Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói về "thảm họa" môn Sử

04/08/2011 06:03
(GDVN) - “Môn Lịch sử nên chăng chúng ta cứ nói về chiến tranh này, chiến tranh kia hay không, trong khi đó về mặt “văn hóa lịch sử” thì chúng ta để đi đâu?”

(GDVN) – “Môn Lịch sử nên chăng chúng ta cứ nói về chiến tranh này, chiến tranh kia hay không, trong khi đó về mặt “văn hóa lịch sử” thì chúng ta để đi đâu?” - Nguyên phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Thị Bình chia sẻ về “thảm họa” môn sử năm nay với báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Học Sử phải toàn diện thì mới hấp dẫn

Thưa bà, trong nhiều năm gần đây, khối C đang bị coi là “mất giá”. Cá biệt, trong đợt thi đại học năm nay đã xuất hiện hàng nghìn điểm 0. Bà có bình luận gì về điều này?

Chúng ta đã biết, không phải năm nay mới thấp như thế, mà nhiều năm rồi số lượng học sinh thi khối C rất ít, trong khối C có môn Lịch sử, đây là môn thuộc loại hình Khoa học xã hội (KHXH). Mặc dù Đảng và Nhà nước cũng nhắc và trong Nghị quyết cũng có nói, nhưng thực tế ngành này ngày càng được xã hội ít quan tâm.

Người ta cho rằng, ngành Khoa học tự nhiên (KHTN) khi tốt nghiệp rồi cũng dễ tìm việc làm hơn, hơn nữa do nhu cầu phát triển của đất nước thường quan tâm hơn tới nhóm ngành Khoa học kĩ thuật (KHKT), đấy là một lí lẽ. Tuy nhiên, cũng phải nói thật rằng, hiện nay các môn xã hội không được quan tâm ở mặt nội dung và phương pháp, nên nhiều người không thích học về KHXH, trong đó có Lịch sử. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta cứ quá thiên hướng theo ngành KHTN mà lãng quên ngành KHXH thì cũng không được toàn diện.

Vậy cần phải cải tiến lại nội dung, phương pháp dạy Lịch sử như thế nào để có thể “lấy lòng” lại HS?

Điều thực tế hiện nay là chúng ta dạy sử chỉ quan tâm tới giai đoạn từ những năm 1930 trở lại đây, như vậy là một thiếu sót rất lớn. Lịch sử của chúng ta từ thời ông cha đã có hàng nghìn năm, ngoài các lát cắt, chúng ta cần phải quan tâm cả bề dày lịch sử.

Vấn đề thứ hai, môn Lịch sử nên chăng chúng ta cứ nói về chiến tranh này, chiến tranh kia hay không, nhưng còn mặt “văn hóa lịch  sử” thì để đi đâu? Sao không thấy nói. Cái đó là cái không toàn diện trong lịch sử, làm cho lịch sử cứng nhắc, khô khan.

Tôi lấy thí dụ thế này: Những bước phát triển về văn hóa, những công cụ sinh hoạt hằng ngày của dân tộc từ xa xưa qua các thời kì cũng cần có trong lịch sử. Qua những thứ đó trong cuộc sống, qua những dụng cụ lao động đó để nói lên rằng, chúng ta có một bề dày lịch sử đáng tự hào. Theo tôi, lịch sử phải toàn diện mới đúng và hấp dẫn hơn.

Tầm quan trọng của việc học Lịch sử là gì, thưa bà?

Đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống dân tộc phải qua lịch sử dân tộc, qua đó mới yêu mến đất nước mình được, tự hào về truyền thống quê hương.

Ngoài ra, sử còn mang khía cạnh xã hội sâu sắc, ngoài việc học sử để biết được lịch sử quê hương đất nước, còn phải biết được các thời kì xã hội, xã hội trước thế nào, xã hội sau thế nào.

Không phải cứ thi là sẽ học tốt

Phong trào học sử trước kia có khác gì so với bây  giờ không ạ?

Trước kia, các môn KHXH lúc bấy giờ cũng chưa phải được quan tâm đúng mức, mà người ta đặt nặng KHKT hơn, thực sự là ngành KHKT mình yếu thật, nhưng hiện nay với tình hình mới thì nhóm ngành xã hội lại xa sút hơn, yếu tố đó cũng là mặt gây ảnh hưởng tới vấn đề học sử. Trước đây, ngành KHXH chưa được quan tâm thì hiện nay càng chưa được quan tâm đúng mức.

Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, không nên dạy học sinh  lịch sử từ những năm 1930 trở lại đây, mà cần có cái nhìn về bề dày của ông cha. Ảnh Xuân Trung
Bà Nguyễn Thị Bình cho biết, không nên dạy học sinh lịch sử từ những năm 1930 trở lại đây, mà cần có cái nhìn về bề dày của ông cha. Ảnh Xuân Trung
Phải chăng, để cho vị thế của ngành xã hội và cụ thể là môn sử được nâng cao, chúng ta nên bắt buộc thi Lịch sử vào những đợt thi bắt tốt nghiệp phổ thông, tốt nghiệp ĐH?

Cũng không hẳn như thế! Tất nhiên, nếu thành môn thi thì được học sinh quan tâm, nhưng không phải là vấn đề thi mà có thể cải tiến được tình hình.

Theo tôi, phải làm sao môn sử không có trong nội dung thi tốt nghiệp mà vẫn được quan tâm. Chúng ta đừng nghĩ chỉ vì thi thì môn sử mới được học tốt, như vậy sẽ bị chi phối vấn đề học tập của các em.

Mấu chốt ở đây phải là mục tiêu giáo dục chi phối, mục tiêu của chúng ta là phải đạt tới cái gì cụ thể. Còn thi cử chẳng qua chỉ là khâu kiểm tra cuối cùng trước khi kết thúc năm học, không thể lấy thi làm thước đo cho tất cả.

Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người, có trí thức, có phẩm chất đạo đức, nhân cách, mà tất cả các môn học đều phải đạt được cái đó chứ không chỉ riêng môn sử. Thi cử nên cải tiến, coi đó chỉ là một khâu kiểm tra về trình độ, chất lượng của học sinh.

Quy trình ngược: Giáo viên cấp 1 phải là người giỏi nhất!

Việc chán và lười học Sử liệu có phải chỉ riêng là lỗi của giới trẻ?

Khuyết điểm của trẻ em trước hết có trách nhiệm của người lớn, chứ không thể đổ hết cho thầy, theo tôi đừng trách trẻ em, trẻ em không tốt là do người lớn.

Chúng ta phải hiểu thế này, chúng ta từ giai đoạn chiến tranh sang giai đoạn phát triển, thì tình hình và nhiệm vụ khác hẳn nhau, tất nhiên đường lối là tiến lên Chủ nghĩa xã hội  nhưng giai đoạn có khác nhau.

Vì vâỵ, với giáo dục phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, tôi coi đó là cải cách giáo dục.

Lịch  sử  hiên nay còn nhiều điều cứng nhắc, không hấp dẫn người học. Ảnh Xuân Trung
Lịch sử hiên nay còn nhiều điều cứng nhắc, không hấp dẫn người học. Ảnh Xuân Trung
Đổi mới căn bản, phải bắt đầu từ lớp trẻ, ví dụ chương trình phải thay đổi, nội dung , phương pháp phải thay đổi, nhưng quan trọng phải thay đổi cách làm như thế nào để cho lớp trẻ tiếp cận vấn đề một cách tự giác, phải chủ động, hiểu biết và sáng tạo. Chứ cứ theo kiểu “áp đặt” như hiện nay là không được.

Có những cái chúng ta không tự dạy được các trẻ, nhưng phải làm cho tự chúng hiểu được làm như thế là đúng hay sai. Mình phải hướng cho trẻ cách tiếp cận, phương pháp tiếp cận, làm được như vậy tôi cho rằng đó mới là sự thay đổi lớn.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, môn Lịch sử yếu còn do yếu tố năng lực của giáo viên?


Theo tôi,  họ là những người lao động nghiêm túc, họ có trách nhiệm. Nhưng họ được đào tạo ở trong một giai đoạn khác, mà yêu cầu ở giai đoạn mới này thì họ không được trang bị.

Thứ nữa, chế độ chính sách hiện nay không làm cho họ yên tâm về cuộc sống. Nên đó cũng là lí do mà giáo viên không tập chung cho công tác chuyên môn. Giờ chúng ta cứ đòi hỏi giáo viên phải thế này thế nọ, nhưng trước hết chúng ta phải tạo điều kiện cho họ.

Chúng ta  cứ coi người thầy dạy càng cao càng quan trọng, nhưng xin thưa, theo tôi, giáo viên dạy cấp càng nhỏ càng quan trọng hơn. Vì đứa trẻ như tờ giấy trắng, người đầu tiên dẫn dắt các cháu chính là người thầy. Tôi nghĩ, giáo viên dạy bậc tiểu học không phải trình độ trung cấp hay cao đẳng, mà phải cao hơn. Thực tế, các nước, giáo viên trình độ Thạc sỹ mới được dạy tiểu học như Pháp, Mỹ, Phần Lan.

Xuân Trung thực thiện

alt