Học thuê: Cần là có

17/02/2012 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Giá cả học thuê phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong số đó là mức độ quen biết giữa người thuê - người học và học càng “cao” thì giá cũng phải “nhỉnh".

Dịch vụ học hộ, thi thuê đã trở thành hiện tượng phổ biến, công khai. Lướt qua các trang web www.raovat123.com, www.hocthue.netwww.hvtc.vn,www.info.vn thì những thông tin về dịch vụ học thuê tại chức, học thuê văn bằng hai, thậm chí học thuê cho hệ cao học được rao nhan nhản.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "cần người học hộ" trên Google thì cho ra 10.500.000 kết quả liên quan đến việc học hộ, thi thuê.

Không tốn nhiều công sức, chỉ cần đúng giờ, chép bài đầy đủ, nhiều sinh viên tìm mối để học hộ và coi đó là một công việc parttime. Người đi học hộ định giá, “mặc cả” giá của mỗi buổi học nhiều hay ít tùy thuộc vào mối quen biết, vào hệ đào tạo hay tần suất học hộ…

Dịch vụ học hộ, thi hộ nhan nhản, công khai trên mạng Internet
Dịch vụ học hộ, thi hộ nhan nhản, công khai trên mạng Internet

Dựa vào mối quen biết

Đang ngồi học, T. N (SV năm 3, ĐH Lao động và Xã hội) giật mình khi có tin nhắn đến với nội dung: “Tối nay đi học giúp chị được không? Vẫn ở nhà cũ, học môn Kinh tế Vĩ mô, nhớ chép bài đầy đủ cho chị nhé. Hôm sau chị gửi tiền sau”.

Cô sinh viên này đã có “thâm niên” học hộ, thi hộ hơn 2 năm nay. Ban đầu từ một mối tìm trên mạng, từ đó T. N móc nối với nhiều người ở nhiều trường khác nhau.  Hiện nay, T.N đang học hộ Q.A Lớp tại chức TCNH 27, khoa Kinh tế Đối ngoại, ĐH Ngoại thương HN với giá 40 nghìn/ buổi.

“Chị ấy bận đi làm, suốt thời gian mang bầu và có con nhỏ nên không thể đi học được. Vì mình ở gần trường với lại cũng chỉ cần ngồi nghe, có thể chép bài hoặc không, đến cuối giờ điểm danh là được về. ”, T.N cho biết.

Nói về giá cả của mỗi buổi học thuê, nhiều người có thâm niên đi học hộ cho biết rằng giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như hệ đào tạo, thời gian học, mức độ quen biết, người thuê và tần suất học nhiều hay ít….

“Nếu cùng một người giới thiệu, thì mình sẽ lấy giá chung. Học cả tuần, hết môn hay trọn gói cả thi hết môn thì giá cả cũng khác”, Đ.M.Tuấn (SV Bưu chính Viễn thông) đi học tại chức ở trường ĐH Giao thông Vận tải cho hay.

Tuấn từng học tại chức buổi tối hết khóa cho anh cùng xóm với giá 45 nghìn đồng/buổi từ 2 – 3 tiếng. Tuấn phải học cả tuần từ thứ 2 – thứ 6 nên giá cả cũng “nhỉnh” hơn so với học 1 – 2 buổi.

“Mình học hộ bạn của chị gái mình nên mình lấy 40 nghìn/ buổi, giá “mềm” hơn so với bình thường. Nếu người thuê chỉ nhờ 1 – 2 buổi, thì giá khoảng 50 – 70 nghìn/ buổi, thậm chí là 100 nghìn đồng/buổi”, T.N lý giải.

Học càng “cao”, giá càng “khủng”

Theo khảo sát ở một vài đường dây học thuê  thì giá cả học hộ hệ cao học thì giá “nhỉnh” hơn so với các hệ chính quy, tại chức...

Việc học thuê ở các lớp tại chức buổi tối thuận lợi và không "nguy hiểm" so với các hệ đào tạo khác(ảnh Văn Chung).
Việc học thuê ở các lớp tại chức buổi tối thuận lợi và không "nguy hiểm" so với các hệ đào tạo khác(ảnh Văn Chung).

N.V.Đạt (SV năm 3, ĐH KHXH&NV) đang học thuê lớp cao học trong trường cho biết chi tiết: “Học tại chức giá rẻ nhất từ 40 – 50 nghìn đồng/ buổi, chính quy thì bét nhất cũng 60 nghìn đồng/ buổi, còn cao học được giá nhất khoảng 70 – 100 nghìn đồng/ buổi, thậm chí còn hơn nếu học không cố định”.

Đạt kể rằng người mà Đạt nhận học hộ là một giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm. Người thuê học thường đi công tác nước ngoài hoặc bị chồng chéo lịch học, lịch thi trong trường nên thỉnh thoảng mới nhờ vài buổi.

Cùng quan điểm với Đạt, T.N cũng lý giải: “Học cao học mức độ nguy hiểm hơn bởi số lượng người trong lớp ít hơn, không lộn nhộn như lớp tại chức nên giá cả sẽ cao hơn. Nên cũng phải cân nhắc khi nhận học hộ. Sơ sảy một cái là có thể bị đuổi học ngay”.

Một lần T.N học hộ hệ chính quy môn thực hành Tin học (Khoa Kinh tế), ĐH Kinh tế Quốc dân, T.N còn phải đứng dậy để thầy cô nhìn mặt hoặc đeo thẻ ở cổ trước khi vào lớp. Nên đối với mỗi lần đi học hộ, tùy theo cấp bậc học, T.N chuẩn bị chu đáo để “qua mặt” giảng viên của lớp.

Học hộ, học thuê đang được một bộ phận sinh viên coi là “part time hấp dẫn”. Tuy nhiên, đây là việc không được khuyến khích và vi phạm luật Giáo dục. Cần phải siết chặt việc kiểm soát những đối tượng nhờ học hộ, thi hộ hiện nay ở các trường cao đẳng, đại học.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội

Tuyển sinh 2012:

Đổi mới Giáo dục

Kim Ngân