Làm thế nào để có thể hiểu và trò chuyện cùng con?

11/11/2014 09:26
Nguyên Thảo
(GDVN) - Tôi thấy mình như xa con dần", không chỉ chị Lan, đó còn là nỗi lòng của không ít cha mẹ khi đến với buổi trò chuyện này.

“Có lần thấy con về nhà mắt sưng húp, nhưng bố mẹ gạn hỏi thì né tránh, cạy mồm không nói. Chúng tôi chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với con, bởi con không bao giờ chia sẻ với bố mẹ. Lúc nào con cũng như sống một mình trong thế giới của riêng nó, thế giới ấy hoàn toàn xa lạ với chúng tôi".

Bố mẹ muốn gần, con cái muốn xa 

“Tôi thấy dường như cháu coi trọng sự hiện hữu của cô bạn thân hơn là sự có mặt của mẹ nó. Mỗi lần trò chuyện, chúng đóng kín cửa, nếu đang nói hào hứng, thấy sự xuất hiện của tôi, cả hai đứa sẽ im bặt và làm động tác nháy ra hiệu. Tôi thấy mình như xa con dần". Đó là câu chuyện mà chị Lan (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ trong buổi Tọa đàm “Trò chuyện cùng con thế kỷ 21” được tổ chức trong khuôn khổ Hội sách Vinschool Book Fair tại Trường Phổ thông Liên cấp Vinschool, dưới sự dẫn dắt của diễn giả Trần Đăng Khoa (tác giả cuốn sách Sống và Khát vọng).

Không chỉ chị Lan, đó còn là nỗi lòng của không ít cha mẹ khi đến với buổi trò chuyện này.

Trò chuyện cùng con là cả một nghệ thuật.
Trò chuyện cùng con là cả một nghệ thuật.

Đại đa số người Việt Nam coi nhẹ vấn đề giao tiếp giữa bố mẹ, con cái với suy nghĩ “Gia đình không thân nhau thì thân ai” và coi mối quan hệ này là điều hiển nhiên phải tốt đẹp. Nhưng cũng như bất cứ mối quan hệ nào,tình cảm giữa bố mẹ và con cái luôn cần phải được bồi đắp bằng sự tin tưởng. Đã bao giờ bạn thực sự trò chuyện để hiểu tâm tư tình cảm của con mình, thay vì áp đặt nghĩ rằng “chuyện trẻ con tầm phào”, “trẻ con biết gì”, hoặc né tránh giải quyết vô vàn vấn đề phát sinh ở giai đoạn hình thành nhân cách?!

Làm thế nào để con “mở lòng”?

Chắc chắn sẽ có bậc phụ huynh trả lời ngay: “Trò chuyện thì cứ trò chuyện thôi. Gia đình có phải là không nói với nhau câu nào bao giờ đâu”. Nhưng nếu chỉ nói những câu hỏi đáp thông tin thông thường, ví dụ: Con đi đâu đấy? - Con sang nhà bạn; Con đang làm gì đấy? - Con đang chơi game; Mai học thêm Toán à? - Vâng; thì đó đâu phải trò chuyện. Trò chuyện là khi hai người có sự tin tưởng và mở lòng với nhau, chia sẻ cùng nhau những rắc rối, khó khăn, những cảm xúc, tâm trạng, mong muốn của mình.

Diễn giả Trần Đăng Khoa đang chia sẻ các cách trò chuyện với con cùng các bậc phụ huynh tham gia Hội sách Vinschool Book Fair 2014
Diễn giả Trần Đăng Khoa đang chia sẻ các cách trò chuyện với con cùng các bậc phụ huynh tham gia Hội sách Vinschool Book Fair 2014

Trong buổi Tọa đàm Trò chuyện cùng con thế kỷ 21, diễn giả Trần Đăng Khoa đã biến cả khán phòng của Vinschool thành một lớp học, nơi bố mẹ là những học sinh tới lớp để trải qua những tình huống thực tế hàng ngày giữa cha mẹ và con cái.

