Một số kinh nghiệm dạy và học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19

13/02/2020 06:40
Phương Vi
(GDVN) - Việc nghỉ học dài trong mùa dich Covid-19 đang đặt ra cho các trường nhiều vấn đề, trong đó chuẩn bị cho học sinh kiến thức trong thời gian nghỉ.

LTS: Từ thực tế cho thấy, việc cho học sinh nghỉ học là việc cấp thiết. Tuy nhiên sẽ có nhiều vấn đề kéo theo như: Phụ huynh sẽ phải sắp xếp công việc để trông con, các em học sinh nghỉ học ở nhà sẽ quên kiến thức, mải chơi, quen với việc nghỉ mà quên đi nhiệm vụ học tập, thầy cô ngoài việc dọn dẹp, vệ sinh trường lớp sẽ nhớ bài giảng, đâu đó sẽ có những thầy, cô quên kiến thức…Với kinh nghiệm của mình cô giáo Phương Vi - Giảng viên Đại học Khoa học Thái Nguyên chia sẻ một số kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả

Với mục đích để các em học sinh không bị gián đoạn kiến thức, các thầy cô tiếp tục nhiệt huyết với nghề và các bậc phụ huynh yên tâm về con cái, dạy học trực tuyến trong những ngày nghỉ học được coi là giải pháp tối ưu khi đối phó với bệnh dịch.

Dạy học trực tuyến cũng đòi hỏi phải đặt ra những yêu cầu như:

Thứ nhất, cần phải có thiết bị dạy học đối với giáo viên, thiết bị tương tác đối với phụ huynh, học sinh và được kết nối mạng internet.

Thứ hai, các thầy cô cần nghiên cứu nội dung bài học thật kĩ để lựa chọn phần kiến thức trọng tâm.

Thứ ba, các thầy cô cần dành thời gian tương tác với học sinh mọi lúc, mọi nơi, công suất làm việc gấp nhiều lần bình thường, giáo viên chấm, trả bài kịp thời (bởi nếu giáo viên dạy nhiều nhiều lớp sẽ có nhiều học sinh gửi bài, hỏi bài).

Thứ tư, các bậc phụ huynh cần đăng kí sử dụng một trong số các tài khoản sau: zalo, facebook, intagram, biết truy cập youtube và biết truy cập mạng.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành thực hiện dạy học và tương tác với học sinh bằng hình thức online. Ảnh: Laodong.vn
Giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành thực hiện dạy học và tương tác với học sinh bằng hình thức online. Ảnh: Laodong.vn

Trước hết, Ban Giám hiệu nhà trường cần chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp thống kê số phụ huynh học sinh sử dụng điện thoại thông minh, ipad, máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay hay những thiết bị có thể kết nối mạng internet. Trước đó, mỗi lớp đã có forum riêng của mình (nhóm zalo) vì vậy việc thống kê này hết sức đơn giản.

Giáo viên chủ nhiệm sẽ dựa vào số phụ huynh đã xem tin nhắn để thống kê. Nếu phụ huynh dùng zalo nhưng không dùng facebook hoặc ngược lại.

Vì vậy nhà trường quyết định sẽ đăng tải video bài giảng trên mọi kênh mạng xã hội như: nhóm zalo lớp, messenger facebook, youtube, fanpage trường, web trường. Nhà trường tận dụng đa dạng các cách tiếp cận học sinh, phụ huynh học sinh để có thể truyền tải video bài giảng.

Hải Phòng tăng cường công nghệ thông tin để quản lý và dạy học qua mạng
Hải Phòng tăng cường công nghệ thông tin để quản lý và dạy học qua mạng

Đồng thời, Ban Giám hiệu trường cần họp hội đồng đào tạo (hoặc hội đồng sư phạm) của trường để quán triệt mục đích của việc dạy học trực tuyến.

Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục trong thời gian học sinh nghỉ học phòng, chống dịch.

Đa dạng hóa, tăng cường tổ chức các hình thức dạy học trực tuyến của giáo viên trên nền tảng công nghệ thông tin.

Để phát triển tối đa khả năng tự học của học sinh thì quá trình hướng dẫn tự học phải thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đánh giá của giáo viên và phụ huynh học sinh.

Nội dung các nhiệm vụ được giao cho học sinh phải đảm bảo tính vừa sức,không mang tính hình thức, bài giảng có thể mang tính chất “học mà chơi, chơi mà học” giữa cô và trò nhưng mang hàm lượng kiến thức cao.

Bên cạnh đó, các nhà trường tiến hành nhìn nhận, chỉ ra những thuận lợi và khó khăn của từng lớp trong việc thực hiện dạy học trực tuyến và tìm ra phương hướng giải quyết.  Cần có phân công cụ thể công việc đối với từng bộ phận. Chẳng hạn:

Ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên cập nhật thông tin, các văn bản chỉ đạo của cấp trên để chỉ đạo kịp thời các bộ phận các tổ chuyên môn trong nhà trường; Lập kế hoạch chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đến các tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường; Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các tổ chuyên môn, các bộ phận, các cá nhân trong nhà trường và có rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời.

Các Tổ/ Khoa chuyên môn cần phân công các giáo viên bộ môn xây dựng bài giảng qua video; Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, sáng tạo trong mỗi video giảng bài; Kiểm duyệt các video bài giảng của giáo viên bộ môn; Theo dõi, kiểm tra, đánh gia quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.

Giáo viên chủ nhiệm phải rà soát và đảm bảo kết nối với 100% phụ huynh, học sinh và các giáo viên bộ máy trong lớp chủ nhiệm; Nhận bài giảng video từ các giáo viên bộ môn, gửi vào forum của lớp; Nhận các phản hồi, kết quả học tập của học sinh; Thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con em.

Giáo viên bộ môn cần đảm bảo những kiến thức trọng tâm của bài dạy để truyền đạt đến học sinh; Chuẩn bị và thực hiện các video bài giảng theo đúng chuẩn kiến thức kĩ năng;

Lựa chọn những hình thức giảng dạy, tương tác để thu hút học sinh hào hứng tham gia học tập; Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; Phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình học tập của các em.

Khi tạo liên kết và sự tương tác trực tiếp, thường xuyên giữa giáo viên với học sinh, học sinh và học sinh trong cùng thời điểm (qua ứng dụng skype online, messeger, wechat..) thì việc đảm bảo tiến độ thực hiện khung chương trình đào tạo theo kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 sẽ diễn ra như dự định.       

Phương Vi