Nghị lực phi thường của nữ sinh sư phạm mồ côi cả cha lẫn mẹ

18/01/2013 06:49
Đỗ Quyên
(GDVN) - Nhìn lại quãng đường đã đi, nhiều lúc Phương rớm nước mắt, em khao khát có một gia đình bình thường như bao người khác nhưng sao khó quá. Phương nghĩ, giá như mình có bố, hoặc có mẹ thì cuộc sống sẽ bớt khổ sở và vất vả hơn.
Vượt lên số phận

Lê Thị Phương sinh năm 1991, tại Thanh Hóa, hiện đang là sinh viên khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II. Là cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng Phương luôn nỗ lực, đoạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Mồ côi bố từ năm ba tuổi là một sự thiệt thòi lớn đối với Phương. Môt mình mẹ còm cõi nuôi 5 anh chị em em ăn học, đời sống trăm bề khó khăn. Những tưởng cuộc sống sóng gió sẽ không còn đến với gia đình, thế nhưng mẹ Phương lại mắc bệnh hiểm nghèo và ra đi khi em đang học lớp 8. Mồ côi cả bố lẫn mẹ, Phương dường như sụp đổ tất cả, niềm tin và hi vọng. 
Tuổi thơ của Phương là những tháng ngày chìm trong nước mắt, đến khi ngỡ ra rằng có khóc mãi cũng không giải quyết được chuyện gì thì Phương đứng dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Phương vượt qua nỗi đau, vươn mình trong học tập. 12 năm học, Phương luôn đứng trong vị trí top đầu của lớp, đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Đặc biệt, trong năm học lớp 12, Phương vinh dự được giải nhì môn lịch sử toàn tỉnh Thanh Hóa, tham gia đội tuyển thi học sinh giởi quốc gia môn lịch sử. 

Lê Thị Phương quyết tâm thi vào đại học để thoát nghèo, để thay đổi cuộc sống
Lê Thị Phương quyết tâm thi vào đại học để thoát nghèo, để thay đổi cuộc sống
Là cô bé thiệt thòi, chịu nhiều vất vả nhưng Phương không cam chịu số phận an bài. Em quyết tâm thi vào đại học để thoát nghèo, để thay đổi cuộc sống. Dù biết rằng, nếu có đỗ thì cũng không có tiền nhập học nhưng ước mơ và lý trí luôn thôi thúc Phương. Lúc đó Phương chỉ nghĩ, ông trời không lấy đi tất cả của ai, mất cái này ta sẽ được đền bù một đều thật xứng đáng.
Phương khăn gói một mình lên Hà Nội, tự tìm nhà trọ, tự đi thi. Cô đơn một mình, nhìn bạn bè được bố mẹ chăm sóc, đưa đón, Phương không ít lần òa khóc. Nhờ bản lĩnh và nỗ lực, kỳ thi năm đó Phương đoạt 20 điểm, khối C, Trường HV Báo chí và Tuyên truyền. Thế nhưng sau đó, anh trai Phương khuyên bảo em nên học ngành sư phạm, bởi nếu học sư phạm thì sẽ được miễn giảm học phí.

Đỗ đại học, đối với nhiều người là niềm vui thì với Phương là cả sự lo lắng khi em chỉ có một thân, một mình. Gia đình em có 5 anh chị em, ba anh chị lớn tuổi và một em gái của Phương đều đã sống và học tập trong miền Nam nên cuộc sống của Phương nơi đất khách quê người không có ai bên cạnh. Phương bắt đầu những ngày tháng đầu tiên tại 
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội II với số tiền vay vốn ít ỏi của một sinh viên nghèo. 
Những ngày tháng sau đó, Phương đi làm thêm từ những việc như: rửa bát cho nhà hàng, bán quần áo, đi gia sư để lấy tiền chạy ăn từng bữa. Nhiều khi ốm đau nhưng Phương vẫn phải cố gắng gượng dậy để đi làm vì em hiểu nếu nghỉ làm chỉ một ngày thôi, em sẽ chẳng có tiền để mà ăn mà học. 
Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ Phương lơ là trong học tập. Suốt những năm học đại học, kỳ nào Phương cũng đoạt học bổng của trường.
Nhìn lại quãng đường đã đi, nhiều lúc Phương rớm nước mắt, em khao khát có một gia đình bình thường như bao người khác nhưng sao khó quá. Phương nghĩ, giá như mình có bố, hoặc có mẹ thì cuộc sống sẽ bớt khổ sở và vất vả hơn. Phương sẽ có thời gian để được cùng bạn bè đi ăn một món ngon nào đó, được làm những việc gì mà mình muốn và được đi tới những nơi thú vị. Nhưng cuộc sống của Phương không bao giờ có những thứ đó, quanh năm ngày tháng quay cuồng trong học tập và làm việc.

Sống lạc quan để chiến đấu với khó khăn
Vượt qua mọi khó khăn, Phương càng trở nên bản lĩnh và vững vàng hơn. Cho đến bây giờ nghĩ lại, Phương ngậm ngùi: “Nhiều khi em quên mất mình là trẻ mồ côi, bởi trong tâm trí em bố me vẫn luôn ở bên cạnh”. 
Hiện tại, Phương đã vững bước hơn trong con đường đời, nhưng em không thôi lo lắng. Bởi trong thời buổi kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn thì nghề giáo lại càng không ngoại lệ. Càng nghày nghề giáo càng ít người theo học vì người ta quan niệm nghề giáo là nghề “bán phổi để nuôi bản thân”. Sinh viên sư phạm ra trường mất hàng trăm triệu mới có việc làm. Chế độ lương bổng, trợ cấp cho giáo viên còn nhiều hạn chế, Những vấn đề này đều được sinh viên đã và đang theo học ở các trường sư phạm đều quan tâm tới, trong đó có Phương.
Thực tế là vậy, nhưng Phương luôn suy nghĩ mọi chuyện theo chiều hướng lạc quan và tích cực. Phương quan niệm, nghề giáo là nghề cao quý, nghề ươm những mầm xanh nên em luôn nỗ lực hết mình cho học tập. Sau khi ra trường Phương chỉ ước mơ mình xin được một công việc đúng với chuyên nghành mà mình học, dẫu biết rằng điều đó là khó khăn.

Phương chia sẻ: "Em nghĩ rằng, người có năng lực ở thời nào cũng được trọng dụng, vấn đề là thời gian sớm hay muộn mà thôi. Vậy em sẽ cố gắng để trở thành người có năng lực thay vì việc ngồi một chỗ mà lo lắng".
Đỗ Quyên