GS Trần Hồng Quân: Mô hình quản lý các trường NCL chưa phù hợp

29/02/2012 20:14
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng nay 29/2, Hội  thảo “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập (NCL)” tổ chức tại ĐH Hòa Bình với sự tham gia của nhiều cơ quan.

Trong buổi Hội thảo do trường ĐH Hòa Bình và Viện nghiên cứu phát triển phương đông tổ chức có sự tham dự của Ban Tuyên giáo Trung ương, GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, GS Trần Hồng Quân - nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, cùng các cơ quan Văn phòng Chính Phủ, Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTB và XH) để lắng nghe và đóng góp ý kiến của các chuyên  gia về những nội dung quan trọng liên quan cho việc đổi  mới và phát triển hệ thống các trường NCL Việt Nam.

Mô hình chưa phù hợp?
Cũng trong sáng nay, chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, GS Trần Hồng Quân cho biết, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các trường ĐH, CĐ NCL đã đóng  góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà. Hiện, đã chiếm 1/5 số trường, chiếm 1/7 số sinh viên cả nước, trong khi đó Nhà nước lại không tốn đồng xu nào cho việc đào tạo. Theo đánh giá, xu thế chung là tích cực.
GS Trần Hồng Quân chia sẻ ý kiến tại Hội thảo sáng ngày 29/2. Ảnh Xuân Trung
GS Trần Hồng Quân chia sẻ ý kiến tại Hội thảo sáng ngày 29/2. Ảnh Xuân Trung
Tuy nhiên, sự đóng góp là như vậy nhưng đến nay các trường NCL chưa được các cơ quan  quản lí “vui vẻ” thừa nhận, xã hội hoan nghênh. Ngay từ đầu, khi đề ra chủ trương xây dựng các trường NCL đã xác định gắn với hai sứ mạng lớn:

- Thứ nhất, huy động nguồn nhân lực ngoài ngân sách nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo, đồng hành với các trường công lập phát triển mạnh mẽ nền ĐH Việt Nam.

- Thứ hai,  bằng cơ chế tự chủ cao, tự lực cánh sinh, xây dựng mô hinh quản lí năng động, hiệu quả hơn so với cơ chế quản lí có phần gò bó, trì trệ ở các trường công lập. Từ đó có thể nhìn lại và đổi mới cách quản lí các trường công lập.
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, đã có nhiều Quy chế, Quyết định về trường Dân lập và Tư thục nhưng mô hình hai loại trường này vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. GS Quân đưa ra một số các mô  hình hiện nay. 
Về mô hình “Sở hữu”, theo GS Trần Hồng Quân, ở Việt Nam  việc phân công lập, dân lập hay tư thục là dựa vào tính chất sở hữu của từng trường, trong khi đó các văn bản pháp quy chưa lưu ý và không thừa nhận sự đan xen sở hữu đó. Hiện, trường công lập thuộc sở hữu của nhà nước, trường Dân lập theo định nghĩa của Luật giáo dục thuộc sở hữu của một cộng đồng dân cư, GS Quân cho biết, trên thực tế ở Việt Nam không có trường ĐH hay CĐ nào thuộc loại này. 
Trường tư thục, cũng theo định nghĩa trên là trường do cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức kinh tế xã hội đầu tư xây dựng và nuôi dưỡng nó hoạt động, nếu làm tường minh, tài sản của một trường tư thục thường thuộc nhiều dạng sở hữu như: Sở hữu tư nhân, sở hữu của cả cộng đồng nhà trường, sở hữu nhà nước (nếu có): Đây là sở hữu tài sản do nhà nước đầu tư qua các chương trình xây dựng phòng thí nghiệm chuyên đề…
“Từ khái niệm đến định lượng  sở hữu nhà nước trong các trường ĐH, CĐ NCL đều bị bỏ lửng, đều mập mờ không rõ ràng và cũng vì vậy mà khi nhà nước cần đầu tư vào các trường sẽ do dự vì sợ lẫn lộn sở hữu” GS Quân chia sẻ. 
Ở mô hình phát triển xét theo lộ trình, thời gian đầu chủ yếu vào những năm 1990 và đầu những năm 2000, mô hình này phát triển các trường có nguồn  vốn ít ỏi, sống “ăn đong” bằng học phí thấp (học phí cao sẽ không ai học). Những trường này theo GS Quân phải tích lũy, chắt chiu  hàng chục năm mới xây được trường sở.

Cho tới những năm 2000 khi xã hội đã có  một số doanh nhân vừa có tiềm lực tài chính, vừa quan tâm tới giáo dục, bắt tay đầu tư xây dựng các trường ĐH tư, lúc đó xuất hiện mô hình phát triển mới, chấp nhận bù lỗ trong thời gian dài.

“Tiếc là nhà nước chưa có một tầm nhìn chiến lược nên chưa có sự quan tâm đầu tư của nhà nước để các trường sớm có cơ sở ban đầu, rút ngắn quá trình tích lũy, sớm có điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng đào tạo” GS Trần Hồng Quân nói.

Phân rõ các trường phi lợi nhuận và lợi nhuận

Với mô hình lợi ích, GS Quân cho biết, đây là mô hình xét đối với người học, với nhà nước (xã hội), với nhà đầu tư, với đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ công nhân viên trong trường.
“Hoạt động giáo dục là nhằm hoàn thiện nhân cách và nâng cao năng lực từng cá nhân, trước hết đem lại lợi ích trực tiếp cho cá nhân, do đó người học  phải trả tiền như là chi phí đầu tư cho tương lai cá nhân”. 
Chia sẻ tại  Hội thảo, GS Quân cho rằng sự tồn tại và phát triển của các trường tư cũng đem nhiều lợi ích cho xã hội, nên nhà nước phải có chính sách đầu tư, hỗ trợ ở mức độ có thể. Mặt khác, nhà nước cũng cần dùng đầu tư để làm đòn bẩy  khuyến khích những điều cần khuyến khích ở các trường này. 
Ở việc hoạt động về mô hình tổ chức, GS Trần Hồng Quân chỉ rõ, mô hình  này cao nhất là Đại hội cổ đông, giữa hai nhiệm kỳ quyền lực tập trung vào Hội đồng quản trị, việc điều hành được giao cho hiệu trưởng. 
“Nên chăng, các trường phi lợi nhuận phải xóa bỏ nguyên tắc biểu quyết theo đối vốn. Đại hội cổ đông được thay bằng Đại hội nhà  trường, gồm toàn bộ cán bộ nhân viên cơ hữu.  Thành  viên HĐQT không nhất thiết phải là người có góp  vốn, ở loại trường này các nhà giáo, nhà khoa học được xác lập ở vị trí chủ đạo, các nhà đầu tư là đồng chủ nhân cùng với các nhà giáo, nhà khoa học” GS Quân kiến nghị.

Về các trường vì lợi nhuận cần có đánh giá một cách nghiêm túc về giá trị thương hiệu của Nhà trường, giá trị thương hiệu cá nhân, công sáng lập của hội đồng sáng lập, bí quyết công nghệ... được gọi chung là các giá trị ảo.

Các giá trị ảo này cần được lượng hóa thành cổ phần và lượng cổ phần này chiếm tỉ lệ không quá thấp trong tổng số cổ phần để đảm bảo việc các nhà sáng lập có tiếng nói đủ lớn khi biểu quyết theo đối vốn.

GS Trần Hồng Quân cho rằng, nếu chưa xác lập được tư duy về vai trò Giáo dục NCL thì việc bàn cụ thể cũng không có ích gì. GS Quân lưu ý kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia đã rất thành công về mô hình này.
Xuân Trung