Kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách rất tốt

22/10/2021 06:45
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các thầy cô có tuổi, ngoài năng lực giảng dạy, nghiên cứu, công bố thì còn là uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, dự thảo đề xuất kéo dài thời gian làm việc với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.

Nghiên cứu dự thảo này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá nội dung nêu trong dự thảo hoàn toàn phù hợp, là chính sách rất tốt.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức thông tin, năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số: 141/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này có nêu: Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NVCC)

Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NVCC)

Như vậy, gióng theo quy định này thì tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ tri thức trong trường đại học đối với tiến sĩ là 65 tuổi, phó giáo sư là 67 tuổi và giáo sư là 70 tuổi.

Nhất là khi từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường (theo Khoản 2, Điều 169 của Bộ Luật Lao động) được quy định là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

“Việc đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách đúng đắn, hết sức phù hợp với thực tiễn Việt Nam”, Giáo sư Đức nêu quan điểm.

Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải sự phù hợp nằm ở 4 điểm.

Thứ nhất, theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hiện nay mới có khoảng 20% đội ngũ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ. So với khu vực và thế giới thì tỷ lệ này ở Việt Nam là thấp. Trên thế giới đã là giảng viên đại học thì phải có trình độ tiến sĩ trở lên. Do đó việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, kinh nghiệm cho thấy, các thầy cô làm việc liên tục trong môi trường đại học khi tuổi càng lớn thì càng nhiều kinh nghiệm. Thực tế những năm qua khi áp dụng Nghị định 141 cũng cho thấy: khi các thầy cô càng có thâm niên công tác, càng có nhiều kinh nghiệm về tâm lý, kinh nghiệm giảng dạy và có thêm thời gian làm việc sẽ tạo điều kiện cho thầy cô được cống hiến, dìu dắt các em tốt hơn, và đỡ lãng phí chất xám. Đội ngũ trí thức có trình độ cao không dễ gì chúng ta đào tạo ngày một, ngày hai mà có được.

Thứ ba, việc kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của giáo dục đại học hiện nay bởi nếu đội ngũ thầy cô này nghỉ hưu thì sẽ hụt hẫng rất lớn về đội ngũ, có thể kéo theo không đủ điều kiện về nhân lực với nhiều ngành/chuyên ngành đang đào tạo.

Các thầy cô có tuổi, ngoài năng lực giảng dạy, nghiên cứu và công bố thì còn là uy tín về mặt chuyên môn học thuật đối với cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để thu hút nhân tài, tập hợp đội ngũ, nhất là các cán bộ trẻ, tạo nên các nhóm nghiên cứu, trường phái học thuật. Những giáo sư uy tín thường đứng đầu trong trường phái học thuật ở các trường đại học.

Đơn cử, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội thì trưởng nhóm nghiên cứu mạnh “trẻ nhất” là 61 tuổi.

“Việc giữ đội ngũ thầy cô này làm việc thêm không chỉ cống hiến về mặt chuyên môn trí thức mà còn tăng uy tín để thu hút, tập hợp, xây dựng nhóm nghiên cứu góp phần tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cho các trường đại học và đáp ứng yêu cầu trong thời đại hiện nay như yêu cầu mở ngành, kiểm định chất lượng”, Giáo sư Đức nhấn mạnh.

Cuối cùng, thực tiễn các năm qua cho thấy, nhiều thầy cô đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đủ sức khỏe được các trường giữ lại vẫn giảng dạy, nghiên cứu và làm việc rất tốt. Một số trường đại học còn mạnh dạn giữ lại ở các chức vụ quản lý chuyên môn quan trọng như chủ nhiệm bộ môn, trưởng phòng thí nghiệm. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số nước như Pháp, Nga, một số nước Đông Âu vẫn duy trì giảng viên, các giáo sư đủ tuổi nghỉ hưu ở các chức vụ yêu cầu về uy tín học thuật trong các trường đại học.

Thùy Linh