Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012: Nghiêm túc mà không căng thẳng

05/04/2012 11:30
Theo HaNoiMoi
Việc tăng cường tổ chức thi các môn khoa học xã hội và cách thức ra đề trong các kỳ thi gần đây đã phần nào khiến HS không học lệch, học tủ.

Dù còn gần hai tháng nữa mới đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, song các trường ở Hà Nội đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh (HS). Việc tăng cường tổ chức thi các môn khoa học xã hội và cách thức ra đề trong các kỳ thi gần đây đã phần nào khiến giáo viên dạy toàn diện và HS không học lệch, học tủ.

Không bất ngờ nhưng vẫn khó khăn
Sự xuất hiện khá thường xuyên các môn xã hội như lịch sử, địa lý trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT (cả ở hệ THPT và bổ túc THPT) trong vài ba năm trở lại đây dường như không còn là điều bất ngờ đối với HS lớp 12. Vì thế, ngoài việc tập trung học ba môn "cứng" là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, ngay từ đầu năm học lớp 12, ban giám hiệu và giáo viên các trường THPT đều chú ý dành nhiều công sức và thời lượng cho việc dạy - học các môn khoa học xã hội.
Ôn bài kỹ sẽ giúp các thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Ảnh: Nhật Nam
Ôn bài kỹ sẽ giúp các thí sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới. Ảnh: Nhật Nam
Tuy nhiên, dù là những trường có "đầu vào" cao hay nơi có tỷ lệ HS trung bình, yếu, kém chiếm phần lớn, thì việc dạy những môn học này được các thầy, cô giáo đánh giá là khá khó khăn. Cái khó ở đây là làm thế nào để HS cảm thấy thực sự cần thiết và bị lôi cuốn vào những giờ học lịch sử, địa lý… chứ không phải là chỉ đối phó với thi. Nỗi trăn trở ấy sẽ vẫn còn bởi trên thực tế, hầu hết HS lớp 12 đều chọn các ngành thuộc khối khoa học tự nhiên khi đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Tại Hà Nội, năm 2011, trong số hơn 165 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi, chỉ có 7.300 bộ đăng ký thi khối C, chiếm tỷ lệ 4,4%, thấp hơn so với 5,2% của năm 2010.
Việc Bộ GD-ĐT không phát hành tài liệu cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT cũng khiến một số giáo viên, HS tỏ ra lo lắng. Tuy nhiên, theo khẳng định của lãnh đạo Bộ, đây không phải là tài liệu giới hạn kiến thức ôn tập mà chỉ là tài liệu tham khảo để giáo viên, HS hình dung cụ thể về hình thức đề thi. Trước thông tin về việc phát hành cuốn "Hướng dẫn ôn tập tốt nghiệp" đang được giới thiệu ở một số trường, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Bộ không chỉ đạo việc biên soạn và phát hành cuốn sách này. Đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình giáo dục THPT, tập trung ở lớp 12. Vì vậy, tài liệu ôn tập tốt nhất là sách giáo khoa và bài giảng của thầy, cô giáo.
Ông Vũ Đình Chuẩn cũng khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên, đặc biệt trong giai đoạn ôn tập. Theo ông, người tổ chức ôn tập phù hợp và hiệu quả nhất cho HS chính là giáo viên bởi họ đã theo các em suốt cả chặng đường dài, hiểu rõ khả năng của từng em để biết cần bổ sung gì với liều lượng ra sao. Giáo viên cũng chính là "cầu nối" những kiến thức từ sách vở với thực tế để HS có thể đáp ứng tốt yêu cầu vận dụng kiến thức trong làm bài thi.
Không tổ chức hội đồng liên trường
Chặt khâu thi là chủ trương được quán triệt tới các trường học trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua của Sở GD-ĐT Hà Nội. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, đến thời điểm này, Sở đã tham mưu với thành phố để thành lập ban chỉ đạo và tổ chức kỳ thi, huy động sự vào cuộc đồng bộ và nghiêm túc của các sở, ban, ngành có liên quan. Tại mỗi quận, huyện, thị xã cũng sẽ thành lập một ban chỉ đạo kỳ thi. Cách làm này giúp cho việc tổ chức kỳ thi có sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị về điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn.
Việc trao quyền tự chủ cho địa phương trong việc tổ chức kỳ thi cũng là một thuận lợi cho Hà Nội khi xây dựng phương án triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, quyết định này của Bộ GD-ĐT thể hiện sự tin tưởng đối với các địa phương song cũng đặt lên vai các tỉnh, thành phố trách nhiệm nặng nề trong công tác chỉ đạo, quản lý và thực hiện kỳ thi ở mọi khâu.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 tại Hà Nội sẽ có hơn 70 nghìn thí sinh dự thi. Phương án dự kiến là mỗi trường học sẽ là một hội đồng thi. Phương án này giúp các huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa… bớt đi nỗi lo về bảo đảm nơi ăn, nghỉ và điều kiện an toàn cho thí sinh và người nhà khi phải dự thi ở những địa điểm xa. Còn với hầu hết thí sinh, hình thức này phần nào giúp giảm đi những căng thẳng không đáng có của một kỳ thi tốt nghiệp.
Để kết quả kỳ thi phản ánh chính xác chất lượng dạy - học ở các nhà trường, khâu coi thi sẽ được đặc biệt chú trọng với quan điểm "nghiêm túc mà không căng thẳng" nhằm tạo điều kiện công bằng, khách quan nhất cho thí sinh dự thi. Việc đổi chéo giám thị là giáo viên giữa các quận, huyện, thị xã vẫn sẽ tiếp tục được Hà Nội áp dụng, nhằm hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực có thể nảy sinh trong khâu coi thi.
Theo HaNoiMoi