Mời giáo viên góp ý sách giáo khoa cần có thù lao và ràng buộc trách nhiệm

07/12/2020 06:10
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi đã cột trách nhiệm vào từng cá nhân, khi có chế độ ưu đãi kịp thời chắc chắn các thầy cô giáo sẽ làm việc một cách nghiêm túc và làm hết sức mình.

Để thực hiện việc góp ý sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 hiệu quả, phải làm thế nào?

Trong suốt thời gian vừa qua, khi xảy ra việc phát hiện về “sạn” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 nhiều người đã thắc mắc và đặt câu hỏi rằng tại sao không thấy giáo viên lên tiếng? Và vì sao những hạt “sạn” được vạch ra chủ yếu nhờ dư luận chứ không phải từ giáo viên (những người đã bình chọn sách và đang trực tiếp giảng dạy chương trình lớp 1)?

Ảnh minh họa: Thùy LinhẢnh minh họa: Thùy Linh

Nghiên cứu sách hời hợt, góp ý như cưỡi ngựa xem hoa

Thực tế công tác lựa chọn sách giáo khoa ở địa phương nơi người viết công tác cho thấy, chỉ trong một buổi sáng (từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ) giáo viên phải chia nhau đọc cả 5 bộ sách. Người đông, sách ít nên 5 bộ sách được chia về cho 5 nhóm.

Không phải giáo viên nào cũng cẩn thận đọc, nghiền ngẫm, người tỏ thái độ bàng quan, mặc kệ, người không chịu đọc, nghiên cứu, người làm hời hợt cho qua. Người lại nhờ “anh google” cứu trợ, người nhờ những đồng nghiệp trường khác cho copy những ý kiến góp ý của họ trước đó.

Và gần như những cuốn sách chỉ được lật mở qua loa rồi đưa ra một số nhận xét chung chung dễ nhìn nhất như về kênh hình, kênh chữ. Tổ này, trao đổi kết quả góp ý của mình cho tổ kia và cứ thế xoay vòng mỗi tổ đều có đủ góp ý của cả 5 bộ sách.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng góp ý cho có thế này?

Thứ nhất, phải thừa nhận ngay rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ giáo viên khả năng thẩm thấu tác phẩm còn hạn chế nên có đọc văn bản đến vài ba lần cũng không thấy “sạn” đâu mà góp ý.

Ngay đến tận bây giờ, khi mà những hạt “sạn” đã được dư luận chỉ ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1, chủ biên bộ sách Cánh Diều cùng các tác giả cũng đã thừa nhận sai sót và có hướng chỉnh sửa nhưng một số lãnh đạo quản lý, cán bộ phòng giáo dục và đồng nghiệp của chúng tôi vẫn nói rằng bộ sách tuy có sai sót nhưng không nhiều như dư luận phản ánh.

Thứ hai, xưa nay những ý kiến góp ý về các văn bản, các thông tư, ai góp ý sao cũng được mà không góp ý cụ thể chỉ ghi theo kiểu đồng ý, thống nhất…rồi cũng xong.

Chưa bao giờ có được sự động viên, ghi nhận hay tuyên dương những ý kiến góp ý hay, có sự đầu tư nghiên cứu kỹ càng. Bởi thế, người biết đôi khi không muốn nói mà người muốn nói lại không biết nói gì…tất cả rồi cũng xong nên nhiều thầy cô cũng không mặn mà với việc góp ý.

Thứ ba, phần đông giáo viên đã được hình thành thói quen thờ ơ với việc góp ý do thường hay được cấp trên nhắc nhở không bàn luận hoặc chia sẻ những bài viết về giáo dục. Nhiều thầy cô giáo xác định công việc của mình là giảng dạy nên lo dạy tốt là đủ, không quan tâm bất cứ công việc gì khác.

Để thực hiện việc góp ý sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 hiệu quả, phải làm thế nào?

Giáo viên hiện đang đi dạy cả ngày, thứ 7 còn phải lên tiết dự giờ, đi họp chuyên môn, tối đến còn soạn bài, làm hồ sơ sổ sách, rồi lo cơm áo gạo tiền thì chắc chắn không có đủ thời gian chú tâm vào đọc sách, nghiên cứu để tìm ra “sạn” trong thời gian này.

Nếu buộc các thầy cô giáo phải góp ý, chắc chắn sẽ không tránh khỏi kiểu góp ý qua loa, cho có như đã từng góp ý cho sách giáo khoa lớp 1 vừa qua.

Để thật sự có những góp ý hay, thiết thực chúng tôi xin được đề xuất những giải pháp sau:

Thứ nhất, mỗi địa phương sẽ thành lập một Hội đồng chuyên môn để nghiên cứu, góp ý sách giáo khoa. Mỗi trường sẽcử một số giáo viên nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc, có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực để tham gia.

Thứ hai, trong thời gian tham gia góp ý sách giáo khoa, những giáo viên này sẽ không phải đến trường thực hiện công tác giảng dạy. Những tiết dạy của các giáo viên đồng nghiệp đảm nhận nhưng sẽ được tính tiền dạy tăng tiết.

Giáo viên tham gia góp ý không phải đến trường thì dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu sách để góp ý cũng là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện.

Những ngày nghiên cứu sách để góp ý, ngoài việc được trả lương bình thường còn phải có chế độ bồi dưỡng xứng đáng.

Thứ ba, mỗi thành viên phải có trách nhiệm với những góp ý của mình và chịu trách nhiệm trước Hội đồng chuyên môn. Và, mỗi Hội đồng chuyên môn ở từng địa phương phải chịu trách nhiệm cuối cùng về nội dung mình đã góp ý.

Cần phải thống nhất một quy tắc, nếu sau này những bộ sách đã được góp ý mà có vấn đề “sạn” xảy ra như sách lớp 1 thì cùng với Hội đồng thẩm định quốc gia, tác giả biên soạn sách và Hội đồng chuyên môn ở từng địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Khi đã cột trách nhiệm vào từng cá nhân, khi có chế độ ưu đãi kịp thời chắc chắn các thầy cô giáo sẽ làm việc một cách nghiêm túc và làm hết sức mình.

Đỗ Quyên