Nếu không tạo cho trẻ mầm non sự hứng thú, trẻ sẽ sợ đến trường

25/11/2020 06:08
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu trước đây, hành lang chỉ là hành lang thì giờ đây hành lang trở thành con đường sỏi. Từ con đường ấy giúp trẻ trải nghiệm được nhiều giác quan, trải nghiệm.

Sau 5 năm, toàn quốc có 18.970/31.375 cơ sở giáo dục mầm non triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Nguyễn Bá Minh thông tin, chuyên đề này nhằm tạo ra 3 chuyển biến căn bản đối với giáo dục mầm non: Xây dựng môi trường giáo dục học mà chơi; Tạo sự chuyển biến trong năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý trong đổi mới giáo dục và chăm sóc trẻ; Tạo sự chuyển biến trong sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em mầm non.

Hội thảo đã tổng kết đã đánh giá những nội dung của chuyên đề“ xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm” trong các sở giáo dục mầm non theo kế hoạch 739/ KH- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuộc thi đã tạo nên những thay đổi cơ bản về nhận thức của cán bộ quản lý và giáo viên, cộng đồng và đặc biệt là cha mẹ trẻ em về vai trò của môi trường giáo dục từ cảnh quan bên ngoài đến bên trong lớp học, tạo hứng khởi cho cả cô và trẻ mỗi ngày đến trường và hơn nữa còn tạo được sự tin tưởng của gia đình và cộng đồng đối với giáo dục mầm non.

Trong số đó, trường Mầm non đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) là 1 trong các trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao trong quá trình thực hiện chuyên đề này, Trường đã được đón tiếp các đoàn các cơ sở giáo dục mầm non 63 tỉnh thành về thăm quan học tập.

Và đây cũng là một trong 5 trường mầm non đại diện cho cấp học mầm non của Hà Nội vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức chuyên đề” Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm”giai đoạn 2016-2020.

Cô Trần Thị Phương Dung - Hiệu trưởng trường Mầm non đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) (ảnh: Huyền Linh)

Cô Trần Thị Phương Dung - Hiệu trưởng trường Mầm non đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) (ảnh: Huyền Linh)

Chia sẻ với phóng viên, cô Trần Thị Phương Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non đô thị Sài Đồng cbo biết, trường thành lập từ năm 2013, tổng diện tích khoảng 3.700m2 với 12 lớp và 43 thầy cô. Sĩ số từ 12-15 trẻ lớp nhỏ, lớp lớn tối đa 25 trẻ.

Trước khi triển khai chuyên đề, trường và các cô giáo đã áp dụng quan điểm lấy trẻ làm trung tâm trong xây dựng môi trường giáo dục và chăm sóc. Nhưng từ khi bắt đầu triển khai chuyên đề này, trường chính thức xây dựng chương trình lấy trẻ làm trung tâm theo chương trình khung của Bộ.

Với bộ tiêu chí cụ thể, rõ ràng cùng các bộ công cụ, các cô giáo mầm non cũng như cán bộ quản lý thực hiện khoa học, đồng bộ, hiệu quả, rõ nét hơn.

Ví dụ, đối với tiêu chí xây dựng môi trường trong lớp học và ngoài lớp học, các cô giáo luôn xây dựng môi trường mở, tạo không gian cho trẻ tự học tập, khám phá, trải nghiệm về môi trường xung quanh.

Đối với nhà trường, trường quan tâm nhất là xây dựng môi trường và phương pháp dạy tiếp cận cá nhân và các nhóm nhỏ. Đây là một trong những nội dung đạt kết quả cao nhất. Mỗi trẻ có nhận thức, đặc điểm, tâm sinh lý khác nhau, tiếp cận khác nhau trong từng lĩnh vực khác nhau, sự nổi trội cũng như yếu điểm khác nhau.

Vì vậy, khi lấy trẻ làm trung tâm, các cô giáo đã tiếp cận theo hướng các cháu cần những gì, khơi gợi cho trẻ trí tò mò, ham hiểu biết; đồng thời, các cô luôn là người đồng hành với học sinh.

Trường triển khai đồng bộ ngay từ giờ đón trẻ, đón trẻ tại cổng trường, tạo cho trẻ tâm thế hứng thú, sẵn sàng và tận dụng tối đa thời gian cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên, ánh sáng. Cô giáo đón trẻ ngoài cổng, sau đó đưa trẻ vào sân chơi. Trẻ có thể tham gia vào các hoạt động thể chất như cầu lông, bóng bàn, sân bóng đá mini. Trẻ cũng có thể vào thư viện đọc sách hay vẽ giữa không gian thiên nhiên.

Buổi sáng trẻ được vui chơi tự do ở các góc tự chọn thay vì ngồi im trong lớp. Các cô tận dụng tối đa mọi khoảng thời gian để trẻ được vui chơi. Các cô giáo sẽ đứng ở các điểm để giám sát, hỗ trợ nếu trẻ cần trong khoảng thời gian từ 7h30 – 8h15 hàng ngày.

