Kiến thức lịch sử học sinh hổng vì đâu?

22/04/2019 06:34
Mai Hoa
(GDVN) - Có học sinh cho rằng, Trần Quốc Tuấn chính là Trần Quốc Toản; có em thì tin chắc rằng Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Tuấn là bạn chiến đấu...

Cách đây vài năm, dư luận bàng hoàng khi nghe một số học sinh bậc trung học cơ sở ở Hà Nội nói rằng Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai bố - con, có em nói đây là hai anh em, là bạn chiến đấu…

Mới đây, phóng viên trang Soha News trong một cuộc khảo sát ghi hình tại các trường trung học trên địa bàn Hà Nội, cũng đã vô cùng bất ngờ trước phản ứng và câu trả lời của các em học sinh khi được hỏi về các kiến thức lịch sử.

Làm sao để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn? (Ảnh: tuyengiao.vn)
Làm sao để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn? (Ảnh: tuyengiao.vn)

Phóng viên hỏi: "Bà Trưng và Bà Triệu có quan hệ gì với nhau?" thì đa phần các em cho rằng, đó là hai chị em ruột.

Đối với câu hỏi: "Trần Quốc Tuấn và Trần Hưng Đạo có phải là hai anh em?", có học sinh cho rằng, Trần Quốc Tuấn chính là Trần Quốc Toản; có em thì tin chắc rằng Trần Hưng Đạo và Trần Quốc Tuấn là bạn chiến đấu.

Câu hỏi Mỵ Châu, Trọng Thủy là người nước nào? Nhiều em trả lời là người Trung Quốc.

Bất ngờ hơn một học sinh lớp 9 rất tự tin nói rằng: "Văn Lang là láng giềng của Việt Nam, Âu Lạc là nước sinh ra để phục vụ Việt Nam"???[1]

Có thể nói, những câu hỏi mà phóng viên đặt ra là những câu hỏi cơ bản và vô cùng đơn giản nhưng nhiều em trả lời một cách ngây ngô với vẻ đầy tự tin.

Có thể thấy, kiến thức lịch sử trong những học sinh này hầu như không có.

Điều này, báo động tình trạng thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức lịch sử trầm trọng của học sinh chúng ta hiện nay.

Những lỗ hổng, sự thiếu hụt kiến thức cơ bản này do đâu mà ra?

Câu hỏi này, vẫn thường xuyên được đặt ra và câu trả lời lại xoáy vào sự dạy dỗ, giáo dục từ nhà trường.

Hơn 83% thí sinh có điểm môn Lịch sử dưới trung bình

Đương nhiên nguyên nhân này cũng không ai phủ nhận.

Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, các trường học đã rất chú trọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học môn sử để tránh cho học sinh sự nhàm chán.

Nhiều thầy cô không còn bắt trò phải học thuộc hàng trang vở, không còn nặng kiểu giảng dạy thầy đọc, trò chép.

Nhiều phương pháp dạy tích cực như dạy học nhóm, dạy trực quan bằng tranh ảnh, video clip, bằng những bài giảng điện tử được soạn công phu hay việc tham quan thực tế…giúp các em nắm bài tại lớp, tại nơi tham quan.

Thế nhưng, thầy cô nỗ lực dạy nhưng học trò không muốn học thì giáo viên cũng đành bó tay.

Nhiều thầy cô giáo dạy Lịch sử ở một số trường trung học cơ sở cùng chia sẻ việc học sinh chán học Sử.

Có em nói rằng: “Con phải học Toán, Anh văn và Văn” để thi vào lớp 10. Em cho rằng: “Con thi ban A có thi ban C đâu mà học sử làm gì?”

Cũng vì những lý do ấy, một số học sinh trong giờ học Lịch sử lấy sách ra làm Toán, làm bài tập tiếng Anh…

Có giáo viên dạy Lịch sử nói rằng, kiểm tra bài cũ, có em phải khất đến mấy lần mới thuộc chỉ một đoạn ngắn.

Nhiều khi sợ học trò bị điểm liệt, thầy cô còn chỉ cái phần sẽ kiểm tra để về học thuộc nhưng có em chấp nhận điểm xấu chứ nhất định không chịu học.

Học trò không đam mê Sử, phải làm thế nào?

Lịch sử, nỗi xấu hổ của người có học

Hiện nay, một số học sinh chọn Lịch sử là môn xét tuyển vào đại học nên những học sinh này nắm kiến thức lịch sử khá tốt.

Nếu phỏng vấn các em, chúng tôi tin chắc rằng sẽ không có những câu trả lời ngây ngô như thế.

Trong giảng dạy, chúng tôi nhận thấy học sinh phần lớn rất thích nghe những câu chuyện lịch sử.

Chuyện về dựng nước, giữ nước, về các triều đại phong kiến, về các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, về các anh hùng dân tộc…

Bởi thế, cần có nhiều câu chuyện lịch sử được biên tập dưới dạng những cuốn truyện tranh đưa vào các trường học ở cả 4 bậc học.

Với bậc mẫu giáo, tiểu học chú trọng nhiều kênh hình, bậc trung học kênh chữ nhiều hơn. Trong trường, mỗi tuần có một tiết đọc sách bắt buộc.

Giáo viên định hướng cho học sinh đọc sách theo từng chủ đề (lưu ý nhiều đến truyện lịch sử).

Tổ chức các buổi ngoại khóa, giao lưu chia sẻ những nội dung mình đã đọc trong tuần.

Ngoài ra, có những tiết học ngoại khóa cho các em xem những thước phim tư liệu về lịch sử.

Sau đó, tổ chức thi viết bài thu hoạch với học sinh lớn, học sinh nhỏ chỉ trả lời theo kiểu giao lưu có nhận thưởng.

Cùng với việc tăng cường đối mới các phương pháp dạy học tích cực thì những giải pháp ấy, sẽ giúp học sinh dần thêm yêu thích lịch sử nước nhà.

Tài liệu tham khảo:

http://soha.vn/khi-hoc-sinh-cap-2-khang-dinh-ba-trung-va-ba-trieu-la-hai-chi-em-20190419142151637.htm{1}

Mai Hoa