Học sinh trượt tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng thành tích nhà trường và chiêu cấy điểm

03/06/2021 06:54
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh trượt tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường nên mới có chuyện tréo ngoe, em học càng yếu thì được “cấy” điểm càng cao.

Khi người thầy biến thành thợ “cấy”… điểm chuyên nghiệp

Trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm một số trường trung học phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh, người viết được biết, việc giáo viên bộ môn “cấy” điểm cho học sinh yếu lớp 12 cao ngất ngưởng thì năm nào cũng thế.

Gọi là “cấy” điểm bởi giáo viên thường cho điểm học sinh một cách vô tội vạ, nói thẳng là cho điểm “khống”. Chuyện “cấy” điểm xưa nay không hề lạ với giáo viên công lập. Ví như, để nâng xếp loại học lực từ yếu lên trung bình; từ trung bình lên khá; từ khá lên giỏi, giáo viên thường làm thao tác “cấy” điểm.

Giáo viên cấy điểm do nể nang, “ơn nghĩa” từ học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp hoặc lãnh đạo. Việc “cấy” điểm như thế này cùng lắm cũng chỉ đôi ba trường hợp/lớp; số điểm được nâng có chừng mực, thường cho lên vài ba điểm, vì dễ bị học sinh, đồng nghiệp phát hiện.

Thế nhưng, ở trường tư thục, giáo viên “cấy” điểm còn “vi diệu” hơn, đó là học sinh làm bài có khi chỉ được 1, 2 điểm, nhưng được ghi vào Sổ Gọi tên và ghi điểm 8, 9 điểm. Thậm chí có học sinh không thèm làm bài nhưng điểm tổng kết vẫn đầy đủ, không thiếu một cột nào.

Người viết đã tận mắt chứng kiến, nhiều giáo viên cho điểm, từ điểm miệng, 15 phút, kiểm tra định kì (giữa kì), kể cả điểm kiểm tra học kì rất “ngay hàng thẳng lối” kiểu “cá mè một lứa” dao động từ 7 đến 10.

Các giáo viên còn chia sẻ, học sinh có lực học yếu thường được “cấy” điểm lên tối đa, sao cho điểm trung bình cả năm trên 8,0 thì mới ở ngưỡng an toàn - đỗ tốt nghiệp.

Ví dụ, điểm học bạ lớp 12 của học sinh A được 8,0 thì chỉ cần điểm trung bình thi 3,71 điểm/môn là đỗ tốt nghiệp (nếu không có môn nào bị điểm liệt – dưới 1 điểm).

Điều oái oăm, học sinh học càng yếu thì điểm tổng kết càng cao, có khi còn cao hơn cả những em có học lực giỏi. Vấn đề đặt ra là, lớp nào có nhiều học sinh yếu, không lẽ các em đều được tặng danh hiệu Học sinh giỏi cuối kì, cuối năm thì “chẳng ra thể thống” gì cả.

Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Cái khó ló cái khôn, thế là giáo viên chủ nhiệm lách luật (dựa vào Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT) bằng cách, để điểm trung bình của 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ dưới 8,0 thì học sinh chỉ được xếp loại Khá.

Trường hợp học sinh quá yếu kém, giáo viên chủ nhiệm buộc lòng phải hạ một môn bất kì dưới 5,0 thì điểm trung bình cả năm cũng không bị ảnh hưởng bao nhiêu. Như thế, học sinh không được khen thưởng về danh hiệu, giáo viên cũng “dễ ăn dễ nói” hơn với lớp, với đồng nghiệp.

Nếu giáo viên không “cấy” điểm, chỉ cần một học sinh trượt tốt nghiệp thì nhà trường mất uy tín về chất lượng đào tạo, phụ huynh sẽ không gửi con vào học, kéo theo giáo viên có nguy cơ mất việc bất cứ lúc nào.

Dễ nhận thấy, sau khi Bộ Giáo dục công bố điểm thi tốt nghiệp thì hầu hết các trường trung học phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh đều treo băng rôn đỏ rực trước cổng với dòng chữ “chúc mừng trường có 100% học sinh đậu tốt nghiệp năm học…”.