Buổi sáng từ 7h30-8h15, khi được cô đón vào trường, trẻ có thể vào thư viện đọc sách hay vẽ giữa không gian thiên nhiên (ảnh: trường mầm non đô thị Sài Đồng)

Buổi sáng từ 7h30-8h15, khi được cô đón vào trường, trẻ có thể vào thư viện đọc sách hay vẽ giữa không gian thiên nhiên (ảnh: trường mầm non đô thị Sài Đồng)

Đặc biệt, môi trường ngoài lớp của Trường mầm non đô thị Sài Đồng được xây dựng đảm bảo an toàn, với sân chơi thể chất, sân chơi giao thông, bóng đá, các hoạt động khám phá như phòng sáng tạo, phòng nội trợ, góc âm nhạc, …

Vào đến trường là cảm nhận vui vẻ, trẻ được chơi theo hứng thú của mình ngay từ đầu. Sau đó, đến giờ thể dục, trẻ được tập thể dục theo nhạc ở các khu vực khác nhau, như sân chơi, sân cỏ,…

Với những hoạt động trải nghiệm khám phá, xây dựng môi trường mở, tận dụng tối đa không gian thiên nhiên. Hành lang trước đây chỉ là hành lang, đường đi chỉ là đường đi. Còn nay, theo bộ tiêu chí rõ ràng là 70% diện tích sân cỏ (thiên nhiên, nhân tạo), hạn chế tối đa sân bê tông.

Con đường hàng rào của nhà trường khoảng 10m được tận dụng để xây dựng khu trải nghiệm, không tốn kinh phí, nhưng lại là điểm nhấn của trường, giúp trẻ vui chơi thú vị, hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm đất, cát, nước,... Tại đây, các cô giáo mầm non đã thiết kế “con đường trải nghiệm”, zích zắc, nối liền bởi các đoạn đường nho nhỏ, con con, lát bằng cát, sỏi nhỏ, sỏi to, hộp sữa,…

Những đoạn đường khác nhau khiến trẻ thích thú, khám phá, trải nghiệm cảm giác khác nhau, từ trơn, nhẵn đến gồ ghề khi đi bằng đôi chân trần.

Bởi theo cô Hiệu trưởng: “Khi trẻ hứng thú mới học và đó là tiền đề quan trọng cho việc học trong những giai đoạn tiếp theo. Nếu không tạo cho trẻ sự hứng thú, trẻ sẽ sợ đến trường và không thể tiếp nhận bất cứ điều gì khác.

Nếu trẻ mầm non không thích thì sẽ khóc to ngay khi đến trường, lớp, không bao giờ nghĩ đến việc học tập, trải nghiệm nữa. Do đó việc xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm theo bộ tiêu chí, theo tôi, tâm đắc nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ trong và ngoài lớp học, đặc biệt là ngoài lớp".

Học sinh trường mầm non đô thị Sài Đồng tham dự hội thi mẹ duyên dáng con khoẻ ngoan (ảnh: trường mầm non đô thị Sài Đồng)

Học sinh trường mầm non đô thị Sài Đồng tham dự hội thi mẹ duyên dáng con khoẻ ngoan (ảnh: trường mầm non đô thị Sài Đồng)

Các cô giáo còn tạo những chậu gỗ, chậu nhựa nho nhỏ, cho các con trải nghiệm về các giác quan, vầy, nghịch một chút với sỏi, bùn, lá cây,… và lắng nghe các thanh âm của cuộc sống như tiếng chuông, tiếng nứa va vào nhau,…

Sau đó, các con có thể trải nghiệm khoa học vui như sự đổi màu của nước, thí nghiệm núi lửa,…

Tất cả việc xây dựng con đường này là chuẩn bị ban đầu, không quá vất vả, ngược lại khiến các cô rất vui và thực hiện bằng tình yêu trường, yêu trẻ.

Đây đều là những nguyên liệu rất rẻ mà đem lại hiệu quả giáo dục cao. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang triển khai mô hình “Đến thăm nhà bạn”, “Trẻ đi siêu thị”,… để dạy trẻ về mệnh giá tiền, khả năng giao tiếp,…

Học sinh tham gia các hoạt động tại trường (ảnh: trường mầm non đô thị Sài Đồng)

Học sinh tham gia các hoạt động tại trường (ảnh: trường mầm non đô thị Sài Đồng)

Cũng chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Thế Sơn – Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, cách đây 5 năm, ở đâu nhìn thấy trường mầm non với con mắt thương cảm, rằng: “Các thầy cô khổ quá, Trường mầm non lụp xụp quá” nhưng giờ đây, thay vì cảm xúc thương hại là sự thán phục.

Theo thầy Sơn, giáo dục mầm non truyền thống chúng ta đang vận hành theo phương thức là giáo dục áp đặt, tức phải “khoanh tay lên bàn, mắt nhìn lên bảng, nghe cô giáo giảng, ngoan thật là ngoan”nhưng giờ đây, cách thức làm giáo dục đã thay đổi.

Theo đó, trẻ được tăng cường các hoạt động trải nghiệm nhiều hơn. Trẻ được hoạt động, tương tác với đồ vật, đồ chơi nhiều hơn, được học, được lớn lên về thể chất và tình cảm xã hội, về nhận thức và về ngôn ngữ chứ không chỉ nghe cô giáo giảng để lớn lên.

Trong khi đó, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo Chí Linh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương chia sẻ, xác định đích đến của chuyên đề là trẻ, phòng chú trọng chỉ đạo các trường tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ trong trường mầm non.

Trong quá trình trẻ hoạt động, không nặng về hình thức sản phẩm của trẻ đẹp hay xấu, mà cần quan tâm xem trẻ có được hoạt động nhiều không, trẻ có vui vẻ, thoải mái, tự tin và hứng thú tham gia không,…, từ đó, giúp trẻ có thêm kiến thức, kỹ năng.

Thùy Linh