Người thầy truyền cảm hứng tiếng Việt cho học sinh người Ê-đê!

08/12/2019 05:45
Trinh Phúc
(GDVN) - Thầy Y Giêng cho rằng: Nếu giáo viên không am hiểu, đồng cảm, làm bạn cùng các em, các em rất dễ mặc cảm, từ đó xem nhẹ việc học, dẫn đến bỏ học.

Thầy Y Giêng dạy ở Trường Tiểu học Ea Lâm, huyện Sông Hinh được vinh dự đại diện cho cô thầy tỉnh Phú Yên tham gia chương trình chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.  

Thầy Y Giêng là người con của dân tộc Ê-đê, được sinh ra và lớn trên mảnh đất quê hương núi rừng Sông Hinh, Phú Yên trong một gia đình có bốn anh chị em và thầy là người con thứ trong gia đình.

Thủa nhỏ cuộc sống của thầy vô cùng khó khăn, ngoài những buổi học trên lớp thầy phải phụ giúp bố mẹ làm công việc nhà, chăn bò vào chéo buổi để đi học.

Khó khăn là vậy nhưng cậu bé Y Giêng thuở nào vẫn luôn nung nấu ước mơ để sau này thành thầy giáo và chính niềm mơ ước này đã thôi thúc và là động lực để cậu có thể vượt qua những khó khăn.

Thầy Y Giêng luôn có nhiều sáng kiến để học sinh người dân tộc Ê - đê hiểu về tiếng Việt nhanh hơn (ảnh do nhân vật cung cấp).
Thầy Y Giêng luôn có nhiều sáng kiến để học sinh người dân tộc Ê - đê hiểu về tiếng Việt nhanh hơn (ảnh do nhân vật cung cấp).

Vào năm 2005 sau khi tốt nghiệp Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Y Giêng đã trúng tuyển chuyên ngành Cử nhân Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Tháng 01/2010 thầy Y Giêng đã trở thành nhà giáo, tiếp tục về quê hương và công tác tại Trường Tiểu học Ea Lâm, huyên Sông Hinh cho đến nay.

Trong quá trình công tác giảng dạy với tình yêu nghề nghiệp, thầy luôn trăn trở và tâm niệm với chính mình là làm sao để giúp đỡ và dạy cho các em là học sinh người dân tộc thiểu số để đạt được chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình lớp học, cấp học mà mình đang trực tiếp giảng dạy.

Leo dốc phải bám vào gốc cây để đến nhà vận động học sinh đi học
Leo dốc phải bám vào gốc cây để đến nhà vận động học sinh đi học

Đặc biệt là tăng cường tiếng Việt và kiến thức Toán học để các em biết đọc, biết viết và giao tiếp bằng tiếng Việt, biết tính toán các phép tính đơn giản theo chương trình lớp học và học đến đâu thì nắm chắc kiến thức đến đó;

Cùng với các môn học khác, thầy đã giúp học trò hình thành nhân cách và kỹ năng sống, biết hòa nhập cộng đồng và mạnh dạn giao lưu văn hóa giữa học sinh là người dân tộc thiểu số với học sinh là người Kinh trong vùng để học được điều hay, cái đẹp, cái văn minh của cộng đồng để từng bước giúp các em có nếp sống văn hóa, xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu...góp phân xây dựng buôn làng ngày càng văn hóa hơn.

Với mục tiêu đó thầy Y Giêng đã mạnh dạn nhận mọi nhiệm vụ do các cấp và nhà trường phân công về giảng dạy cũng như đoàn thể trong nhà trường và các hoạt động khác.

Thầy Y Giêng tự hào kể: “Từ năm học 2009-2010 đến năm học 2018-2019 thì tôi trực tiếp tham gia giảng tại các khối lớp 2, 4 và 5 do nhà trường phân công;

Bắt đầu nhận nhiệm vụ tổ phó, tổ trưởng chuyên môn từ năm học 2011-2012 đến nay và hiện tại là tổ Trưởng chuyên môn tổ 3 và Chi ủy viên của chi bộ nhiệm kì (2017-2020), Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ (2017-2022) của Trường Tiểu học Ea Lâm;

Trong năm 2015-2016 đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm học 2016-2017 đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”.

