Muốn dạy trực tuyến hiệu quả, thầy cô nên thử những cách này

30/09/2021 06:48
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong bài viết này, xin được chia sẻ giải pháp tổ chức dạy trực tuyến khá hay, có hiệu quả khá tốt ở nơi người viết công tác để mọi người tham khảo và áp dụng.

Do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ nên ngành giáo dục chuẩn bị sẵn sàng, linh hoạt cả 2 phương án cả gián tiếp (trực tuyến / truyền hình) và trực tiếp để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa hoàn thành chương trình, nhiệm vụ năm học, thực hiện phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Tình hình hiện nay, ma trận phần mềm, ma trận cách tổ chức dạy trực tuyến mỗi nơi một kiểu khác nhau khiến giáo viên, học sinh vô cùng rối rắm, khó thực hiện tốt.

Trong bài viết này, xin được chia sẻ giải pháp tổ chức dạy trực tuyến khá hay, có hiệu quả khá tốt ở nơi người viết công tác để mọi người tham khảo và có thể áp dụng để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả.

Về phần mềm, phân công giảng dạy

Hiện nay, có nhiều phần mềm để phục vụ giảng dạy trực tuyến được triển khai mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy như TranS, TeamLink, Microsoft Teams, Facebook Workplace, Skype, Zoom, Google meet, K12 online (Viettel), VNPT,…

Mỗi phần mềm đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

Tôi thấy ở trường tôi đang công tác triển khai việc dạy trực tuyến đã 3 tuần nhưng hiệu quả khá ổn, đường truyền tốt, không bị thoát ra trong quá trình giảng dạy và kiểm diện học sinh khá tốt. Xin được chia sẻ cách thực hiện ở trường tôi để mọi người tham khảo.

Về phần mềm: Sử dụng phần mềm VNPT ở địa chỉ tendonvi.lms.vnedu.vn, ưu điểm là sử dụng phần mềm Vnedu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, có thể dễ dàng kiểm diện, điểm danh học sinh trên phần mềm, giáo viên không cần kiểm diện học sinh, học sinh vắng sẽ tự động cập nhật vào phần mềm, việc cho điểm, báo cáo,… vô cùng thuận tiện.

Ảnh chụp màn hình nền tảng học và thi trực tuyến lms.vnedu.vn

Ảnh chụp màn hình nền tảng học và thi trực tuyến

lms.vnedu.vn

Về tạo phòng học trực tuyến thì liên kết với Google meet cũng thuận lợi, không giới hạn thời gian, không bị out trong quá trình dạy và học.

Về bố trí phòng học: Ở đơn vị tôi công tác, dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng và nhân viên công nghệ thông tin thì việc sắp xếp, bố trí việc dạy online như sau:

Quản trị mạng của trường sẽ đặt tạo 1 đường link phòng học online cả trường trên Google meet (việc tạo khá đơn giản, chỉ cần có tài khoản Gmail – chọn Google meet – tạo phòng học online – lưu lại và sao chép đường link đó). Lưu ý đường link duy nhất này thực hiện cho cả trường, không cần phải tạo nhiều phòng học phức tạp.

Mỗi lớp là 1 phòng học, đơn vị tôi có 20 lớp thì chỉ tạo 20 phòng, cách đặt tên phòng học online như tên lớp như Phòng học online 6/1; Phòng học online 6/2;… và liên kết với địa chỉ link phòng học Google meet vừa tạo trên.

Cách thực hiện cũng khá đơn giản chỉ cần vào trang web ….lms.edu.vn, tạo 20 phòng học xong, tạo phòng học ảo, chọn liên kết và sao chép đường link Google meet vào, việc này do quản trị viên phụ trách công nghệ thông tin trường thực hiện dễ dàng, nên người viết xin không trình bày chi tiết.

Sau đó, tại phòng học của mỗi lớp ví dụ lớp 6/1, nhân viên quản trị sẽ cấp quyền cho học sinh lớp 6/1 và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn vào phòng học đó.

Việc dạy thực hiện theo thời khóa biểu, mỗi ngày học sinh mở phần mềm Vnedu và tài khoản (giáo viên chủ nhiệm nhận từ quản trị viên và cung cấp cho học sinh), chỉ cần có tài khoản gmail bất kỳ vào phòng lớp học trên, giáo viên tới tiết dạy thì vào phòng học trên, học sinh chỉ ở một phòng duy nhất, chỉ có hết tiết giáo viên thoát ra và giáo viên khác vào dạy.

Việc này giống như học sinh ở lại lớp, hết tiết giáo viên vào dạy, không có bất tiện, không có việc học sinh phải "chạy" từ phòng này sang phòng khác, mỗi ngày 5 tiết phải "chạy" 5 phòng, giáo viên chỉ việc vào phòng học là học sinh đợi sẵn và chỉ việc dạy.

Thực hiện việc này quá tiện lợi cả cho giáo viên và học sinh, giáo viên không cần tạo phòng, hướng dẫn học sinh vào phòng học cũng hết sức đơn giản.

Hiện nay, tại một số đơn vị dạy rất nhiều phần mềm, nhiều giáo viên mỗi phòng khác nhau, phần mềm khác nhau dẫn đến rối loạn cho giáo viên và học sinh.

Tôi thấy, cách này quá tốt, quá hay nên xin chia sẻ cho mọi người tham khảo, nếu có thể áp dụng ở đơn vị mình thì rất tốt.

Trên phần mềm VNPT có thể liên kết với các phần mềm Zoom, Microsoft Teams, Webex, Google meet.

Tuy nhiên, khi thực hiện giảng dạy khi liên kết với Google meet thì ổn hơn, nếu sử dụng phần mềm Zoom thì phải đăng ký bản quyền Zoom không giới hạn thời gian nếu không 40 phút phải thoát ra và phải vào lại hơi bất tiện.

Linh hoạt cho học sinh học online theo nhóm

Như đã trình bày hiện nay, dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể hôm nay vùng xanh thì các em được đi học trực tiếp, nhưng khi có ca bệnh phát sinh thì không thể dừng việc học mà chuyển sang dạy trực tuyến, do đó 2 giải pháp này phải kết hợp linh hoạt.

Để dạy hiệu quả thì nên có sự chuẩn bị, đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, chuẩn bị tốt mọi tình huống.

Để khắc phục tình trạng thiếu máy tính, điện thoại để học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em được học.

Các địa phương cũng phải khắc phục khó khăn để các em được học, khi đó nếu địa phương dạy trực tuyến thì khu vực nào ở vùng xanh có thể cho các em học theo nhóm, vài em học sinh học chung một laptop hoặc điện thoại, hoặc các em ở gần trường nếu không bị phong tỏa thì có thể vào trường học, khi đó máy tính kết nối Internet, màn hình tivi,… không gian rộng rãi, màn hình lớn, học sinh học nhóm sẽ hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau để các em cùng tiến bộ,… sẽ khắc phục được tình trạng học sinh không có dụng cụ, phương tiện học tập.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA