GS Ngô Bảo Châu:

GS Ngô Bảo Châu: 'Giảm tải chứ đừng tầm thường hóa chương trình học'

13/03/2013 07:30
Xuân Trung ghi
(GDVN) - Chiều 12/3, GS Ngô Bảo Châu đã có buổi họp báo về chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ 4 tại Đông Nam Á.
Giáo sư Ngô Bảo Châu là nhà toán học người Việt đầu tiên đoạt giải thưởng Fields năm 2010, đang công tác tại Đại học Chicago, Mỹ. Ông về Hà Nội ngày 12/3 và sẽ có mặt ở TPHCM trong 2 ngày 14-15/3 để thực hiện chuỗi sự kiện “Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á.

Sự kiện này được tổ chức bởi Quỹ Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại thủ đô Vienna, Áo, phối hợp Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam. Trước GS Ngô Bảo Châu, đã có 4 nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam với tư cách đại diện của "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" gồm: giáo sư Roger B.Myerson, đoạt giải Nobel Kinh tế; giáo sư Harald zur Hausen, đoạt giải Nobel Y học; giáo sư Douglas D. Osheroff, đoạt giải Nobel Vật lý; và giáo sư Sir Harold W. Kroto, đoạt giải Nobel Hóa học.

Trong chương trình lần này, GS Ngô Bảo Châu sẽ có bài giảng về chủ đề “Phương pháp học tập” lúc 2h chiều ngày 13/3 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, và ngày 15/3 tại Đại học Mở TPHCM. Ông cũng sẽ có buổi gặp mặt học sinh trường Quốc tế Anh, TPHCM vào sáng ngày 15/3.

Riêng trong buổi họp báo chiều 12/3, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc trò chuyện về nhiều vấn đề với báo chí.


GS Ngô Bảo Châu sẽ nói chuyện với sinh viên về phương pháp học tập hiệu quả.
GS Ngô Bảo Châu sẽ nói chuyện với sinh viên về phương pháp học tập hiệu quả.
Trong buổi họp báo, có ý kiến hỏi rằng GS Ngô Bảo Châu sống ở một môi trường phát triển thì học sinh có bao giờ phải quan tâm tới vấn đề chương trình nặng hay nhẹ; điều này ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của trẻ; tại Việt Nam những năm qua nhiều chương trình học được cho rằng đang trở nên quá tải, đã "giảm tải" nhưng vẫn còn nặng v.v. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS Ngô Bảo Châu đồng thuận rằng cần giảm tải chương trình, nhưng phải có mức độ. Ông cho rằng, rất sai lầm nếu "giảm tải" để chương trình thành quá dễ, quá tầm thường. “Nhiều khi chính cái khó, hóc búa lại làm cho trẻ con thích học hơn, vì lúc đó mới có điều kiện để chứng tỏ mình”, GS Châu nói. Ngay bản thân mình, GS Ngô Bảo Châu cũng nhận thấy dấu hiệu của sự đam mê toán là lúc bắt gặp một bài toàn khó, làm được sẽ là động lực để đam mê và thành công hơn.  Một số ý kiến nói về hiện tượng "chảy máu" chất xám ở lực lượng thanh niên hiện nay. Nhiều người trẻ giỏi đều cho mình con đường hướng ngoại để phát triển hết năng lực và có điều kiện phát triển bản thân, hơn nữa làm việc tại nước ngoài sẽ phần nào làm cho cuộc sống sung túc hơn, đầy đủ hơn. Về khía cạnh này, giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, nói đất nước không đủ ngân sách để đáp ứng và thu hút người tài khiến họ phải ra nước ngoài làm việc cũng không hoàn toàn đúng, điều kiện thu nhập cũng là một yếu tố nhưng nó không phản ánh đúng tâm tư của người trẻ."Người trẻ chưa có trách nhiệm gì với gia đình, chưa vướng vào con cái thì vấn đề kinh tế không phải là vấn đề quá nặng nề với các bạn. Cái họ cần là có được một điều kiện làm việc, làm nghiên cứu khoa học mà các bạn mong muốn. Các bạn thực chất muốn lao động một cách chân chính, các bạn muốn có điều kiện để tập hợp bạn bè, đồng nghiệp để làm một điều gì đó. Tôi biết bạn tôi cũng nhiều người còn khó khăn, rõ ràng thời gian họ tập trung nghiên cứu khoa học rất ít, cuộc sống bắt họ phải như vậy", GS Ngô Bảo Châu nói về lí tưởng sống của giới trẻ làm khoa học bây giờ.

Cũng trong buổi họp báo, có ý kiến đề nghị GS Ngô Bảo Châu bày tỏ quan điểm về chuyện đổi tên hai viện khoa học của Việt Nam thêm chữ "hàn lâm" (thành Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), liệu việc đổi tên có mục đích gì, phải chăng đổi tên sẽ tạo ra bước đột phá trong khoa học hay có những giải pháp để vực dậy một nền khoa học còn nhiều tiềm năng v.v. GS Ngô Bảo Châu cho rằng, bản thân việc đổi tên không phải là quan trọng, mà thực chất đây chỉ là “dịch tên” cho đúng chức năng, nhiệm vụ của các Viện. “Thậm chí điều này có thể phản ánh sự bối rối, bất lực khi không làm được gì nên mới đổi tên Viện”, GS Châu thẳng thắn. 

Giáo sư cũng cho rằng, để có giải pháp phát triển các Viện khoa học thì cần phải có thực tế nghiên cứu. Không thể bê mô hình của những nước khác, vì có thể những giải pháp đúng với nước Mỹ, nước Pháp... nhưng khi áp dụng tại Việt Nam thì thành không đúng. Điều quan trọng, theo GS Ngô Bảo Châu, là cần xác định đúng năng lực và tiềm năng của chúng ta để đặt ra mục tiêu cho các Viện khoa học, việc đối chiếu với các nước là rất quan trọng nhưng để học hỏi kinh nghiệm.

Chiều nay (13/3), vào lúc 14h GS Ngô Bảo Châu sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên Hà Nội về “Phương pháp học tập”, đây là một điều ấp ủ đã lâu mà ông chưa có dịp trò chuyện với sinh viên, với những người làm cha, làm mẹ. Dự kiến buổi nói chuyện này sẽ thu hút sự quan tâm của rất nhiều sinh viên Hà Nội và các bậc phụ huynh.
Xuân Trung ghi