Nhiều phụ huynh tham gia tọa đàm tại Hội sách Vinschool Book Fair cùng muốn tìm hiểu cách làm sao để gần gũi hơn, thấu hiểu con cái hơn.
Nhiều phụ huynh tham gia tọa đàm tại Hội sách Vinschool Book Fair cùng muốn tìm hiểu cách làm sao để gần gũi hơn, thấu hiểu con cái hơn.

Lắng nghe ý kiến từ hai phía, diễn giả Trần Đăng Khoa vui vẻ đưa ra rất nhiều lời khuyên hữu ích đối với các bậc phụ huynh khi trò chuyện cùng con như: Bày tỏ cảm xúc của mình, Chia sẻ những gì mình mong đợi, Hướng dẫn cụ thể cho con cách sửa sai và Đưa ra cho con các lựa chọn. Quan trọng nhất, mỗi bậc cha mẹ cần thực sự trò chuyện với con mình như đang trò chuyện với một người lớn với tư duy, cảm xúc và quyền được tự quyết định.

Để hiểu con, dạy con thì cha mẹ cũng cần được trang bị những phương pháp giáo dục hiệu quả
Để hiểu con, dạy con thì cha mẹ cũng cần được trang bị những phương pháp giáo dục hiệu quả

Ngược lại với những điều nên, diễn giả cũng đưa ra 9 điều cấm kỵ mà bất kỳ phụ huynh nào cũng nên tránh khi trò chuyện cùng con như: Chối bỏ cảm xúc của con; Chỉ trích sự thiếu xót của con; Tránh né tranh luận-quá dễ tính; Áp đặt và ra lệnh; Tấn công vào con người con; Vội vàng kết tội con; Đe dọa con; Giảng đạo dài dòng; Chê bai con. Những ý kiến gợi ý của diễn giả Trần Đăng Khoa đã khiến nhiều bậc phụ huynh thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề “Trò chuyện cùng con”.

Hội sách Vinschool Book Fair đã thu hút hàng nghìn Phụ huynh và học sinh tới tham dự
Hội sách Vinschool Book Fair đã thu hút hàng nghìn Phụ huynh và học sinh tới tham dự

Buổi tọa đàm về chủ đề “Trò chuyện cùng con thế kỷ 21” là một hoạt động nằm trong Hội sách Vinschool Book Fair được tổ chức tại Trường Phổ thông liên cấp Vinschool. Với việc mời các diễn giả nổi tiếng tới tham gia Hội sách, Vinschool mong muốn chia sẻ cùng các bậc phụ huynh những quan điểm giáo dục đa diện và cấp tiến nhất. Đây cũng sẽ là hoạt động thường xuyên mà Vinschool dành riêng cho các bậc phụ huynh, khẳng định cam kết cùng đồng hành gia đình trong quá trình dạy và học.

“Vinschool là một trong những trường học hiếm hoi tại Việt Nam, không chỉ quan tâm đến nâng cao chất lượng giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất, mà còn quan tâm và phát triển phương diện đồng hành cùng phụ huynh trong việc nuôi dạy con. Đây là một tín hiệu tốt đối với giáo dục nước nhà, hướng tới một nền giáo dục đa năng, toàn diện”, diễn giả Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Trong hai ngày 8/11 và 9/11, hàng nghìn gia đình đã trải nghiệm không gian văn hóa đọc với hàng ngàn đầu sách từ hơn 40 nhà xuất bản Việt Nam và quốc tế, cùng các chương trình tọa đàm ý nghĩa tại Hội sách Vinschool Book Fair 2014. Đây là sự kiện do Hệ thống giáo dục Vinschool tổ chức nhằm góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới mỗi học sinh trong nhà trường, đồng thời cập nhật các phương pháp giáo dục ưu việt tới phụ huynh.

Bên cạnh các buổi Tọa đàm dành cho phụ huynh với các Diễn giả, Tác giả sách nổi tiếng, Hội sách Vinschool Book Fair còn tổ chức nhiều hoạt động lấy cảm hứng từ các phương pháp dạy học đang áp dụng tại trường như: Học sinh diễn tiểu phẩm “hóa thân cùng sách”; Hóa trang diễu hành, biểu diễn trong các trang phục, lấy nội dung phóng tác từ các tác phẩm nổi tiếng; Thuyết trình về cuốn sách yêu thích,…

Nguyên Thảo