Hiệu phó Ngoại thương giải thích chuyện “dè bỉu” sinh viên Bách khoa

07/06/2012 06:01
Xuân Trung
(GDVN) - Liên quan tới clip “dè bỉu” sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội rằng không hiểu gì về luật được cho là lời của Hiệu phó ĐH Ngoại thương, trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam PGS.TS Bùi Ngọc Sơn – Hiệu phó nhà trường - người nói trong clip trên cho rằng, ông chỉ có ý nói những khó khăn mà sinh viên các trường kĩ thuật gặp phải hiện nay.
Clip trên theo lời PGS,TS Bùi Ngọc Sơn được quay trong một giờ học của lớp cao học tại trường Ngoại thương, lớp này bao gồm nhiều sinh viên từ các trường khác tới học,  trong đó có cả sinh viên các trường khối kĩ thuật như ĐH Bách khoa. 
Trước những phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng và sinh viên hai trường Ngoại thương và Bách khoa, ông Sơn cho rằng những điều ông nói trong clip trên chỉ là có ý chia sẻ nỗi khó khăn của các sinh viên trường kĩ thuật khi có một thực trạng không được học môn luật đại cương. Như vậy để học tiếp các môn luật chuyên ngành sẽ rất vả.

“Vấn đề đó là thực tế trong quá trình đào tạo. Thí dụ trong chương trình có dạy mà tôi nói không thì đó là vu khống, nói sai sự thật. Đây là tôi nói đúng, không phải nhằm chê trích ai mà tôi chỉ nói cái khó khăn của người học nếu những sinh viên  không được học luật đại cương thì phần luật chuyên ngành sẽ vô cùng vất vả”, ông Sơn cho biết.

PGS.TS Bùi Ngọc Sơn - Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương.
PGS.TS Bùi Ngọc Sơn - Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Sơn cho hay việc tung clip lên mạng đấy chỉ là ý kiến của một người, cũng không có gì đáng quan tâm. “Về mặt luật pháp, trên các trang mạng trước đó có nêu một số tiêu đề là “dìm hàng” nhau, tiếng Việt không có từ này, đấy là ngôn ngữ của đầu đường xó chợ, về pháp lí chỉ có từ “dèm pha” đối tác. Đối tác ở đây phải là những người cùng cạnh tranh với nhau. VD: Ngoại thương là trường  kinh tế thì Ngoại thương chỉ cạnh  tranh với các trường kinh tế, không cạnh tranh với Bách khoa được. Hai anh khác nhau thì việc gì phải cạnh tranh với nhau, việc gì phải “dèm pha” nhau?”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cũng cho biết, về chương trình luật đại cương, không chỉ  riêng có trường Bách khoa mà còn nhiều trường khác như ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mở địa chất…. Chuyện lấy ví dụ trong bài giảng như nội dung đoạn clip trên theo ông Sơn là chuyện bình thường. 

“Chương trình luật đại cương  với các trường kinh tế bắt buộc phải có. Môn đó là để tạo nền móng, là cơ sở cho sinh viên học phần luật chuyên ngành (Luật kinh doanh). Thí dụ anh học luật thương  mại, luật bảo hiểm thì đều dựa trên phần luật đại cương. Cho nên không được học luật đại cương sẽ rất khó học luật chuyên ngành, giáo viên nào giảng cũng nói vấn đề ấy chứ không phải là một mình tôi nói. Nhiệm vụ của người dạy phải chỉ cho người học cái khó khăn của họ để cho người học cố gắng học. Chuyện đó là đương nhiên và nghĩa vụ người dạy phải nói chứ không phải là thích hay không thích được”, ông Sơn khẳng định.
Nói về sự cần thiết của môn luật đại cương, đặc biệt là khối kinh tế, ông Sơn dẫn chứng ngay tại trường mình, hiện có 4 ngành cao học, trong đó có khoảng 70% là ngành Quản trị kinh doanh, trong 70% này có hơn 20% số sinh viên các trường kĩ thuật về đây theo học.

Trong chương trình bắt buộc phải học hai môn luật, trong hai môn luật này muốn học được phải bắt buộc có phần pháp luật đại cương. “Vì pháp luật đại cương là nền cho các môn học chuyên ngành. Cũng giống như xây căn nhà phải có móng, không móng sẽ dễ đổ. Đấy là những vấn đề thực tế, hiện tại tôi đang chấm bài thi của các em trong cơ sở II, những ai không được học luật đại cương thì bài làm đều không đạt yêu cầu hoặc điểm rất thấp. Đã không được học nhưng sinh viên lại lười đọc tài liệu, vấn đề này chúng tôi đã yêu cầu sinh viên nếu chưa được học luật đại cương thì nên đọc trước”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn dẫn chứng tiếp rằng, tại ngành Quản trị kinh doanh của trường phải học tới ba môn luật, đây chỉ là trong chương trình đại học, muốn học cao học phải học thêm hai môn luật nữa. Như vậy, từ cử nhân lên thạc sĩ phải học 5 môn luật.

Nhận định về hành vi quay clip rồi tung clip lên mạng của một học viên cao học, ông Sơn cho rằng: “Đấy là chuyện muốn bóp méo ý của giáo viên, mục đích để chê bai, không đúng sự thật, giống như nói 'Đau bụng uống nhân sâm thì tắc tử' mà người chỉ nói 'Đau bụng uống nhân sâm…', đó là người xấu”, ông Sơn nói. 
Xuân Trung