Mấy chục năm đứng lớp, giáo viên không nhận được phụ cấp thâm niên

14/06/2019 07:10
NGUYỄN THÀNH TRUNG
(GDVN) - Hơn 30 năm đứng lớp nhưng nhiều giáo viên ở Quảng Nam vẫn không nhận được tiền phụ cấp thâm niên bởi những vướng mắc về quy định pháp luật.

Phía bảo hiểm xã hội cho rằng, để giải quyết quyền lợi cho những giáo viên  này thì ngành giáo dục phải lên tiếng, kiến nghị.

30 đứng lớp nhưng không có phụ cấp

Những ngày này, khi những học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi vượt vũ môn khốc liệt thì cô giáo Phạm Thị Tùy (cựu giáo viên Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn canh cánh nỗi buồn trong sự nghiệp trồng người.

Hơn 30 năm giảng dạy, cô Phạm Thị Tùy vẫn chưa thể nhận phụ cấp thâm niên vì vướng quy định. Ảnh: TB
Hơn 30 năm giảng dạy, cô Phạm Thị Tùy vẫn chưa thể nhận phụ cấp thâm niên vì vướng quy định. Ảnh: TB

Cô chia sẻ, trước năm 1975, cô là một giáo viên dạy Văn tại một trường trung học cơ sở ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).

Sau chiến tranh, theo lời kêu gọi “chi viện miền Nam” của ngành giáo dục thời ấy, cô đã khăn gói vào Quảng Nam – Đà Nẵng cũ (nay là tỉnh Quảng Nam) giảng dạy tại trung tâm bổ túc văn hóa của tỉnh.

Như một cơ duyên với mảnh đất xứ Quảng, cô ở lại lập gia đình và chuyển sang công tác tại Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu từ năm 1991.

1.120 nhà giáo ở Kiên Giang mòn mỏi chờ tiền nâng lương từ năm 2018

Sau nhiều năm miệt mài trên bục giảng, năm 2006, cô Tùy nghỉ hưu. “Qúa trình đi dạy tôi được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh cũng như của ngành giáo dục.

Thời gian công tác tôi thuộc biên chế nhà nước và được đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng từ ngày nghỉ hưu đến nay đã hơn 13 năm nhưng tôi vẫn chưa nhận được khoản phụ cấp thâm niên như các giáo viên khác”.

Cô Tùy tâm sự, khoản phụ cấp này chỉ khoảng 12 triệu đồng, số tiền không lớn nhưng là niềm động viên, ghi nhận những đóng góp của thế hệ các cô trên bục giảng.

Thế nhưng niềm mong mỏi ấy từ năm 2006 đến nay vẫn chưa thể thực hiện vì vướng những quy định pháp luật.

Cùng chung tình cảnh với cô Tùy, cô giáo Đỗ Thị Lan (giáo viên đã nghỉ hưu) cho biết, cô về hưu từ năm 2011 đến nay đã gần 10 năm nhưng không nhận được phụ cấp thâm niên.

“Theo quy định thì nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Chúng tôi là những giáo viên đã có 20-30 năm đứng lớp, vậy tại sao lại không được nhận khoản phụ cấp này?”, cô Lan bức xúc.

Cũng theo cô Lan, khi các cô trình bày vấn đề trên với Bảo hiểm xã hội Quảng Nam thì nhận được câu trả lời là do các cô không giảng dạy ở trường công lập nên không được nhận phụ cấp thâm niên.

Tuy nhiên, cô Lan nói quyết định số 52/2013/QĐ-TTg quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên lương hưu thì các cô đều đạt yêu cầu để nhận phụ cấp.

Ngành giáo dục phải kiến nghị

Theo thông báo giải quyết của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam thì lý do cô Tùy và cô Lan không được nhận phụ cấp thâm niên là vì các cô giảng dạy ở trường bán công.

Hàng chục giáo viên nghỉ hưu ở Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu cũng chưa thể nhận phụ cấp thâm niên. Ảnh: TB
Hàng chục giáo viên nghỉ hưu ở Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu cũng chưa thể nhận phụ cấp thâm niên. Ảnh: TB

Trong khi quyết định số 52/2013/QĐ-TTg chỉ quy định đối với nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập. 

Theo tìm hiểu thì Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu (nơi cô Lan và cô Tùy công tác) vốn là trường công lập. Năm 1993, trường này chuyển sang hệ bán công. Nhưng đến năm 2010, trường này lại chuyển về hệ công lập như trước đây.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Phòng chế độ (Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam) cho biết, khi xét chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo nghỉ hưu thì căn cứ theo quyết định số 52.

Có gì mới trong hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp, thâm niên nhà giáo 2019?

Trong đó có nêu rõ đối tượng áp dụng là nhà giáo nghỉ hưu khi đang giảng dạy tại các cơ sở công lập. Do đó, khi cô Lan và cô Tùy nghỉ hưu thì Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu là cơ sở giáo dục hệ bán công.

“Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc giải quyết phụ cấp thâm niên cho các giáo viên tại thời điểm nghỉ hưu giảng dạy ở các trường công lập nhưng trước đó có thời gian công tác ở trường bán công, hoặc tại thời điểm nghỉ hưu giảng dạy ở trường bán công.

Nên đối với vấn đề này thì sở Giáo dục và Đào tạo nên có kiến nghị với các Bộ, ngành để có phương án xử lý. Còn cơ quan bảo hiểm chỉ là đơn vị thực thi”, ông Hùng nói.

Phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận đây là vấn đề mà pháp luật chưa quy định rõ ràng.

Sự nhập nhằng giữa hệ bán công và công lập đã không được các văn bản luật đề cập đến. “Chúng tôi sẽ có kiến nghị cụ thể để giải quyết vướng mắc này”, đại diện Sở Giáo dục Quảng Nam cho hay.

Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam thì vẫn còn hàng chục trường hợp như cô Lan, cô Tùy bị vướng mắc, chưa thể giải quyết phụ cấp thâm niên.

NGUYỄN THÀNH TRUNG