Hàng ngàn giáo viên Quảng Ngãi sẽ khổ sở bởi 4 bài thi thăng hạng

07/09/2018 06:00
HỮU SƠN
(GDVN) - Dù nhiều tỉnh thành đã áp dụng Thông tư 29 để tổ chức xét tuyển thăng hạng giáo viên nhưng tỉnh Quảng Ngãi lại vẫn áp dụng quy định 4 bài thi.

LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Hữu Sơn chia sẻ những bất cập trong việc áp dụng quy định tổ chức thi nâng hạng giáo viên tại tỉnh Quảng Ngãi.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT về quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, giáo viên không phải dự thi thăng hạng (4 bài) như Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT mà chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng, song lại kèm nội dung phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật.

Trong khi, đã có nhiều tỉnh, thành áp dụng Thông tư 29 để tổ chức xét tuyển các giáo viên tham gia thăng hạng thì Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi lại áp dụng các quy định của Bộ Nội vụ và Thông tư số 20 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trước đó để tổ chức thi nâng hạng cho gần 3.000 giáo viên (đủ điều kiện) với 4 bài thi: kiến thức chung, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học bằng hình thức thi trắc nghiệm.

Dự kiến sẽ tổ chức thi vào trong tháng 10 tới đây. Đây thực sự là một áp lực, thử thách không hề nhỏ đối với nhiều thầy cô dự thi ở địa phương này.

Quy định tổ chức nâng hạng giáo viên tại Quảng Ngãi gây áp lực cho giáo viên. Ảnh minh họa: Baoquangngai.vn
Quy định tổ chức nâng hạng giáo viên tại Quảng Ngãi gây áp lực cho giáo viên. Ảnh minh họa: Baoquangngai.vn

Trong thời gian qua, hàng ngàn giáo viên Quảng Ngãi phải bỏ ra không ít công sức và tiền bạc (với mức phí từ 600.000 đồng đến 3.000.000 đồng/người, ứng với từng lớp học, ôn tập và thi) để hoàn thiện các loại chứng chỉ theo yêu cầu như: ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp do các trường ở địa phương và ngoại tỉnh tự tổ chức và liên kết với nhau tổ chức.

Đã vậy, họ còn khổ sở, vật vã với hàng tá loại biểu mẫu, hồ sơ khi gửi lên cấp trên để xét điều kiện được dự thi hay không: Sơ yếu lý lịch, đơn xin nâng hạng, giấy khám sức khỏe, xác nhận 3 năm hoàn thành tốt/ xuất sắc nhiệm vụ, các văn bằng, chứng chỉ, các minh chứng về thành tích của cá nhân…

Thầy hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở ở huyện Sơn Tịnh cho rằng, Thông tư 20 và 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thoạt nghe sẽ đem đến niềm vui, sự phấn khởi cho các nhà giáo vì khung lương và hệ số sẽ được mở rộng và tính cao hơn song hầu hết giáo viên Trung học cơ sở các trường đều bày tỏ băn khoăn bởi những tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe.

Hàng ngàn giáo viên Quảng Ngãi sẽ khổ sở bởi 4 bài thi thăng hạng ảnh 2Nâng hạng nhà giáo, đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Mặt khác, quy định về việc chỉ được tham dự thi thăng hạng từ thấp lên hạng cao hơn liền kề cùng chức danh nghề nghiệp đang giữ quá thiệt thòi cho giáo viên.

Nghĩa là dù giáo viên đang hưởng lương trung cấp, đã tốt nghiệp đại học vẫn không được tham dự thi thăng hạng lên đại học mà chỉ được thi thăng hạng lên cao đẳng.

Ngoại ngữ và tin học thật sự đang làm khó những giáo viên lớn tuổi. 

Các trường hợp, thầy, cô giáo đi học đã lâu, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã hết hiệu lực, lại phải đi học lại từ đầu. 

Trong bài: “Thi thăng hạng giáo viên: Còn lắm băn khoăn” đăng trên Báo điện tử Quảng Ngãi, ngày 12/4/2018, tác giả C.P từng phản ánh trường hợp cô giáo Ngô Thị Kim Thúy, dạy bộ môn Địa lý của Trường Trung học cơ sở Nghĩa Trung, là giáo viên dạy bộ môn xã hội, với đồng lương ít ỏi, cô đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng để theo học, đã tốt nghiệp đại học từ năm 2013. 

