Giáo viên đánh giá đề thi môn Lịch sử bám sát kiến thức sách giáo khoa

27/06/2018 13:41
Thùy Linh
(GDVN) - Theo cô Lê Thu, 8 câu hỏi thuộc phần Lịch sử lớp 11 không quá khó đối với học sinh nếu đã nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.

Đề thi trung học phổ thông quốc gia 2018 môn Lịch sử bao gồm 40 câu hỏi bao phủ kiến thức lớp 11 và 12. 

Ngay sau khi kết thúc môn thi, cô giáo Lê Thu – giáo viên môn Lịch sử nhận định đề thi như sau: 

Phần lịch sử lớp 11:

- Lịch sử thế giới lớp 11: 2 câu bám sát vào nội dung, sự kiện lịch sử tiêu biểu tác động đến tình hình thế giới trong giai đoạn từ thế kỉ XIX đến năm 1945 như: Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945). 

- Lịch sử Việt Nam lớp 11: 6 câu đi sâu vào vấn đề quá trình xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1858 – 1884) song song với đó là quá trình kháng chiến chống lại sự xâm lược thực dân Pháp của nhân dân.

Một trong những nội dung trọng tâm mà đề thi không bỏ qua là đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam và quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. 

Nhìn chung, 8 câu hỏi thuộc phần Lịch sử lớp 11 không quá khó đối với học sinh nếu đã nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, câu hỏi dừng lại ở mức độ vận dụng kiến thức. 

Phần lịch sử lớp 12:

Giống như đề thi quốc gia năm 2017, phần kiến thức lớp 12 trong đề thi quốc gia năm 2018 bám sát những vấn đề tiêu biểu của Lịch sử thế giới hiện đại (1945 – 2000) và Lịch sử Việt Nam (1919 – 2000).

Trong đó: 

- Phần Lịch sử thế giới (1945-2000) chiếm 10 câu, đi sâu vào những sự kiện, nội dung tiêu biểu các tác động mạnh đến tình hình quốc tế:quan hệ quốc tế (Liên Xô và Mĩ, Chiến tranh lạnh), ASEAN. Vấn đề Chiến tranh lạnh chiếm tới 4/10 câu.

Chủ đề phong trào giải phóng dân tộc (châu Á, châu Phi) và Liên Hợp Quốc đều chiếm số lượng nhỏ câu hỏi trong đề thi.

- Phần lịch sử Việt Nam với số lượng câu hỏi là 12 câu, nội dung bao quát từ 1919 đến 2000.

Trong đó trọng tâm nhất vẫn là giai đoạn 1945 – 1975 tương ứng với những phần kiến thức có nhiều vấn đề liên quan đến các chiến dịch tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp: chiến dịch Việt Bắc, Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ …và các chiến lược chiến tranh của Mĩ và cuộc chiến đấu của nhân dân ta.

Một số câu hỏi mang tính phân hóa nhận xét chung về đặc điểm từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn 1945 – 1975 và 1954 – 1975.

Giai đoạn 1975 – 2000 chỉ chiếm 2 câu trong đề thi, đều đề cập về công cuộc đổi mới.

Mức độ vận dụng và vận dụng cao chủ yếu tập trung vào phần kiến thức này, yêu cầu học sinh cần bình tĩnh, huy động mọi kiến thức đã có để tìm ra đáp án chính xác nhất. 

Tổng kết đề thi môn Lịch sử năm trong kỳ thi quốc gia 2018, cô Thu cho rằng, đề được xây dựng theo ma trận đề hợp lí, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng và Vận dụng cao được xây dựng khá khoa học. 

Nội dung cơ bản được trải đều trong các chủ đề lịch sử, đi sâu vào những vấn đề trọng tâm nhất. Nội dung kiến thức phổ rộng và tương đối khó hơn hơn cho học sinh so với đề thi môn Lịch sử năm 2017. 

Thùy Linh