Hàng nghìn giảng viên đại học ở Sài Gòn lên đường đi coi thi quốc gia

23/06/2019 13:56
Việt Dũng
(GDVN) - Sáng ngày 23/6, hàng nghìn giảng viên, cán bộ của các trường đại học tại Sài Gòn đã lên đường về các tỉnh, thực hiện nhiệm vụ coi thi quốc gia năm 2019.

Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27/6/2019, tại toàn bộ các địa phương trong cả nước.

Đây cũng là năm mà các trường đại học được giao trọng trách nhiều hơn những mùa thi trước, phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương tổ chức kỳ thi, tham gia cả chấm các bài thi trắc nghiệm.

Chính vì thế, thời gian vừa qua, các trường đại học đã tập trung chuẩn bị tốt mọi công tác hậu cần, nhằm đảm bảo phục vụ cho kỳ thi này diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, đúng 8h sáng ngày 23/6, gần 10 xe ô tô được nhà trường thuê đã sẵn sàng, chở gần 300 giảng viên, nhân viên của nhà trường đi coi thi, giám sát tại 14 điểm thi ở các huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng lên đường coi thi ở Đồng Tháp (ảnh: HIU)
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng lên đường coi thi ở Đồng Tháp (ảnh: HIU)

Theo đại diện lãnh đạo nhà trường, năm nay, nhà trường đã chuẩn bị công tác phục vụ cho cán bộ, giảng viên, nhân viên trường đi coi thi từ rất sớm, từ chỗ ăn, ở, đi lại đều rất thuận tiện.

Những chế độ này đều thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và trường còn có hỗ trợ thêm kinh phí trong 5 ngày đi coi thi cho những người đi làm nhiệm vụ.

Năm đầu tiên thực hiện công tác coi thi ở tỉnh Bình Thuận, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm nay, trường cử gần 400 cán bộ, giảng viên, nhân viên đi làm nhiệm vụ ở kỳ thi quốc gia.

Lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo tỉnh và Sở Giáo dục, Đào tạo đã có rất nhiều cuộc làm việc, đưa ra các kế hoạch nhằm ứng phó với điều kiện thời tiết xấu, hỗ trợ thí sinh ở đảo Phú Quý vào đất liền dự thi, cũng như các kịch bản có thể xảy ra trong quá trình thi.

Trường đã tổ chức rất nhiều cuộc tập huấn, xiết chặt lại quy chế, nhắc lại những vấn đề quan trọng trong công tác coi thi, để mỗi bộ phận, từ thanh tra, giám sát, cán bộ coi thi đều hiểu rõ nhiệm vụ của mình.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố lên đường coi thi ở Bình Thuận (ảnh: HUFI)
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố lên đường coi thi ở Bình Thuận (ảnh: HUFI)

Sau mỗi buổi thi, nhà trường đều tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm, nhằm kịp thời xử lý tốt hơn các tình huống có thể phát sinh.

Tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Hà – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: 380 cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường sẽ làm nhiệm vụ tại 17 điểm thi của tỉnh Lâm Đồng.

Các Phó điểm, thanh tra mà nhà trường có tham gia đều đã được tập huấn kỹ càng về quy chế thi tại Lâm Đồng. Trường cũng ban hành quy định coi thi, yêu cầu tất cả mọi người có tham gia trong kỳ thi này phải tuyệt đối chấp hành nghiêm túc.

Hàng nghìn giảng viên đại học ở Sài Gòn đã lên đường về các tỉnh làm nhiệm vụ coi thi (ảnh: HUFI)
Hàng nghìn giảng viên đại học ở Sài Gòn đã lên đường về các tỉnh làm nhiệm vụ coi thi (ảnh: HUFI)

Phó Giáo sư Trần Hoàng Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh sáng hôm nay cũng đã có mặt, động viên tinh thần 251 cán bộ, giảng viên của trường làm nhiệm vụ coi thi quốc gia tại 12 điểm của tỉnh Sóc Trăng.

Việc ăn, ở tại nơi coi thi cũng được nhà trường ký hợp đồng ở những nơi tốt nhất tại địa phương từ rất sớm, nhằm mang đến cho công chức, viên chức của trường sự yên tâm, thoải mái trong suốt thời gian làm nhiệm vụ.

Việt Dũng