Khi biên chế đã không còn đo bằng tiền, làm sao giúp thầy cô giữ phẩm giá?

27/08/2017 07:30
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - Nghề giáo và hình ảnh các thầy cô giáo trong xã hội hôm nay đang có những “sứt mẻ” nghiêm trọng về phẩm giá. Đây là một thực tế cần được nghiêm túc nhìn nhận.

LTS: Nhà giáo Nguyễn Trọng Bình gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của ông, chia sẻ một góc nhìn xung quanh câu chuyện riêng của một cô giáo ở Đắk Lắk, nhưng là nỗi đau chung của ngành sư phạm.

Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết và trân trọng cảm ơn nhà giáo Nguyễn Trọng Bình! Nội dung, văn phong bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

“Mai phục để vào biên chế”

Ngày 21/8/2017, tại “Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-1018”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: 

"Tôi phải nói công khai là sinh viên sư phạm ra trường chạy việc rất khó. Rất nhiều cháu mai phục, dạy hợp đồng rất nhiều năm trong trường không vào được biên chế". 

Thật lòng mà nói thì vấn đề “mai phục để vào biên chế” mà Phó thủ Tướng Vũ Đức Đam phát biểu dư luận đã biết từ lâu, đặc biệt là với những “người trong cuộc”

Tuy vậy, dù sao lời phát biểu công khai của Phó Thủ tướng cũng góp phần củng cố và cho chúng ta nhìn thấy rõ hơn một sự thật trần trụi và đau đớn trong xã hội hôm nay: 

Các thầy cô giáo muốn được sống với cái “nghề cao quý” đôi khi phải trả một cái giá rất đắt. 

Nói khác đi, việc “định giá”, “ra giá” từ vài chục đến vài trăm triệu cho một cái “biên chế” giáo dục vốn là chuyện xưa như trái đất. 

Và điều đáng nói hơn là, cứ ngỡ việc “định giá” nghề giáo bằng những “đồng tiền oan nghiệt” như vậy đã là đỉnh điểm của sự méo mó và tệ hại rồi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên bày tỏ sự đau lòng khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời về vụ 21 cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi làm lễ tân, rằng đó chỉ là "vui vẻ thôi". Ảnh cắt từ clip.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đoàn Phú Yên bày tỏ sự đau lòng khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời về vụ 21 cô giáo ở Hà Tĩnh bị điều đi làm lễ tân, rằng đó chỉ là "vui vẻ thôi". Ảnh cắt từ clip.

Nhưng không, đỉnh điểm ấy vừa mới bị vượt qua bằng một sự việc đau lòng liên quan đến một cô giáo, mà truyền thông nước nhà những ngày qua đã không ngần ngại giật tít: “đổi tình lấy biên chế giáo viên”.  

Than ôi, còn gì đau đớn và chua xót hơn nữa chứ!

Có ai ngờ để có thể sống được với cái “nghề cao quý” cô giáo kia buộc phải làm người thấp hèn, mặc cho người đời dè bỉu, khinh khi!? 

Nếu không cảm thông thì cũng đừng nói lời cay nghiệt

Hẳn chúng ta vẫn chưa quên một năm trước đây, báo chí truyền thông từng phản ánh chuyện 21 giáo viên nữ ở Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được/bị chính quyền điều động đi tiếp khách trong một sự kiện do địa phương này tổ chức. 

Tôi vẫn còn nhớ, có người ngoài cuộc qua chuyện này đã không ngần ngại buông ra lời phán xét: các thầy cô giáo hôm nay sao mà hèn quá!? 

Với tôi đây là lời phán xét không những thiếu bao dung mà còn quá nhẫn tâm. 

Cứ cho là các thầy cô giáo hôm nay hèn thật. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi vì đâu mà các thầy cô giáo ở xã hội ta hôm nay như vậy không? 

Thử hỏi còn gì chua xót và tủi hổ hơn, khi một mặt người ta buộc các cô phải luôn thể hiện mình là những “tấm gương sáng” cho “thế hệ trẻ noi theo”, nhưng mặt khác phải làm những việc rất dễ bị người đời nghi ngờ về phẩm giá? 

Để được làm giáo viên hợp đồng, để được vô “biên chế” không ít thầy cô giáo đã phải hạ mình, chung chi và “trả giá” rồi, thì giờ đây trong tư cách một viên chức thuộc cấp, làm sao họ dám thoái thác cái “nhiệm vụ”“cấp trên” mình đã điều động, giao phó? 