Để đủ điều kiện thi thăng hạng, cô lại phải bỏ ra 2,5 triệu đồng theo học và được cấp Chứng chỉ lớp bồi dưỡng theo tiêu chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy, chưa kể theo học chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Nhưng đổi lại, giáo viên không được truy lĩnh trong thời gian chờ đợi. 

Hiện tại, cô Thúy đang hưởng lương bậc 6 của hệ Cao đẳng, nếu được thăng hạng, mức lương được hưởng sẽ là bậc 5 của hệ Đại học.

Tính ra, mỗi tháng lương của cô Thúy tăng lên chưa đầy 30.000 đồng/tháng.

Bỏ ra hai mươi mấy triệu đồng để lấy cái bằng đại học, chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học và thi đỗ mới được thăng hạng, nhưng lương tăng thêm có bấy nhiêu thì quá buồn.

Giáo viên mong được thăng hạng vì danh dự, muốn công sức mình đã bỏ ra được công nhận chứ tính kinh tế thì biết bao giờ mới bù lại được?” - cô Thúy phân trần.

Hàng ngàn giáo viên Quảng Ngãi sẽ khổ sở bởi 4 bài thi thăng hạng ảnh 3Ai đang gây áp lực lên giáo viên?

Nhiều nhà giáo không đồng tình với cách làm của các địa phương, mỗi nơi vận dụng một loại văn bản, quy định khác nhau.

Cũng là giáo viên cả, tại sao tỉnh kia thì chọn hình thức xét, cộng với 2 bài kiểm tra đơn giản, nhẹ nhàng (theo Thông tư 29), nhưng tại sao tỉnh Quảng Ngãi phải thi đến 4 môn (Thông tư 20) rất cực nhọc.

Chưa kể, trong quá trình thi, nếu tổ chức không tốt dễ nảy sinh tiêu cực, thiếu công bằng.

Thi tuyển dụng giáo viên vừa rồi ở Quảng Ngãi từng để xảy ra nhiều vụ lùm xùm, tai tiếng, khiếu kiện… là một minh chứng đáng buồn.

Các giáo viên còn băn khoăn đến năm 2021 Chính phủ sẽ thực hiện việc cải cách tiền lương mới đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có ngành giáo dục thì liệu kết quả nâng hạng nhà giáo từ nay đến đó có giá trị và hiệu lực nữa hay không?  

Tất cả thầy cô giáo ở nhà trường phổ thông và nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương (Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi Thông tư số 29 mới ban hành theo hướng loại bỏ hẳn bài thi phỏng vấn hoặc bài thi tìm hiểu về pháp luật.

Bởi vì một trong hai bài thi này cũng chỉ là hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”, không phản ánh được năng lực, chuyên môn của giáo viên.

Hơn nữa, tổ chức thi cử, nếu làm không tốt, dễ nảy sinh những biểu hiện trục lợi, tiêu cực, phức tạp, gây bức xúc trong đội ngũ nhà giáo và dư luận xã hội.

Các địa phương cần phải thống nhất, đồng bộ nhau về cách tổ chức, không để mỗi nơi mỗi kiểu như hiện nay.

Tốt nhất là thành lập các hội đồng tổ chức xét từ dưới cơ sở giáo dục đến Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc ngược lại.

Theo đó, căn cứ vào nhu cầu bố trí việc làm của từng đơn vị, năng lực, mức độ cống hiến, thành tích của các giáo viên đăng ký nâng hạng mà Phòng, Sở Giáo dục giao chỉ tiêu, số lượng, tiêu chuẩn về cho các nhà trường xem xét, lựa chọn, một cách công khai, dân chủ, nếu thấy cần thiết có thể lấy phiến kín của cả hội đồng sư phạm nhà trường.

Tuyệt đối không để Phòng nội vụ, Sở nội vụ tổ chức xét hoặc thi thăng hạng giáo viên, vì quy định, hiểu biết của họ về ngành giáo dục còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Phòng nội vụ, Sở nội vụ chỉ có chức năng phân bổ chỉ tiêu phân hạng giáo viên mà thôi.

HỮU SƠN