Hải Phòng tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp

20/09/2021 06:30
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
Hải Phòng yêu cầu ngành giáo dục tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh đang được kiểm soát và sẵn sàng phương án học trực tuyến.

Năm học mới 2021 – 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu ngành giáo dục chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch covid-19 tại địa phương, đồng thời bám sát với chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, các đơn vị giáo dục tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát trên cơ sở đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.

Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường chủ động chuẩn bị phương án tổ chức dạy học trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Ngành giáo dục Hải Phòng tận dụng thời gian dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát (Ảnh: Phương Linh)

Ngành giáo dục Hải Phòng tận dụng thời gian dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát (Ảnh: Phương Linh)

Riêng đối với giáo dục mầm non, không tổ chức dạy học trực tuyến mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu ngành giáo dục rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, phù hợp với các cấp học và không tăng học phí so với năm học 2020-2021.

Hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.

Ngành giáo dục thành phố cũng phải xây dựng kế hoạch và có các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học Lớp 1.

Với tình trạng thiếu thiếu giáo viên mầm non, cần từng bước khắc phục, tăng cường quản lý và hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục.

Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp Tiểu học. Đổi mới nội dung gắn với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục đặc biệt là các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, thành phố yêu cầu ngành giáo dục cần có các giải pháp phù hợp để hỗ trợ giáo viên, người lao động trong ngành.

Hỗ trợ cho giáo viên, lao động ngành giáo dục cùng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Phương Linh)

Hỗ trợ cho giáo viên, lao động ngành giáo dục cùng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Phương Linh)

Huy động nguồn lực hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc đối tượng lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc,...không để học sinh, sinh viên nào vì điều kiện kinh tế mà không thể đến trường.

Ngoài ra, ngành giáo dục cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học.

Tăng cường kiểm tra, đánh giá, thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục sau đánh giá tại cơ sở giáo dục của các cơ quan quản lý giáo dục, đồng thời ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo, kịp thời phát hiện và giải quyết những vụ việc phức tạp.

PHẠM LINH