Nguyên Chủ nhiệm VPQH: "Quay cóp là do chương trình học quá nặng"

13/06/2012 06:00
Xuân Trung (Thực hiện)
(GDVN) - “Nói riêng về thi cử, với một quan niệm về thi cử, phương thức tổ chức thi như hiện nay thì năm nào cũng sẽ xảy ra hiện tượng tiêu cực như vừa qua. Nói rộng hơn là vấn đề giáo dục, quan niệm giáo dục, chương trình, nội dung quá nặng nề”.
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã dành cho Báo điện tử Giáo dục Việt Nam những chia sẻ hết sức lý thú xung quanh sự việc tiêu cực trong thi cử tại Bắc Giang vừa qua.
Chính phủ cần có một đánh giá cụ thể

- Khi xem clip về tiêu cực trong thi cử tại Bắc Giang vừa qua ông có suy nghĩ gì về thực trạng nền giáo dục phổ thông chúng ta hiện nay?

Ông Vũ Mão: Những tiêu cực trong giáo dục lâu nay đã có nhiều rồi, ai cũng biết và công luận cũng đã nói nhiều. Vụ việc lần này cũng rất nghiêm trọng và cũng giúp cho chúng ta phải cảnh tỉnh rất nhiều. 

- Những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục mỗi lúc một nhiều, phải chăng căn bệnh thành tích ngày càng nặng và khó có thể chữa được?

Ông Vũ Mão: Đây là một hiện tượng rất cụ thể, một bề nổi, bề nổi bên trên, còn nguồn gốc sâu xa nếu chúng ta tìm được mới có thể giúp cho nền giáo dục có những thay đổi cơ bản từ trong nhận thức cho tới nội dung và phương thức của nền giáo dục chúng ta. Bản thân tôi cũng cố gắng nghiên cứu, nhưng trước hết mọi người và ngành giáo dục cần phải có nghiên cứu sâu. 

Chúng ta cũng rất cố gắng, cách đây ít năm chúng ta có phát động phong trào “hai không” trong giáo dục, rồi cố gắng làm nhưng đó cơ bản cũng không thể giải quyết được. Cả phương thức chúng ta làm để nâng cao đạo đức, chất lượng thi cử vẫn chưa giải quyết được, năm nào cũng lặp đi lặp lại. 

Nói riêng về thi cử, với một quan niệm về thi cử, phương thức tổ chức thi như hiện nay thì năm nào cũng sẽ xảy ra hiện tượng tiêu cực như vừa qua. Nếu nói rộng hơn là vấn đề giáo dục, quan niệm giáo dục, chương trình, nội dung quá nặng nề. Nguy hiểm hơn nữa biến thành một nhận thức trong xã hội, sự đua chen trong xã hội rồi tất cả ăn sâu vào từng tế bào trong gia đình và xã hội. Tôi cho cái đó rất nguy hiểm. 

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

SỐC VỚI CLIP GIAN LẬN MÔN TOÁN TẠI BẮC GIANG - NHỮNG CHIÊU THỨC QUAY CÓP KHÓ ĐỠ


- Vài năm gần đây tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cao, theo ông tỉ lệ này có phản ánh đúng chất lượng giáo dục và có nên kéo dài và duy trì kỳ thi tốt nghiệp nữa không?

Ông Vũ Mão: Theo tôi vấn đề không phải ở chỗ đó. Chúng ta nói “hai không” trong giáo dục cũng chỉ là để giải quyết bề nổi, biện pháp tức thời. Sau khi chúng ta không ráo riết nữa lại trở về như cũ, cái đó chưa phải nguồn gốc sâu xa của vấn đề. Theo tôi, về cơ bản giáo dục của chúng ta nếu học sinh học hết phổ thông, chương trình 12 năm như vậy thì cơ bản học sinh phải được tốt nghiệp. Nếu chúng ta cứ cho rằng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp 50-70% mới phản ảnh đúng thực trạng, tôi vẫn chưa đồng tình. 

Học sinh được học hành, các gia đình đầu tư công sức, tiền của của đất nước như vậy. Việc tỉ lệ trên 90% tốt nghiệp tôi cho là cần thiết và là chuyện bình thường. Trở lại vấn đề, phải thấy được cách giáo dục, cách thi cử của chúng ta cần phải xem lại. 
Hiện tại có hai luồng ý kiến: Không nên thi tốt nghiệp và luồng nữa là giữ nguyên kỳ thi. Vấn đề này tôi đề nghị, Bộ Giáo dục, ngành giáo dục, cao hơn là Chính phủ cần phải đứng ra để tổng kết vấn đề này. Vì đây là vấn đề của toàn xã hội, vì sao phải thi và thi thì cải tiến như thế nào? Vì sao không thi, nếu không thi thì giải pháp khác như thế nào? Đó là vấn đề thời sự, đừng để một bên nói thi, bên nói không thi sẽ không có kết luận gì. Để rồi cuối cùng theo chiều hướng lâu nay là thi, mà thi kiểu như hiện nay là không ổn.

