Khâm phục nghị lực của cô giáo Tây Nguyên đi gieo chữ nơi vùng sâu, vùng xa

30/10/2016 08:28
Bích Thảo
(GDVN) - Tôi thầm nghĩ, ước gì đoạn đường cô Tâm đi hàng ngày bằng phẳng hơn, ngắn hơn sẽ giúp cô làm tốt hơn sứ mệnh "trồng người" của mình.

Tôi có một đồng nghiệp, cô ấy tên là Đinh Thị Giang Tâm, sinh năm 1981, hiện nay cô đã 35 năm tuổi đời, 15 năm tuổi nghề.
 
Tâm là người dân tộc Mường, thuộc tỉnh Hòa Bình nhưng sinh ra và lớn lên từ vùng Cao nguyên Đăk Lắk.
 
Ở miền Tây Nguyên đầy nắng gió, cô gái ấy đã vượt qua mọi khó khăn vất vả, tự lập ngay từ nhỏ thậm chí vì yêu thích nghề dạy học mà cô chấp nhận vừa đi làm thuê, làm mướn để có tiền theo học ngành sư phạm.
 
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, Tâm đã tốt nghiệp ngành sư phạm và giờ đã đi dạy tại một trường Tiểu học cách nhà 50km.

Cô giáo Đinh Thị Giang Tâm chụp ảnh cùng học sinh (Ảnh: Bích Thảo)
Cô giáo Đinh Thị Giang Tâm chụp ảnh cùng học sinh (Ảnh: Bích Thảo)

Vậy là, mỗi ngày cả đi cả về, Tâm đi 100km với hơn 4 giờ đồng hồ di chuyển trên đường ròng rã ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác để mang cái chữ đến với trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
 
Đi quãng đường ấy ở Tây Nguyên cực kỳ gian nan bởi “mùa khô thì đầy bụi, mùa mưa thì trượt trơn” chưa kể những hôm trái nắng trở trời, xe thủng săm, thủng lốp nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy Tâm nản lòng.
 
Nhiều lúc nhìn cô ấy, chúng tôi tự hỏi rằng: Sức mạnh nào mà một con người bé nhỏ kia có thể vượt hàng trăm cây số mỗi ngày suốt 15 năm qua?
 
Mà để mua được xe máy để đi dạy, cô Tâm đã phải vay ngân hàng bằng cách trừ 30% lương, 30% lương mỗi tháng dùng để mua xăng và sửa xe, còn lại dành cho chi phí gia đình. 

Sau 3 năm trả xong ngân hàng thì xe cũng đã “tàn tạ” vì xe chạy đường dài, gập ghềnh, nhiều sỏi đá. 

Với số tiền lương ít ỏi mỗi tháng, chật vật lắm cô mới đủ lo cho cuộc sống tạm bợ của gia đình. Vì vậy, hiện nay cô vẫn đang phải ở nhờ căn nhà cũ của người thân.  

Khâm phục nghị lực của cô giáo Tây Nguyên đi gieo chữ nơi vùng sâu, vùng xa ảnh 2
Mong muốn làm cô giáo từ khi còn nhỏ nên cô Tâm  chấp nhận vừa đi làm thuê, làm mướn để có tiền theo học ngành sư phạm (Ảnh: Bích Thảo)

Hoàn cảnh gia đình của cô Tâm khó khăn, chồng cô không có việc làm ổn định, lại mắc bệnh u mạch máu ở chân nên thường xuyên phải đi viện điều trị, hai đứa con nhỏ cũng hay ốm đau. Đây là lí do, cô Tâm không thể ở nội trú.

Vậy là mọi việc trong gia đình, việc họ hàng hai bên nội ngoại cô đều gánh vác nhưng không vì thế mà lòng yêu nghề, mến trẻ bị giảm bớt. 
 
Kỳ thực, nắng gió của trời, bụi của đường đã khiến Tâm già hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa, thậm chí, cô ấy trông còn già hơn các đồng nghiệp hơn tuổi.

Khâm phục nghị lực của cô giáo Tây Nguyên đi gieo chữ nơi vùng sâu, vùng xa ảnh 3

“Cậu bé Google” gây choáng tại Đường lên đỉnh Olympia

(GDVN) - “Cậu bé Google” - Phan Đăng Nhật Minh (Trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị) đạt số điểm kỷ lục của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 17.

Nhưng đổi lại những nhọc nhằn ấy, với tấm lòng lương thiện của mình Tâm nhận được rất nhiều tình cảm chân thành của đồng nghiệp, tình yêu của học trò dành cho cô.
 
Chính niềm đam mê mang cái chữ đến với trẻ em vùng sâu vùng xa cùng với tình yêu mà trẻ nhỏ dành cho cô ấy đã tiếp thêm động lực để ngày ngày Tâm đến trường luôn luôn đúng giờ để truyền thụ kiến thức, thắp lên ngọn lửa ước mơ cho các em học sinh thân yêu dù ngày nắng hay ngày mưa. 

Dẫu khó khăn là thế, nhưng cô Tâm vẫn vượt qua để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Đặc biệt, đầu năm học mới 2016-2017, cô giáo ấy là một trong 4 giáo viên xin đi biệt phái ở trường Tiểu học Hùng Vương, thuộc huyện CưJut, tỉnh Đăk Nông. Vậy là quãng đường mà cô đi dạy xa thêm 20km mỗi ngày. 

Tinh thần đó của cô khiến biết bao đồng nghiệp ngưỡng mộ, nói về quyết định xin đi biệt phái, Tâm chia sẻ:

Học sinh nơi nào cũng đang cần những bài học để nhận ra chính bản thân các em để thoát khỏi những giới hạn về địa lý, phong tục tập quán và có những ước mơ. Làm được gì giúp các em, tôi sẽ cố gắng”.
 
Nhìn thấy quãng đường gian nan mà Tâm đi mỗi ngày, chúng tôi thầm nghĩ, ước gì đoạn đường cô đi bằng phẳng hơn, ngắn hơn sẽ giúp cô giáo tâm huyết ấy có nhiều thời gian và sức khỏe để làm tốt sứ mệnh -  thắp sáng ước mơ cho học trò của mình hơn. 

Bích Thảo