Không công bố thí sinh được sửa điểm là dung dưỡng cái sai, cái xấu

28/03/2019 07:00
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Việc công bố danh sách những thí sinh được sửa điểm là điều vô cùng cần thiết để cứu danh dự cho ngành giáo dục sau hàng loạt các vụ việc đáng buồn.

Nếu ai đã từng xem vở kịch "Đêm trắng" sẽ không thể nào quên được câu chuyện Bác Hồ xem xét án tử hình đối với đại tá Hoàng Trọng Vinh - Cục trưởng Cục Quân nhu lúc bấy giờ.

Người xem không thể nào quên những lời nói thấm thía của Bác dành cho Hoàng Trọng Vinh: “Mất tiền, mất của còn tìm lại được, đánh mất lòng tin thì không thể lấy lại được nữa…

Bác không đòi chú trả lại tiền bạc đã lấy cắp, chú hãy trả lại cho Đảng, cho Bác, cho nhân dân và Tổ quốc lòng tin”. 

Chính vì thế mà vở kịch "Đêm trắng" mãi là bài học về “lòng tin” cho nhiều người.

Cơ quan điều tra bắt tạm giam cán bộ liên quan đến tiêu cực kỳ thi Trung học phổ thông 2018 (Ảnh: Báo Lao động)

Cơ quan điều tra bắt tạm giam cán bộ liên quan đến tiêu cực kỳ thi Trung học  phổ thông 2018

(Ảnh: Báo Lao động)

Trở lại với vụ việc tiêu cực của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, cũng như những diễn biến gần đây khiến cho chúng ta thấy nhiều điều đáng suy ngẫm về công tác xử lý vụ việc.

Việc công bố danh sách những thí sinh được sửa điểm là điều vô cùng cần thiết để giữ danh dự cho ngành giáo dục sau hàng loạt các vụ việc đáng buồn. Và, đây cũng là cách giữ "lòng tin" của xã hội đối với ngành giáo dục.

Thế nhưng, sự lần lữa của những người có trách nhiệm khiến cho dư luận phiền lòng và "lòng tin" đang mai một dần.

Ngày 26/3, tại kỳ họp báo định kỳ quý I năm 2019, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng.

Tuy nhiên, ông cũng “thòng” thêm câu nói: “Chúng ta không thể không tính đến những tác động tiêu cực đến các cháu”.

Từ chia sẻ của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và những chia sẻ quan điểm của Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình, dư luận cũng đã mường tượng sự việc sẽ được giải quyết như thế nào trong những ngày đang tới.

Nếu không công khai danh sách những thí sinh vi phạm ở Hòa Bình, Sơn La thì “lòng tin” của người dân vào giáo dục, vào các kỳ thi có còn nguyên vẹn không?

Và, có công bằng với các hình thức xử lý vi phạm trong thi cử  mà Bộ đang áp dụng không?

Không công bố thí sinh được sửa điểm là dung dưỡng cái sai, cái xấu ảnh 2Không công khai danh tính thí sinh được nâng điểm, Bộ Giáo dục nói gì?

Trong Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục – Đào tạo đã hướng dẫn khi học sinh “Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi” sẽ bị xếp loại "hạnh kiểm yếu".

Điều này cũng đồng nghĩa sẽ phải ở lại lớp và tất nhiên phải ghi vào học bạ và học bạ này sẽ đi theo học sinh nhiều năm sau nữa.

Trong quy chế thi, những thí sinh dự thi nếu mang điện thoại vào phòng thi (dù vô tình hay cố ý) cũng bị lập biên bản và đình chỉ thi.

Tất nhiên, những trường hợp này thì các thí sinh trong phòng thi, trong trường đều biết…

Những lỗi này nếu so sánh với chuyện chạy điểm chắc chẳng thấm tháp vào đâu và hậu quả cũng chẳng là gì so với vi phạm của Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La..

Vậy cớ gì mà những thí sinh được sửa điểm để nâng khống đến 26.45; 26.55 điểm như Hòa Bình, Sơn La lại sợ không công bố danh sách công khai?

"Tác động tiêu cực" gì ở đây? Nếu biết xấu hổ, biết tự ái thì các thí sinh này đã không nhập ngay khi các cán bộ quản lý giáo dục bị bắt, bị truy tố.

Đừng lấy lý do cha mẹ chạy mà các thí sinh không biết…

Bị phát hiện gian dối chỉ là sự cố ngoài tính toán

Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 không xảy ra hiện tượng “mưa điểm 10” nên vụ việc gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang mới bị…lộ.

Nếu vẫn xảy ra hiện tượng “mưa điểm 10” thì sức mấy các địa phương này bị phát giác.

Ông Dương Trung Quốc: Phải làm rõ động cơ, rồi công khai thí sinh được sửa điểm

Bởi, những cán bộ, giáo viên xử lý phần mềm cứ tưởng điểm năm 2018 cao giống như 2017 nên họ mới.. bị hố.

Giá như biết trước được mặt bằng điểm 2018 thấp hơn năm 2017, họ sửa khác thì rõ ràng chuyện gian dối sẽ nằm trong vòng bí mật và nó sẽ tiếp tục âm thầm được duy trì trong những năm sau nữa.

Ngay cả khi cơ quan điều tra thông tin kết quả, chúng ta cũng đã thấy có thí sinh năm 2017 đã được sửa điểm để thấy sự bất công đến nhường nào.

Thà đau nhưng phải cắt bỏ ung nhọt

Với hơn 100 thí sinh của Hòa Bình, Sơn La được nâng khống điểm thì không phải là số nhiều trong số hơn 900 nghìn thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 nên việc công bố càng sớm càng tốt.

Thứ nhất: tạo niềm tin cho dư luận khi: “quan điểm của Bộ là không dung túng cho sai phạm, và xử lý đến cùng” như lời của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo...là đúng.

Thứ hai: sẽ là bài học cho những thí sinh, phụ huynh có ý định chạy điểm. Là bài học cho cán bộ, giáo viên khi tham gia chấm thi, xử lý phần mềm, vào điểm không dám nhận tiền để làm điều phi pháp.

Thứ ba: tạo sự trung thực, khách quan cho kỳ thi để thí sinh tham dự kỳ thi có niềm tin rằng mình giỏi sẽ đậu cao.

Thứ tư: các trường đại học, học viện công an, quân đội đuổi học những học viên gian đối, không phải tốn kinh phí đào tạo những “sĩ quan dởm”.

Thứ năm: Đội ngũ trí thức của đất nước trong tương lai không phải cạnh tranh công việc với những người “thừa tiền, thiếu tri thức” nhưng lại có cơ hội ăn trên, ngồi trốc (trốc-đầu).

Chỉ còn mấy tháng nữa lại đến kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, nếu các cơ quan chức năng không đi đến cùng sự thật e rằng sẽ mất đi uy tín và niềm tin của xã hội.

Những thị phi sẽ còn dai dẳng đến mai sau!

Tài liệu tham khảo:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khong-cong-khai-danh-tinh-thi-sinh-duoc-nang-diem-Bo-Giao-duc-noi-gi-post196870.gd

NGUYỄN CAO