Học sinh nói tục phần nhiều do cách giáo dục từ gia đình

04/04/2017 06:22
Phan Tuyết
(GDVN) - Khách quan thì trẻ bị tác động bởi cách ứng xử của nhiều người lớn ngoài xã hội, của cách giáo dục con ở một số gia đình hơn là những gì trẻ học tại trường.

LTS: Gần đây, câu chuyện về việc học sinh nói tục lại nóng lên trong các trao đổi trên báo chí.

Là một giáo viên nhiều năm trong nghề, cô giáo Phan Tuyết cho rằng cha mẹ nên làm gương và chú trọng đến vấn đề cách ăn nói, ứng xử trước mặt con cái để hạn chế trình trạng học sinh nói tục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Nhận định tại một cuộc hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh “Học sinh giờ nói mười câu thì bảy câu nói tục” đã gây sự chú ý lớn nhưng lại không quá bất ngờ với mọi người. 

Không ít người đặt câu hỏi: “Nhà trường dạy dỗ làm sao mà các em lại phát ngôn thiếu chuẩn mực như thế?”. 

Nếu khách quan nhìn nhận, trẻ bị tác động bởi cách ứng xử của nhiều người lớn ngoài xã hội, của cách giáo dục con ở một số gia đình hơn là những gì trẻ học tại trường.

Cha mẹ nói tục thành câu cửa miệng

Nghe nhiều về người Hà Nội nói tục nhưng tôi mới được mục sở thị sau chuyến đi Hà Nội vừa qua.

Đứng quan sát một chị bán bánh trôi ngoài vỉa hè và dăm ba người khách ghé quán ăn. Nghe họ chào nhau, hỏi nhau, mà cứ một câu có đến vài ba từ tục tĩu.

Học sinh nói bậy, chửi tục là do ảnh hưởng từ người lớn. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Học sinh nói bậy, chửi tục là do ảnh hưởng từ người lớn. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Họ vô tư nói, xem ra đó cũng chỉ là những ngôn từ bình thường trong giao tiếp hàng ngày. Ai dám chắc rằng con cái của những gia đình này không nói tục bao giờ?

Những đứa trẻ sống trong môi trường ấy ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, trẻ sẽ dễ dàng hấp thụ được cách ăn nói, cách ứng xử của cha mẹ mình.

Trẻ nhỏ lại có khả năng bắt chước rất nhanh. Thế rồi, trẻ nói theo cha mẹ quen dần. Và khi đã trở thành thói quen chẳng dễ dàng gì để sửa đổi.

Cũng như trường học nơi tôi giảng dạy. Trẻ vùng biển cũng nói tục rất nhiều dù thầy cô luôn giáo dục, nhắc nhở đôi khi là răn đe nhưng chứng nào vẫn tật ấy. 

Vài ba lần vãng gia, tôi trực tiếp chứng kiến cha mẹ, hàng xóm của các em nói chuyện mà từ chửi thề luôn là câu cửa miệng phát ra đầu tiên. 

Học sinh nói tục phần nhiều do cách giáo dục từ gia đình ảnh 2

Trẻ nói tục, chửi bậy: Sáu nguyên nhân khiến con hư tại... bố

Đã có không ít lần, khi nghe thầy cô giảng dạy “Nói tục, chửi thề là rất xấu, học sinh tuyệt đối không được nói”. 

Đã có em thắc mắc “Ở nhà ba con thường xuyên văng tục. Sao người lớn lại nói tục được hả cô? Người lớn nói vậy là không xấu ạ?”.

Nhà trường đã dạy học sinh thế nào?

Nếu ở tiểu học, trẻ được học môn Đạo đức, bậc trung học cơ sở là môn Giáo dục công dân. Đó là những bài học về phép ứng xử lịch sự, về cách đối nhân xử thế, về văn hóa học đường… 

Những môn học còn lại, trong từng bài học luôn có phần giáo dục kĩ năng sống. Trong các tiết hoạt động ngoài giờ luôn có những câu chuyện, những tiểu phẩm ngắn mang tính giáo dục cao. 

Các em được học, được thực hành bằng cách nhập vai để biết rút ra những bài học về văn hóa. Ngoài ra, thầy cô giáo vẫn luôn dạy học sinh mọi lúc mọi nơi từ cách ứng xử sao cho tế nhị, cách nói năng sao cho tròn câu rõ chữ…

Và chấn chỉnh kịp thời những suy nghĩ lệch lạc, những biểu hiện thiếu văn minh…Tuy thế, sau cánh cổng trường một số học sinh lại vô tư nói tục chửi thề.

Học sinh nói tục phần nhiều do cách giáo dục từ gia đình ảnh 3

PGS Văn Như Cương bàn về thói nói tục, chửi bậy của học trò

Chưa nói đến việc cha mẹ các em xem chuyện nói tục là bình thường thì cũng chẳng mất công sức để nhắc nhở, uốn nắn các em biết ăn nói lịch sự hơn.

Đã có không ít ý kiến mong muốn nhà trường tăng cường dạy dỗ, nhắc nhở, và uốn nắn các em để xóa bỏ tệ nạn nói tục. 

Nhưng dù nhà trường có nỗ lực đến đâu mà chính phụ huynh vẫn giữ cách nói năng bạt mạng như thế, thì việc giáo dục của nhà trường cũng chẳng tác dụng gì nếu không muốn nói là vô ích.

Phan Tuyết