Không đủ chứng chỉ giáo viên sẽ bị thu quyết định tuyển dụng, Bộ trưởng có biết?

15/07/2020 09:37
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là nỗi lo lắng, bất an của các giáo viên phổ thông đang công tác tại tỉnh Đắk Nông phản ánh đến Giáo dục Việt Nam.

Nhiều thầy cô giáo trung học phổ thông Đắk Nông phản ánh đến Giáo dục Việt Nam, họ nhận được Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC, ngày 13/7/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông về việc đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp hiện hành được nhà trường gửi qua email khiến họ đứng ngồi không yên.

Nội dung công văn nêu rõ:

“1.Trên cơ sở rà soát về điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành (văn bằng, chứng chỉ) của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của đơn vị mình.

Người viết đã vào Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông để tìm kiếm văn bản trên, nhưng không thấy, ảnh chụp màn hình.

Người viết đã vào Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông để tìm kiếm văn bản trên, nhưng không thấy, ảnh chụp màn hình.

Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương thông báo cho cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn để được biết và tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn được đi học để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp trước ngày 31/12/2020, sao cho vừa đảm bảo được việc dạy và học trong nhà trường, vừa đảm bảo được thời gian đi học để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn.

2. Đối với cán bộ quản lý, giáo viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, Chứng chỉ tin học) và đối với nhân viên (thiếu Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, Chứng chỉ tin học) thì khẩn trương đi học để có Chứng chỉ theo quy định.

Ngoài ra, có thể học và thi để có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với những vị trí việc làm yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc thay thế cho Chứng chỉ ngoại ngữ.

Tìm kiếm công văn trên bằng công cụ Google cũng không ra, ảnh chụp màn hình.

Tìm kiếm công văn trên bằng công cụ Google cũng không ra, ảnh chụp màn hình.

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

3. Trong thời gian cán bộ, giáo viên, nhân viên còn thiếu điều kiện, tiêu chuẩn đi học được hưởng lương và các chế độ phụ cấp (nếu có) theo quy định hiện hành.

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh nghề nghiệp hiện hành, các cá nhân đi học tự túc.

4. Sau thời hạn ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng”.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông mà nhiều giáo viên nhận được qua email lãnh đạo nhà trường chuyển, ảnh do thầy cô cung cấp.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông mà nhiều giáo viên nhận được qua email lãnh đạo nhà trường chuyển, ảnh do thầy cô cung cấp.

Sau khi nhận được công văn, không ít giáo viên bàng hoàng, hốt hoảng, âu lo.

Thầy giáo Lê M (đã đổi tên nhân vật) công tác tại một trường phổ thông trên địa bàn huyện Đakr’lap, tỉnh Đắk Nông chia sẻ:

“Nhận được công văn, chúng em đọc xong đều có cảm giác bàng hoàng, hốt hoảng, âu lo.

Cái lo là từ nay đến 31/12 chỉ còn 5 tháng nữa, thời gian quá ngắn, vậy mà chúng em phải hoàn thành Chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, Chứng chỉ tin học, nếu không sẽ bị thu hồi quyết định tuyển dụng, tức là sẽ thất nghiệp, quả là khó.

Chứng chỉ tin học có thể học và thi tại địa phương; với chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, khu vực Tây Nguyên không có đơn vị nào được tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; gần nhất là các đơn vị ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc đi học, đi thi sẽ cực kỳ khó khăn cho giáo viên”.

Cái khó của giáo viên ở tỉnh Đắk Nông thực ra là cái khó, cái khổ của giáo viên cả nước hiện nay khi bị các loại chứng chỉ - “giấy phép con” hành hạ mà không mấy ai dám kêu.

Việc gửi văn bản chỉ đạo giáo viên học lấy các loại chứng chỉ theo chức danh nghề nghiệp thường được gửi theo kênh nội bộ ngành dọc, không đăng tải công khai cũng là một cái khó cho thầy cô khi muốn phản ánh bất cập và đề đạt nguyện vọng.

Chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo mới cứu được thầy cô thoát khỏi các giấy phép con

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai ông Đinh Duy Vượt đã trình bày quan điểm của mình tại hội trường Diên Hồng:

“Những yêu cầu chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ đang ẩn chứa nhiều nhiêu khê, lợi dụng, đẻ ra các loại giấy phép con, làm khó, làm khổ giáo viên đã và đang xảy ra mà gần như 100% giáo viên đều bức xúc kêu ca”. [1]

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã cam kết trước Quốc hội:

“Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”. [2]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết.

Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chuẩn giáo viên”. [2]

Tuy nhiên, các Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công bố để lấy ý kiến góp ý, vẫn giữ nguyên các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ [3] mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thấy là "không cần thiết".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có biết điều này?

Mong thầy thương lấy các thầy cô ở cơ sở và chỉ đạo các cục, vụ chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để bỏ các giấy phép con "không cần thiết" nhưng lại đang hành giáo viên khỏi các dự thảo thông tư nói trên.

Đây cũng chính là lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước Quốc hội.

Đồng thời, thiết nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên sớm có văn bản gửi các địa phương, trong khi chờ thông tư mới, tạm thời không yêu cầu giáo viên phải bổ sung Chứng chỉ ngoại ngữ, Chứng chỉ tin học, không được thu hồi quyết định tuyển dụng vì thiếu 2 chứng chỉ trên.

Bỏ yêu cầu Chứng chỉ ngoại ngữ, Chứng chỉ tin học là mong muốn của giáo viên trên cả nước.

Giáo viên chỉ mong ở vị trí việc làm nào, cần trình độ tin học, ngoại ngữ như thế nào, được bồi dưỡng thường xuyên, tự học; chỉ cần đáp ứng được công việc, làm tốt công việc; không cần chứng chỉ thật học giả, giáo viên phải chạy chứng chỉ như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]thanhnien.vn/giao-duc/bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-som-bo-chung-chi-hanh-vien-chuc-1149368.html

[2]https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo

[3]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/default.aspx

Lê Mai