Con đường từ nhà đến trường khá xa, khoảng 27 km, hàng ngày thầy Y Giêng vẫn đều phải vượt qua để đến lớp.

Để có được chút thành tích như ngày hôm nay thì đối với bản thân thầy như là một kì tích, là điều không dám nghĩ tới.

Vì nơi công tác là một vùng khó khăn nhất huyện, phần lớn người dân định cư ở đây là người dân tộc Ê-đê và sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp là chính và họ giao phó việc học của con em mình vào thầy, cô.

Nhớ lại những ngày mới đi dạy, thầy kể: “Tôi thắt lòng khi chứng kiến những cô cậu học trò bé bỏng, gầy guộc, tóc vàng hoe cháy nắng vì một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình làm rẫy, chăn bò.

Những hình ảnh thuở ấu thơ hiện về trong tâm trí tôi, ngày ấy, tôi cũng không biết nói tiếng phổ thông, cũng lem luốc, vất vả... rồi càng gần gũi học sinh hơn, hiểu biết học sinh hơn, yêu thương học sinh hơn”.

Chông gai hành trình đến ước mơ của Thào Thị Sấu
Chông gai hành trình đến ước mơ của Thào Thị Sấu

Theo thầy Y Giêng, học sinh người Ê-đê thường có tâm lí ngại giao tiếp, ít cởi mở, ngại hòa đồng, ngại không dám thể hiện mình trước tập thể.

Các em rụt rè, e sợ khi trao đổi một vấn đề nào đó với giáo viên, khi trình bày một vấn đề thì lúng túng, sử dụng câu què, câu cụt, sai lỗi chính tả nhiều.

Khác với học sinh người Kinh, trước khi đến trường, đa số học sinh dân tộc thiểu số sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo, bởi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của các em, vì vậy việc giao tiếp bằng tiếng Việt của các em gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, điều kiện, đời sống vật chất và tinh thần còn thiếu thốn cũng phần nào làm mất đi sự hồn nhiên, yêu đời của các em.

Hiểu học trò nên thầy Y Giêng đã yêu thương và dốc lòng dạy dỗ, trao truyền cho học sinh về kiến thức, về nghị lực, lòng kiên trì vượt khó, đặc biệt là các phương pháp dạy học giúp học sinh chưa đạt chuẩn kiến thức kĩ năng tiến bộ hơn.

Nhận thấy phần đông học sinh dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận môn Tiếng Việt nên đã mày mò, nghiên cứu các phương pháp sư phạm phù hợp trong việc truyền đạt kiến thức cho các em, để giúp các em viết đúng chính tả, từ đó mạnh dạn, tự tin hơn khi học các môn học khác.

Thầy Y Giêng kể: “Tôi đã dày công tìm tòi và viết đề tài sáng kiến “Rèn kỹ năng viết đúng chính tả cho học sinh dân tộc Ê-Đê lớp 4, trường Tiểu học Ea Lâm” và nhiều học trò của tôi đã biết quy tắc viết chính tả, tự tin hơn khi học môn Tiếng Việt, các em đã trở nên dạn dĩ trước đám đông, tích cực trong các phong trào trường lớp.

Tôi luôn tâm niệm rằng “Nếu giáo viên không am hiểu, đồng cảm, làm bạn cùng các em, các em rất dễ mặc cảm, từ đó xem nhẹ việc học, dẫn đến bỏ học”.

Vì vậy, tôi sẽ luôn cố gắng gần gũi với học sinh bằng sự tận tụy và gương mẫu, từ đó giáo dục các em tiến bộ”.

Trinh Phúc