Một tỉnh chọn một số môn của cùng một nhà xuất bản là hoàn toàn dễ hiểu!

31/05/2020 06:33
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc địa phương lựa chọn một số môn hay một nhóm môn của một nhà xuất bản trên một địa phương cùng với một điều kiện thì hoàn toàn dễ hiểu.

Trước thông tin một số địa phương các trường lựa chọn duy nhất 1 bộ sách A hoặc B ở từng môn học, về vấn đề này, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

Về mặt chuyên môn chúng ta phải thấy cả 5 bộ sách ở 46 đầu sách đều được Hội đồng quốc gia thẩm định về mặt chuyên môn, đều đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chuẩn đầu ra đối với từng môn học của lớp 1 và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Như vậy, việc hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thực hiện theo thông tư 01 ở một số nhà trường dựa phân tích cách tiếp cận sách giáo khoa của từng tác giả, điều kiện thực hiện, điều kiện địa lý tự nhiên của trường và điều kiện người học để chọn 1 bộ sách phù hợp nhất…

Do đó, việc địa phương lựa chọn một số môn hay một nhóm môn của một nhà xuất bản trên một địa phương cùng với một điều kiện thì hoàn toàn dễ hiểu.

Chúng ta phải tôn trọng kết quả lựa chọn của giáo viên, tôn trọng sinh hoạt chuyên môn của chính trường đó và kết quả lựa chọn.

“Nên ghi nhận đó là một sản phẩm được các thầy cô thực hiện đúng theo quy trình”, ông Tài nói.

Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (nguồn ảnh: NXBGDVN)

Bộ sách Cùng học để phát triển năng lực của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam (nguồn ảnh: NXBGDVN)

Thời gian qua, nhiều ý kiến dị nghị khi bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn bởi Nhà xuất bản đã chi trả thù lao cho một số lãnh đạo Sở và lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn của Sở này thì Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học cho rằng:

“Trong 5 bộ sách giáo khoa được thẩm định lần này chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội hiếm của nhóm tác giả phía Nam tham gia biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.

Khi các nhóm tác giả ở miền Nam tham gia biên soạn sách giáo khoa thì có thể nhận thấy rất nhiều phương ngữ, dữ liệu đưa vào sách giáo khoa mang tính đặc trưng của vùng miền.

Ví dụ như sách Tiếng Việt lớp 1, có thể dùng từ ba má thay cho bố mẹ; dùng từ “ghe thuyền”… Các phương ngữ này rất gần gũi học sinh lứa tuổi học sinh Tiểu học .

Nhóm tác giả phía Nam nghiên cứu chương trình, biên soạn sách giáo khoa đang hướng đến một đối tượng khá đặc trưng cho vùng miền đấy.

Khi giáo viên tham gia lựa chọn sách giáo khoa, các bộ sách đã đáp ứng đúng chương trình của hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định rồi thì việc sách gần gũi với địa phương của họ thì việc lựa chọn là hoàn toàn dễ hiểu.

Chúng ta phải tôn trọng ý kiến, kết quả lựa chọn sách giáo khoa ở vùng miền đó.

Chúng ta phải công bằng khi phán xét một vấn đề, cần tìm hiểu quy trình có sai không? Có chỉ đạo gì sai không?

Khi kết quả làm đúng, quy trình làm đúng, không có chỉ đạo sai thì chúng ta phải tôn trọng quyền lựa chọn của giáo viên và phải ghi nhận quyền này.

Chúng ta phải tìm hiểu kĩ những điều đó và không nên có suy diễn làm tổn thương đến thầy cô trong lao động vất vả này”.

Để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Tài thông tin, trong thời gian tới, có 2 nội dung trọng tâm Bộ sẽ chỉ đạo sát sao.

Thứ nhất, các địa phương và nhà xuất bản phải làm việc với nhau để xây dựng và tổ chức thực hiện việc tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên lớp 1, đảm bảo kịp thời, đầy đủ, nghiêm túc. 100% giáo viên lớp 1 phải được hoàn thành tập huấn trước năm học mới.

Việc cung ứng sách giáo khoa có những khó khăn và thuận lợi riêng, song phải gấp rút thực hiện từ nay đến 30/7 và chậm nhất 15/8.

Tuy nhiên, các địa phương cũng phải có những cam kết vì trên một địa bàn có nhiều sách giáo khoa được lựa chọn thì việc cung ứng cần được đảm bảo chi tiết tuyệt đối đến từng đối tượng, đầu sách để đảm bảo được tiến độ về mặt thời gian theo đúng quy định năm học.

Vấn đề thứ hai đó là trách nhiệm của địa phương đối với việc bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 1 tìm hiểu về chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong thời gian nghỉ dịch vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với tập đoàn Viettel để cung cấp tài khoản và miễn phí đường truyền cho 100% giáo viên dự kiến dạy lớp 1 sang năm.

Hiện nay trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Viettel địa phương lên một kế hoạch chi tiết cấp tài khoản hỗ trợ giáo viên dạy lớp 1 sang năm gấp rút hoàn thiện bồi dưỡng tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông 2018 trước 30/7 bằng hình thức trực tuyến.

Lưu ý, 5 lực lượng sẽ tham gia vào công việc này gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ công; Viettel cam kết đường truyền miễn phí cho đối tượng giáo viên lớp 1; giáo viên cốt cán đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn trong thời gian vừa qua;

Giảng viên đến từ các trường Sư phạm tham gia chương trình ETEP được phân vùng hỗ trợ cho từng địa phương;

Phòng Giáo dục và Đào tạo các trường Tiểu học lên kế hoạch chi tiết giám sát để tổ chức thực hiện bồi dưỡng này một cách kịp thời, chất lượng và đúng với thời gian quy định của Bộ.

Linh Hương