Tôi cho rằng 12 năm học là quãng thời gian đối với một thời kỳ con người là rất quan trọng, quý giá nên hết 12 năm cũng phải có mốc gì đó, đánh dấu gì đó. Theo tôi phải có nghiên cứu và tham khảo các nước trên thế giới: Hàng trăm nước như vậy có bao nhiêu nước thi, bao nhiêu nước không thi để chúng ta lập luận vì sao họ không thi, vì sao họ thi. Từ đó giúp cho chúng ta có cách nhìn toàn diện hơn, có tính chất quốc tế hơn và chúng ta liên hệ với chúng ta, vấn đề này nên đặt ra ở tầm vĩ mô. 

Tiêu cực ở Bắc Giang là một "tín hiệu" để hành động

- Theo ông, vấn đề xử lí tại Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang) nên như thế nào?

Ông Vũ Mão: Vấn đề xảy ra tại Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô theo tôi đó là một việc rất cụ thể, không khó trong xử lí, nhưng việc chúng ta đáng bàn là bàn cái lớn hơn mà lâu nay chúng ta đang trăn trở, suy nghĩ cải cách giáo dục như thế nào.
 
Theo tôi, nhân sự việc ở Bắc Giang này, đó cũng là điều kiện thuận lợi để giúp chúng ta, cả đất nước này, cả xã hội này, nhất là những người lãnh đạo quan tâm hơn nữa, tìm ra và đi đường lối quần chúng, phải dựa vào ý kiến của nhân dân, đưa ra vấn đề để trưng cầu nhân dân, lấy ý kiến của dân để cùng nhau bàn giải quyết, chứ đừng nhìn sự việc ở màu đen. 

Kiến thức ở cấp phổ thông như thế nào là vừa, kiến thức trong thời kỳ thông tin bùng nổ, trong thời kỳ hiện đại này. Vào học và thi cử bắt học sinh nhồi nhét, học thuộc thì làm sao mà thuộc được, trí tuệ con người cũng chỉ có nấc nhất định nào đó, thuộc được là rất khó. Bây giờ công nghệ phát triển thì cách thi cử của chúng ta làm sao cho học sinh phát huy được tư duy, phát huy được suy nghĩ, một phương pháp tư tưởng, phương pháp giải quyết vấn đề chứ không phải bắt người ta học thuộc tất cả. Như vậy thay đổi hẳn một quan niệm, ngày xưa học có mức độ nhưng bây giờ học sinh bị nhồi nhét nhiều quá. 

Cho nên tiêu cực ở đây có vấn đề, có nguyên nhân, có nguồn gốc của nó. Nói là xấu thì là xấu, nhưng vì sao dẫn tới cái xấu đó thì chúng ta phải tìm ra nguyên cơ, đó là chương trình nặng quá, học nhồi nhét quá, nhiều thứ quá. Con người phải được phát triển theo một cách tự nhiên, trong khi bắt học sinh phải thuộc thì ắt hẳn phải mang phao vào. 

- Như vậy theo ý của ông hình thức thi phải có thay đổi? Và lỗi để xảy ra hiện tượng tiêu cực chủ yếu là do người lớn?

Ông Vũ Mão: Tôi không muốn dùng từ lỗi người lớn hay trẻ con. Lỗi ở đây có người lớn nhưng trẻ con cũng có chứ? Theo tôi lỗi đang ở tất cả chúng ta, lỗi của xã hội. Đương nhiên là người lớn chịu trách nhiệm chính. Chúng ta phải xem xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục, nền giáo dục chúng ta để xem xét vấn đề thì đó là trách nhiệm của người lớn. Khuyết điểm cụ thể là khuyết điểm của tất cả những ai trong đó mắc phải. Từ đó giúp chúng ta có cách nhiều trách nhiệm hơn, cụ thể hơn. Buồn thì ai cũng buồn rồi, chúng ta phải tìm ra cái gì cơ bản nhất để chúng ta giải quyết. Đó mới là cái tầm tư duy của người lãnh đạo (những vấn đề cụ thể của cuộc sống nhưng qua đó ta soi xét  nhìn ở một tầm vĩ mô hơn).
- Theo ý kiên chủ quan của ông thì nguồn gốc sâu xa của vấn đề này nằm ở đâu?

Ông Vũ Mão: Theo tôi nguồn gốc ở đây là chương trình học nặng quá, không học được, không nhồi nhét được thì phải dùng phao. Do thế mới có câu “Học mà chơi, chơi mà học” làm sao cho lứa tuổi học sinh phải thoải mái, phơi phới, khỏe mạnh, chứ chúi đầu vào học ngày học đêm như thế là không ổn.

Do vậy, chúng ta phải xác định lại chương trình học thế nào để cho học sinh ai cũng học được, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp theo tôi phải là 90% trở lên. Tôi nghĩ dù sao vẫn phải thi, vẫn phải có một dạng kiểm tra giống như một mốc dấu trong cuộc đời, kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục đích cao nhất phải là để giúp cho các cháu tổng hợp lại, hệ thống lại toàn bộ nền tảng kiến thức ở phổ thông để giúp cho các cháu có nền tảng đi vào đời hoặc vào đại học hoặc đi học nghề, chứ không nhất thiết là việc đánh giá học sinh qua từng con số tỉ lệ phần trăm đỗ tốt nghiệp. 

Một việc lâu nay chúng ta quan niệm thi cử là để báo cáo thành tích, đánh giá tỉ lệ đỗ đạt như thế nào, theo tôi phải xếp nó ở  mục đích thứ 2, thứ 3. 
Xuân Trung (Thực hiện)