Khi biên chế đã không còn đo bằng tiền, làm sao giúp thầy cô giữ phẩm giá? ảnh 2

Giáo Thứ ngày xưa, giáo Thứ ngày nay

Trở lại câu chuyện liên quan đến cô giáo trong vụ “đổi tình lấy biên chế”.

Tôi cho rằng, trước mỗi vấn đề của cuộc sống, mỗi người tùy vào vị trí góc nhìn đều có quyền bộc lộ và trình bày quan điểm, ý kiến của mình. 

Hoàn toàn không có ý bênh vực hay biện minh cho cô giáo kia, nhưng trong chuyện này tôi nghĩ, nếu chúng ta không thể cảm thông thì cũng không nên có thêm bất cứ một lời cay nghiệt nào nữa dành cho cô ấy. 

Bởi lẽ, chúng ta không phải là cô ấy, không phải là người trong cuộc nên mọi lời nói, phán xét đều phải hết sức cẩn trọng. 

Trong cuộc sống, đôi khi có những sự việc, những vấn đề mà ta tận mắt nhìn thấy nhưng cũng chưa chắc đã là sự thật. 

Hơn nữa, chúng ta vốn có thói quen suy nghĩ vấn đề nào đó theo ý muốn của mình hơn là chịu khó nhìn nhận và lý giải vấn đề mà người khác đã trải qua. 

Ai đó đã nói rằng, “nước mắt của người khác nếu ta chưa từng nếm thử thì làm sao biết nó có mặn hơn nước mắt của mình hay không”? 

Vậy nên, theo tôi dù sự thật có như thế nào thì trong thời buổi công nghệ hôm nay, cô giáo kia cũng đang phải trả một cái giá rất đắt cho việc làm của mình. 

Thế thì chúng ta có nên góp thêm “gạch đá” để sát thương cô ấy nữa không? 

Sao không xem đây như một bài học nhãn tiền để nhắc nhớ mình phải luôn đứng thẳng người mà tiếp tục cái “nghề cao quý” trong môi trường phức tạp, xô bồ và đầy giả trá hôm nay? 

Và thay vì “ném đá”, sao không nhân chuyện này để góp thêm tiếng nói để “những người có trách nhiệm” trong ngành giáo dục nói chung phải thay đổi cách tư duy và quản lý?

Đặc biệt là những bất cập trong vấn đề bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên hiện nay, tôi cho rằng đó là một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra sự việc đau lòng và tệ hại ấy!?  

Thay lời kết

Phẩm giá của một cá nhân nói cho cùng cũng không nằm ngoài phẩm giá chung của một cộng đồng, dân tộc. 

Nghề giáo và hình ảnh các thầy cô giáo trong xã hội hôm nay đang có những “sứt mẻ” nghiêm trọng về phẩm giá. Đây là một thực tế cần được nghiêm túc nhìn nhận. 

Để cứu vãn vấn đề này, theo tôi không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy và nhận thức của toàn xã hội về giáo dục nói chung. 

Sự thay đổi này trước hết phải bắt đầu từ phía những người đang trực tiếp điều hành, quản lý nền giáo dục. 

Và điều quan trọng là lãnh đạo ngành giáo dục phải trung thực trong mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động. Phải cầu thị và lắng nghe tiếng nói từ phía các thầy cô giáo. 

Hãy trả họ về đúng với vị trí và chức phận của nghề giáo. Đặc biệt hãy trả công thật xứng đáng với những gì mà họ đã đóng góp cho xã hội. 

Làm được như thế chính là đã giúp họ giữ gìn phẩm giá và đạo đức nghề nghiệp bản thân, cũng là cách tri ân, tôn vinh chân thành và cao đẹp nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]: “Nhiều cử nhân sư phạm “mai phục” hợp đồng, mãi không vào được biên chế”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/pho-thu-tuong-sinh-vien-su-pham-ra-truong-chay-viec-rat-kho-394054.html

[2]: “Đồi tình lấy biên chế giáo viên”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/doi-tinh-lay-bien-che-giao-vien-394691.html

[3]: “Nếu còn tự trọng, 2 vị “đổi tình lấy biên chế” hãy rời bục giảng”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Neu-con-tu-trong-2-vi-doi-tinh-lay-bien-che-hay-roi-buc-giang-post179222.gd

Nguyễn Trọng Bình