Môn Công nghệ đứng ở đâu trong giáo dục STEM ở chương trình mới?

26/07/2017 07:31
Thùy Linh
(GDVN) - Chủ biên chương trình môn Công nghệ khuyến nghị, về cơ sở vật chất cần có phòng học bộ môn, hình thành hệ thống các không gian sáng chế (Makerspaces)...

Định hướng giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Thời gian gần đây, thuật ngữ STEM, giáo dục STEM được nhắc tới nhiều, không chỉ bởi các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục, mà còn có cả các chính trị gia, lãnh đạo các tập đoàn công nghệ toàn cầu. 

Điều này cho thấy vai trò và ý nghĩa quan trọng của giáo dục STEM. Việc khuyến khích, thúc đẩy giáo dục STEM tại mỗi quốc gia đều hướng tới mục đích phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. 

Nhờ vậy mà nâng cao được sức cạnh tranh của nền kinh tế của quốc gia đó trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, mà đang hiện hữu là cuộc cách mạng 4.0.

Đặc biệt, ngày 4 tháng 5 năm 2017 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại Việt Nam. 

Một trong các giải pháp là: “Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trình giáo dục phổ thông…”. 

Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 – 2018…”. 

Toàn cảnh hội nghị “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới” (Ảnh: Thùy Linh)
Toàn cảnh hội nghị “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới” (Ảnh: Thùy Linh)

Với việc ban hành Chỉ thị trên, Việt Nam chính thức ban hành chính sách thúc đẩy giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông. Điều này sẽ tác động lớn tới việc định hình chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với tầm quan trọng như vậy, nhiều người không khỏi băn khoăn rằng, giáo dục STEM được quan tâm thích đáng trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào?

Ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ngân hàng thế giới (The World Bank) đã tổ chức hội thảo “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới” để nêu cụ thể những định hướng này. 

Tại đây, Phó giáo sư Lê Huy Hoàng – thành viên Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đồng thời là Chủ biên chương trình môn Công nghệ cho hay: 

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, giáo dục STEM đã được chú trọng thông qua các biểu hiện:

Môn Công nghệ đứng ở đâu trong giáo dục STEM ở chương trình mới? ảnh 2

STEM là gì và cha mẹ cần chuẩn bị gì cho con cái ở từng giai đoạn phát triển?

- Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ các môn học STEM. Đó là các môn Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học;

- Vị trí, vai trò của giáo dục tin học và giáo dục công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được nâng cao rõ rệt.

Điều này không chỉ thể hiện rõ tư tưởng giáo dục STEM mà còn là sự điều chỉnh kịp thời của giáo dục phổ thông trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;

- Có các chủ đề STEM trong chương trình môn học tích hợp ở giai đoạn giáo dục cơ bản như các môn Tự nhiên và Xã hội, Khoa học, Tin học và Công nghệ (ở tiểu học), môn Khoa học tự nhiên (ở trung học cơ sở);

- Định hướng đổi mới phương pháp giáo dục nêu trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể phù hợp với giáo dục STEM ở cấp độ dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn, vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn; 

- Các chuyên đề dạy học về giáo dục STEM ở lớp 11, 12; các hoạt động trải nghiệm dưới hình thức câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, trong đó có các hoạt động nghiên cứu STEM;

- Tính mở của chương trình cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua chương trình địa phương, kế hoạch giáo dục nhà trường; qua những chương trình, hoạt động STEM được triển khai, tổ chức thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục.   

Còn riêng đối với môn Công nghệ, vị Chủ biên chương trình môn này nêu cụ thể: 

Cơ hội giáo dục STEM trong chương trình giáo dục Công nghệ:

- Môn Công nghệ phản ánh T (technology) và E (engineering) trong STEM;

- Công nghệ mang tính tích hợp, gắn với thực tiễn, liên hệ chặt chẽ với Toán học, Khoa học;

- Đặc thù của Kỹ thuật, Công nghệ là hoạt động thiết kế (Design), giải quyết vấn đề, sáng tạo;

- Môn Công nghệ có lợi thế trong giáo dục hướng nghiệp, trong đó có định hướng nghề STEMs;

- Dạy học Công nghệ quan tâm định hướng hành động, thực hành, sản phẩm;

Cùng với đó, ông Hoàng cũng khẳng định, giáo dục STEM trong chương trình giáo dục Công nghệ theo định hướng như sau:

- Mục tiêu: Xây dựng chương trình giáo dục Công nghệ định hướng STEM;

- Nội dung: Xây dựng các chủ đề STEM trong:

+ Mạch Thủ công kỹ thuật (Tiểu học);

+ Mạch Thiết kế kỹ thuật (Trung học cơ sở);

+ Mô đun tự chọn (lớp 9);

+ Mạch Thiết kế và công nghệ (Trung học phổ thông);

+ Cụm chuyên đề học tập tích hợp (HPT);

- Phương pháp: tích hợp, định hướng hành động, sản phẩm;

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả được những điều này, Chủ biên chương trình môn Công nghệ khuyến nghị, về cơ sở vật chất cần có phòng học bộ môn, hình thành hệ thống các không gian sáng chế (Makerspaces); 

Còn về con người thì trước hết phải chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy công nghệ; Kết nối các nhà khoa học ở các trường Đại học, Cao đẳng với các hoạt động giáo dục STEM ở trường phổ thông. 

STEM là thuật ngữ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kĩ thuật) và Mathematics (Toán học); là thuật ngữ rút gọn được sử dụng khi bàn đến các chính sách phát triển về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học của Mỹ. Thuật ngữ này lần đầu tiên được giới thiệu bởi Quỹ Khoa học Mỹ (NSF) vào năm 2001.

Thùy Linh