Năm 2020, 3 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong đó giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc đã được trao cho Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Ngành Vật lý.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu cho thấy hướng tiếp cận điện môi có thể xác định quãng đường tự do không đàn hồi của điện tử trong vật liệu với độ chính xác tương đương với các tính toán từ những nguyên lý đầu trong phép xấp xỉ GW của lý thuyết hệ nhiều hạt.
Hướng tiếp cận hiện tại là một lựa chọn khác cho việc tính toán thời gian sống của điện tử nóng, vốn là một đại lượng quan trọng trong động học điện tử siêu nhanh.
Trước vinh dự này, phóng viên Giáo dục Việt
Phóng viên: Động lực nào đưa thầy đến với con đường nghiên cứu khoa học và đặc biệt là chuyên ngành Vật lý mà thầy đang theo đuổi bây giờ?
Ngày nhỏ tôi có cơ hội được đọc nhiều sách báo khoa học nhờ có ba làm ở Thư viện Thành phố Nha Trang.
Tôi hay đọc các câu chuyện và tiểu sử các nhà khoa học; và đặc biệt ngưỡng mộ Marie Curie. Có lẽ vì vậy nên tôi đã đăng kí nguyện vọng thi đại học vào Ngành Vật lý dù hồi phổ thông tôi từng thích Toán hơn.
Từ đó đến nay, tôi vẫn theo đuổi Vật lý như là một lựa chọn tự nhiên của tuổi trẻ.
Là một nhà khoa học còn rất trẻ, thầy coi trọng điều gì nhất để truyền cảm hứng cho sinh viên?
Tôi nghĩ quan trọng nhất là đọc sách.
Tôi đến với Vật lý đầu tiên là qua sách báo khoa học. Khi đọc những câu chuyện và cuộc đời của các nhà khoa học, tôi cảm giác như bị hút vào thế giới của họ; có lẽ tôi đã hợp với thế giới đó chăng?!.
Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu (giữa) tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 (ảnh nhân vật cung cấp) |
Tôi nghĩ các bạn sinh viên nên dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, không nhất thiết là sách khoa học, có thể là các lĩnh vực khác, như văn học, nghệ thuật, …;.
Từ đọc sách, các bạn sẽ tìm thấy cảm hứng và chọn được lĩnh vực phù hợp với bản thân.
Từ thực tiễn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, theo thầy đâu là cách thức để tổ chức một nhóm nghiên cứu mạnh và bền vững?
Nhóm nghiên cứu có phát triển mạnh và bền vững hay không phần nhiều được quyết định bởi năng lực của trưởng nhóm trong việc định hướng nghiên cứu và tìm nguồn kinh phí; cũng như xây dựng tinh thần đoàn kết và thái độ làm việc của các thành viên.
Do đó, một nhóm nghiên cứu mạnh và bền vững phải được dẫn dắt bởi một nhà khoa học không những giỏi chuyên môn mà còn có khả năng thu hút tài trợ và tập hợp lực lượng nghiên cứu.
Điều đó cũng có nghĩa phải là người có khả năng quản lý và lãnh đạo. Khi đã có đầu đàn như vậy rồi, nhóm chỉ cần thời gian để khẳng định mình và phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng phát biểu, để đất nước phát triển, tranh thủ được những cơ hội mới thì không thể không tăng cường khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ cũng chính là con đường duy nhất để chúng ta tạo ra đột phá trong phát triển đất nước.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những người làm nghiên cứu khoa học thì thường nghèo, quan điểm của thầy về vấn đề này ra sao? Để có thể theo đuổi và gắn bó với con đường nghiên cứu khoa học, theo thầy điều gì là quan trọng nhất?
Cơm áo gạo tiền là vấn đề ai cũng phải đối mặt. Tuy nhiên, nghèo hay giàu còn tùy thuộc vào việc chúng ta đặt ngưỡng chữ “nghèo” hay ngưỡng chữ “giàu” ở mức độ nào?
Nhiều nhà khoa học mà tôi biết không hề có nhiều tiền, nhưng họ sống rất vui vẻ và yêu nghề. Làm khoa học thì không thể và không bao giờ có nhiều tiền như kinh doanh.
Ngoại trừ một số trường hợp may mắn không phải chịu gánh nặng kinh tế, đa phần những người làm nghiên cứu khoa học có cuộc sống không mấy dư dả.
Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu (ảnh nhân vật cung cấp) |
Để có thể chuyên tâm cho nghiên cứu, người làm khoa học cần có thu nhập đủ tốt, ít ra là lo được cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên, đã làm khoa học mà cứ lo nghĩ đến chuyện tiền bạn hay giàu nghèo thì không thể làm khoa học tốt. Người làm nghiên cứu phải đến với khoa học bằng cái TÂM của họ, thì mới có thể theo đuổi và gắn bó với nó.
Tiền hẳn nhiên quan trọng, nhưng không phải quan trọng nhất.
Nếu mãi mang nặng “túi ba gang”, con người ta thường khó đi xa trên con đường nghiên cứu khoa học.
Là ngôi trường tiên phong của tự chủ đại học, đặc biệt số bài báo quốc tế cũng như công trình nghiên cứu luôn ở vị trí số 1 trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam những năm gần đây, thầy nhìn nhận như thế nào về sự tăng cường, phát triển khoa học công nghệ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng?
Có thể có những ý kiến khác nhau về tốc độ phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng những năm gần đây; nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận được vai trò tiên phong của trường này trong việc thúc đẩy tự chủ đại học và thay đổi diện mạo khoa học của Việt Nam trong những năm qua.
Thành tựu mà Trường đã đạt được, từ nhiều con số 0 đã là làn gió mới; thổi sinh khí và xua đi cái ngột ngạt trì trệ “không chịu phát triển” của cả một nền đại học.
Hẳn nhiên, không dễ một sớm một chiều thay đổi quán tính và sức ì của cái cũ, nhưng rất cần “cú hích ban đầu”[1] để có cái mới.
Đại học Tôn Đức Thắng đặt mục tiêu “trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa trong TOP 200 đại học tốt nhất thế giới”.
Tôi hi vọng và tin rằng Trường sẽ trở thành một Nanyang của Việt
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu.
[1] Năm 1900, Max Plank (đạt Nobel Vật lý 1918) giới thiệu khái niệm “lượng tử”, là cú hích đầu tiên cho sự ra đời của Cơ học lượng tử, giúp khám phá nhiều vấn đề không thể giải quyết được với Cơ học cổ điển.