Muốn “học thật, thi thật, nhân tài thật” hãy bỏ cộng điểm học bạ, điểm nghề

Để được xét tốt nghiệp, học sinh phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và có điểm số đạt yêu cầu theo quy định.

Cụ thể, Điều 41 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT, điểm xét tốt nghiệp sẽ bao gồm điểm của các bài thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12; điểm của từng bài thi được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp.

Theo đó, điểm xét tốt nghiệp đối với học sinh giáo dục trung học phổ thông được tính theo công thức:

Điểm xét tốt nghiệp đối với học viên giáo dục thường xuyên được tính theo công thức:

Dựa theo công thức trên, điểm xét tuyển sẽ được tính bằng phần mềm máy tính tự động và lấy đến hai chữ số thập phân. Trong đó, căn cứ Điều 40 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thí sinh được cộng điểm khuyến khích khi: có giải thi chọn học sinh giỏi văn hóa; có giải thi thực hành, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật; có giấy chứng nhận nghề.

Học sinh có Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học trung học phổ thông được cộng điểm khuyến khích như sau:

Loại Giỏi đối với Giấy chứng nhận nghề, loại Xuất sắc và giỏi đối với Bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 2,0 điểm; Loại Khá đối với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và Trung bình khá đối với Bằng tốt nghiệp trung cấp được cộng 1,5 điểm; Loại trung bình được cộng 1,0 điểm.

Học viên giáo dục thường xuyên có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian học cấp trung học phổ thông được cộng 1,0 điểm đối với mỗi loại chứng chỉ.

Tại Điều 42 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông quy định, thí sinh được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông khi: đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi; tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10; có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 (năm) điểm trở lên.

Như thế để thấy rằng, nếu không được cộng điểm học bạ (điểm trung bình năm lớp 12), điểm nghề thì bao nhiêu % học sinh sẽ bị trượt tốt nghiệp? Hay nói cách khác, chính điểm học bạ và điểm nghề là phao cứu sinh đã giúp nhiều học sinh yếu có cơ may đỗ tốt nghiệp.

Cá nhân người viết cho rằng, nếu Bộ Giáo dục bỏ 30% điểm trung bình học bạ lớp 12, bỏ điểm khuyến khích của chứng chỉ nghề thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ giảm xuống rất nhiều chứ không phải ở mốc cán mức 100% như những năm vừa qua.

Nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, tính trung thực trong tổ chức kỳ thi ở địa phương, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã so sánh điểm trung bình 9 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 với điểm trung bình học bạ lớp 12 của 9 môn học tương ứng được công bố vào ngày 27/8/2020.

Theo đó, kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm trung bình lớp 12, mức chênh lệch cao nhất 1,7 điểm. Bộ Giáo dục đánh giá điểm trung bình học bạ và điểm thi có độ vênh, nhưng cơ bản là tương thích và tuyến tính với nhau.

Nhưng, nếu đem đối sánh điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm trung bình lớp 12 của từng trường trung học phổ thông cụ thể, nhất là các trường tư thục (như đã đề cập) thì sẽ thấy điểm trung bình học bạ và điểm thi tốt nghiệp sẽ vênh nhau một trời một vực.

Hãy chấp nhận học sinh học yếu (nhưng thiếu cố gắng, nỗ lực, còn vi phạm kỉ luật) trượt tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho các em theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Học sinh được sử dụng giấy này để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Thiết nghĩ, để “học thật, thi thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại trụ sở Chính phủ ngày 6/5/2021 thì Bộ Giáo dục nên xem xét bỏ 30% điểm trung bình học bạ lớp 12, bỏ điểm khuyến khích chứng chỉ nghề trong việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông là hợp lí.

Tài liệu tham khảo:

[1] //luatvietnam.vn/tin-phap-luat/huong-dan-cach-tinh-diem-xet-tot-nghiep-thpt-2021-230-29956-article.html

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-26-2020-TT-BGDDT-sua-doi-Quy-che-danh-gia-xep-loai-hoc-sinh-trung-hoc-co-so-443851.aspx

[3] //vnexpress.net/ket-qua-doi-sanh-diem-thi-tot-nghiep-va-hoc-ba-4153389.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương