Không đủ chứng chỉ sẽ thu quyết định tuyển dụng chỉ là cớ buộc giáo viên đi học?

13/08/2020 07:04
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông chỉ “lùa” giáo viên đi học chứng chỉ mà không xử lý nghiêm minh những vi phạm trong tuyển dụng giáo viên, nếu có?.

Bài viết “Không đủ chứng chỉ giáo viên sẽ bị thu quyết định tuyển dụng, Bộ trưởng có biết?” đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ rất nhiều giáo viên.

Bài viết có phản ánh việc ngày 13/7/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông ban hành Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC về việc đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp hiện hành.

Nội dung công văn có ghi: “Sau thời hạn ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng”.

Thông tin sau thời hạn ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng, không phân định rõ các đối tượng giáo viên sẽ bị thu hồi đã gây lo lắng cho giáo viên địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC nhằm "thực hiện hướng dẫn số 2965/HD-BNV ngày 15/6/2020 của Bộ Nội vụ về việc xử lý đối với những trường hợp sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; Công văn số 1953-CV/TU ngày 05/6/2020 của Tỉnh ủy Đắk Nông về việc thực hiện Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư.

Tuy nhiên, công văn 909/SGDĐT-TCCBTC cho thấy sự hiểu biết chưa đầy đủ về tinh thần chỉ đạo “Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp có sai phạm về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức đã được phát hiện” theo Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ cũng như Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư.

Ảnh chụp màn hình trang cuối hướng dẫn 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ.

Ảnh chụp màn hình trang cuối hướng dẫn 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ.

Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp có sai phạm về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ thực hiện Kết luận số 71-KL/TW còn phải thực hiện theo các Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. [1]

Sẽ có ba nhóm giáo viên, khi thực hiện Hướng dẫn số 2965 của Bộ Nội vụ, Kết luận số 71-KL/TW, cụ thể là:

Nhóm thứ nhất: Tuyển dụng trước ngày Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực, (01/11/2015).

Nhóm thứ 2: Tuyển dụng từ 01/11/2015 (sau ngày Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực thi hành) đến 28/12/2017.

Nhóm thứ ba: Tuyển dụng sau ngày 28/12/2017.

Với nhóm thứ nhất, dù đến ngày 31/12/2020 chưa đủ chứng chỉ quy định cũng không thể thu hồi quyết định tuyển dụng.

Điều kiện tuyển dụng đối với giáo viên trước ngày các Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực thi hành đã được bổ nhiệm vào các ngạch thì cơ quan quản lý có trách nhiệm tạo điều kiện để những giáo viên này bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu (chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp).

Vì vậy, sau khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực mới có Lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên.

Với nhóm thứ hai: Giáo viên được tuyển dụng không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục để không bị thu hồi quyết định tuyển dụng thì họ phải đáp ứng đủ 3 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, thời gian chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải hoàn thiện về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển dụng;

Thứ hai, được người có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có phẩm chất, đạo đức, uy tín tốt trong 05 năm gần nhất;

Thứ ba, trong thời gian công tác không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức.

Với nhóm thứ ba: Đối với những trường hợp tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng sau ngày 28/12/2017 không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục thì thu hồi quyết định tuyển dụng.

Tuy nhiên, công văn 909/SGDĐT-TCCBTC đã không làm rõ các đối tượng giáo viên nào bắt buộc phải bổ sung chứng chỉ, giáo viên nào không nhất thiết phải bổ sung.

Giáo viên tuyển dụng sau ngày Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có hiệu lực thi hành nhưng không không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, lỗi đầu tiên thuộc về cơ quan tuyển dụng, vì không thực hiện đúng thông tư quy định.

Mục đích công văn 909/SGDĐT-TCCBTC nhằm thực hiện hướng dẫn sử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, nhưng tiêu đề của công văn này lại là "V/v đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp hiện hành".

Hơn nữa, nội dung công văn 909/SGDĐT-TCCBTC lại hoàn toàn không nhắc gì đến "sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức" tại địa phương, mà chỉ dồn giáo viên đi học:

"Sau thời hạn ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng".

Lẽ ra người chịu trách nhiệm tuyển dụng phải là đối tượng đầu tiên bị kỷ luật, chịu trách nhiệm chứ không phải là giáo viên; không thể chỉ “trăm dâu đổ đầu giáo viên”, còn người tuyển dụng vô can?

Điều 4, phần II, Hướng dẫn 2965/HD-BNV chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân để xẩy ra sai phạm trong tuyển dụng:

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, tập thể lãnh đạo và cá nhân để xẩy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng phải thực hiện việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật về xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Song song với yêu cầu giáo viên bổ sung chứng chỉ, phải có yêu cầu kỷ luật những người vi phạm quy trình, thủ tục tuyển dụng mới đảm bảo công bằng pháp luật.

Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC, ngày 13/7/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đã không làm cho giáo viên hiểu rõ chủ trương, chính sách của nhà nước, mà gây nên hoang mang lo lắng không đáng có cho giáo viên.

Liệu đây có phải mục đích đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp hiện hành, hay có mục đích khác “lùa giáo viên đi học chứng chỉ” để thu lợi như một số bạn đọc bình luận?

Giáo viên ngoài nắm vững chuyên môn nghiệp vụ để công tác tốt, còn phải tự học, trong đó cập nhật chủ trương, chính sách của Đảng, của nhà nước cũng rất cần thiết, vừa tự bảo vệ mình, vừa tuyên truyền cho xã hội.

Không có ai “thấp cổ, bé họng” trong xã hội của chúng ta, thấy bất công mà không dám lên tiếng bảo vệ, chính chúng ta đang đồng lõa với cái sai.

Thầy cô giáo hãy sống có trách nhiệm với xã hội trước khi mong muốn giáo dục học sinh điều đó, muốn vậy hãy lên tiếng phản biện những bất cập mà chính mình đang gánh chịu, đó là điều đơn giản nhất.

Tài liệu tham khảo:

http://sonoivu.namdinh.gov.vn/documents/download.aspx?id=1458

https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/28243/04-nhom-giao-vien-khong-can-co-chung-chi-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Huong-dan-2965-HD-BNV-2020-xu-ly-truong-hop-sai-pham-trong-cong-tac-tuyen-dung-can-bo-vien-chuc-446336.aspx

http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-71-kltw-ngay-2432020-cua-ban-bi-thu-ve-xu-ly-sai-pham-trong-cong-tac-tuyen-dung-can-bo-cong-chuc-vien-6276

Lê Mai