'Học thật, thi thật, nhân tài thật' phải tiên phong thay đổi từ lãnh đạo

29/05/2021 06:32
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bản thân người dạy không thật khiến người học không thật, lãnh đạo không thật khiến cấp dưới không thật.

Trong buổi làm việc mới đây ngày 6/5 với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những yêu cầu đối với ngành về cấc vấn đề tồn đọng, mang tính cấp bách, cần thiết cho nền giáo dục nước nhà hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giáo dục phải thực hiện mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Đây được xem là giá trị cốt lõi, hình thành xuyên suốt trong cả nền giáo dục Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) (Ảnh quochoi.vn)

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) (Ảnh quochoi.vn)

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về yêu cầu của Thủ tướng đối với thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết:

“Giáo dục có vị trí then chốt, cốt lõi của mọi vấn đề trong xã hội, bởi sản phẩm của giáo dục là con người.

Trong bối cảnh chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng với khát vọng Việt Nam thịnh vượng trong vòng 20 năm tới, thì giáo dục lại càng chứng minh được vai trò “Quốc sách hàng đầu” của mình bởi chính con người, tri thức, nhân cách của con người tạo ra tương lai đất nước”.

Đánh giá sự phát triển của một đất nước thường được nhìn nhận bằng cách họ quan tâm, đầu tư cho nền giáo dục như thế nào. Đối với các nước phát triển thường đi kèm nền giáo dục phát triển. Ngược lại, những đất nước có nền kinh tế trì trệ, chậm phát triển trên thế giới thường giáo dục không được quan tâm hoặc phát triển giáo dục không đồng bộ.

Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ như đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phổ cập giáo dục tất cả các vùng miền trên toàn quốc, tự chủ đại học… được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục những năm qua cũng đáng kể nếu không nói là nhiều.

Những “hạt sạn” lớn trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới; những trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp; bạo lực học đường gia tăng; bệnh thành tích trong giáo dục với những vụ kiện không được giải quyết ổn thỏa.

Lạm thu xảy ra ở nhiều nơi mặc dù đã có xử lý nhưng gây không ít bức xúc trong dư luận, phụ huynh học sinh.

Hay những vụ việc liên quan đến bằng giả, chứng chỉ giả, kiến thức giả điển hình như vụ việc cấp bằng giả tại trường Đại học Đông Đô làm chúng ta không khỏi lo lắng.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: “Hơn ai hết, Thủ tướng nhận thấy được thực tế nền giáo dục và đào tạo đang có những tồn tại ngay trong nhận thức và cách thực hiện của các nhà quản lý, của các thầy cô giáo, của các em học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Mục tiêu "học thật, thi thật, nhân tài thật" rất chính xác, có cơ sở khoa học thực tiễn đối với nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Để mục tiêu này được thành công là yêu cầu, thách thức rất cao đối với lãnh đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo. Phải thực sự đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám bỏ đi những chương trình lạc hậu, gánh nặng cho người học và cả xã hội”, Đại biểu Khánh nhấn mạnh.

Trên thực tế, nền giáo dục Việt Nam đang bị chi phối quá nhiều bởi quan niệm trọng bằng cấp. Ở không ít nơi, tuyển chọn nhân sự, cán bộ vẫn dựa vào hồ sơ “đẹp”, ma theo đó, hồ sơ "đẹp" được định nghĩa rằng có nhiều bằng cấp, chứng chỉ thậm chí, đến bản thân chủ sở hữu bằng cấp, chứng chỉ đó không biết học để làm gì nhưng phải có nó bằng mọi cách.

Các cuộc thi trong nhà trường vô hình trung cũng trở thành vòng xoáy của căn bệnh ngụy thành tích. Một địa phương, một trường học, một lớp học, một giáo viên đạt danh hiệu giỏi, xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ khi đủ chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh lên lớp, không có học sinh yếu kém, phê bình.

Áp lực chỉ tiêu thành tích khiến cho những cuộc thi đơn thuần trở thành cuộc chạy đua mà chính giáo viên, học sinh, thậm chí phụ huynh đều trở nên mệt mỏi.

Chúng ta lên án nhiều hình thức thi học sinh giỏi, ôn luyện “gà nòi” để lấy thành tích ảo, thành tích “sắp đặt”. Ngay chính những cuộc thi như thế đã thấy sự không thật và chắc chắn nếu quá trình học không thật, thi không thật thì không thể tạo ra nhân tài thật.

Chính vì thế, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chỉ ra rằng, thay đổi tư duy giáo dục không chỉ là việc của một ngành, một trường, một người có thể làm được. Đó phải là sự vào cuộc của toàn xã hội và tiên phong đi đầu phải là những người lãnh đạo.

“Bỏ những quan niệm giáo dục cũ, bỏ những bằng cấp, chứng chỉ không cần thiết, xem trọng thực lực, hiệu quả công việc của các thầy cô giáo.

Bệnh thành tích trong giáo dục cũng cần phải bỏ bớt những thứ không phải thi đua mà là ‘chạy đua’, ‘ganh đua’ trong giáo dục. Những chỉ tiêu, những ‘chuẩn không cần thiết chúng ta nên bỏ để hướng đến việc học thật, thi thật, có nhân tài thật.

Phải đổi mới tư duy bằng việc áp dụng khoa học, công nghệ vào giảng dạy, tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm giáo dục trên thế giới để giáo dục và đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ đưa ra ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ sẽ là động lực mạnh mẽ để nền giáo dục Việt Nam tự mình đổi mới, góp phần then chốt hiện thực hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng bắt đầu ngay từ bây giờ”, bà Khánh bày tỏ.

Cao Kim Anh