cô với giáo viên, vô tác dụng với học trò ảnh 2
Ai có thể tính được sự lãng phí khi giáo án in ra chỉ để ký?

Muốn dạy tốt, thầy cô đương nhiên phải nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy. Nhưng nghiên cứu kỹ không có nghĩa là phải chép ra bằng lời trên trang giáo án.

Có những thầy cô lên lớp không cầm giáo án nhưng giảng bài rất hay và học sinh rất dễ hiểu vì đã nghiên cứu kỹ bài.

Ngược lại, có những thầy cô cứ nhìn chằm chằm vào cuốn giáo án trên bàn lại gây cảm giác khó chịu cho người dự giờ hay người học.

Khi giảng bài nhìn giáo án, điều chúng ta dễ dàng nhận ra nhất là sự lúng túng, thiếu tự tin trong từng lời giảng của những thầy cô giáo.

Đã không ít lần, chúng tôi nghe được chính học sinh nói chuyện với nhau, chê cô này thầy kia chỉ biết nhìn chằm chằm vào giáo án để nói, để đọc nên giờ học tẻ nhạt và khá chán.

Trong thực tế, những thầy cô giáo giảng bài (đặc biệt là thầy cô bậc trung học) mà không cần đến giáo án sẽ rất hay, dẫn chứng rõ ràng, lời giảng bay bổng thoát khỏi những điều đã nói trong sách.

Ngược lại, thầy cô dạy không thoát khỏi giáo án dễ dẫn đến chuyện chỉ biết nói những điều sách đã nói nên ít gây hứng thú cho học sinh.

Sử dụng giáo án điện tử, tại sao không?

Việc quy định giáo án là hồ sơ bắt buộc của giáo viên cũng là điều hợp lý. Điều cần thay đổi chính là không nên bắt buộc giáo viên in giáo án ra chỉ để ký như nhiều trường học hiện nay đang áp dụng.

Cũng không nên quy định kiểu kiểm tra, đột xuất bất ngờ như “đánh trận” để lấy căn cứ xếp loại giáo viên.

Nhà trường cần có hộp thư điện tử cho từng giáo viên ở từng khối lớp. Sau khi hoàn thành xong giáo án, các thầy cô sẽ chuyển vào hộp thư của mình. Khi cần, nhà trường chỉ cần kích chuột vào sẽ nắm được giáo án đã soạn đến tuần bao nhiêu? Nội dung soạn thế nào?

Điều này vừa theo dõi được việc soạn giáo án của giáo viên và cũng tránh được sự lãng phí không đáng có như hiện nay.

Phan Tuyết