Nhà nước không lo cho trẻ mầm non 3 tháng đến 6 tuổi tới trường thì ai sẽ lo?

16/01/2018 07:19
Thùy Linh
(GDVN) - “Luật Giáo dục cần sửa đổi theo tinh thần, nơi nào mọc lên nhà máy, khu đô thị thì chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm với con cái của công nhân".

Điều 25, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục có điều khoản quy định: Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. 

Được biết, cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định này là hiện nay có khá nhiều bà mẹ nghỉ trước sinh từ 2 - 3 tháng.

Do đó khi đi làm, nếu không có chỗ gửi con sẽ rất khó khăn. Một số nhà máy, công ty đã thành lập nhà trẻ nhận chăm sóc con của người lao động ở độ tuổi còn rất nhỏ trong khi các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay mới chỉ nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.

Nhiều ý kiến đồng ý rằng đây là điểm nhân văn, phù hợp với một bộ phận không nhỏ lao động ở các vùng công nghiệp.

Nhưng cũng có ý kiến khác, cần nghiên cứu lại quy định này bởi khi thực hiện trông giữ trẻ 3 tháng tuổi, thì liệu đội ngũ giáo viên có đáp ứng không? Cơ sở vật chất và điều kiện y tế có đầy đủ không?...

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: “Ủy ban nhân dân các cấp phải có kế hoạch để đảm bảo có đủ buồng lớp cho trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi có nơi học tập” (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: “Ủy ban nhân dân các cấp phải có kế hoạch để đảm bảo có đủ buồng lớp cho trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi có nơi học tập” (Ảnh: Thùy Linh)

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng:

“Tại Điều 25, ngoài việc bổ sung Khoản 2 và 3 như dự thảo, chúng tôi đề nghị thêm Khoản 4:

“Ủy ban nhân dân các cấp phải có kế hoạch để đảm bảo có đủ buồng lớp cho trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi có nơi học tập””. 

Theo thầy Tùng Lâm, chúng ta cần phải sớm đưa những điều này vào luật mới đảm bảo nhu cầu học tập của lứa tuổi nhà trẻ và mầm non. Trước đây chúng ta chú trọng quá nhiều tới bậc trung học phổ thông, đại học mà quên quan tâm đến bậc tiểu học.

Nhà nước không lo cho trẻ mầm non 3 tháng đến 6 tuổi tới trường thì ai sẽ lo? ảnh 2

Cô giáo mầm non, tiểu học ở Sài Gòn ít nhất phải có trình độ Cao đẳng

Dù hiện nay đã phổ cập ở mầm non 5 tuổi nhưng giờ đây cần tính đến việc phổ cập trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi. 

Thầy Lâm nêu thực tế, đây là giai đoạn những ông bố bà mẹ đang ở giai đoạn mới lập nghiệp, họ phải đi làm việc, phải tha hương từ nông thôn ra thành thị nên không đủ điều kiện chăm sóc con bởi đâu phải gia đình nào cũng có ông bà trông nom con cái giúp họ

Do đó, nếu nhà nước không hỗ trợ thì người lao động vừa lo làm việc vừa lo sứ mệnh làm bố làm mẹ điều này khiến cho hiệu quả công việc không đáp ứng, trẻ lại thiếu đi tình thương, không được giáo dục kịp thời, đúng cách sẽ để lại di chứng, gây nhiều hệ lụy nguy hiểm ta phải giải quyết sau đó.

Và vì không có nhà trẻ, mẫu giáo nên con cái của công nhân ở vùng công nghiệp vô cùng thiệt thòi. 

“Tôi cho rằng, Luật Giáo dục cần sửa đổi theo tinh thần, nơi nào mọc lên nhà máy, khu đô thị thì chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm với con cái của công nhân. 

Có nghĩa là, nhà máy, khu đô thị muốn được vận hành thì phải xây dựng trường học để có người trông con cho công nhân đi làm. Nếu không làm được như vậy thì đừng kinh doanh”. 

Từ đó, thầy Lâm cho rằng, giai đoạn hiện nay, chúng ta chưa nên miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở mà chuyển kinh phí này cho học sinh mầm non bởi lẽ, học phí ở bậc học trung học cơ sở không cao.

Do đó, nếu thu học phí mà chất lượng giáo dục tốt còn hơn là miễn học phí nhưng xã hội hóa rồi lại xuất hiện hiện tượng biến tướng. 

Nhà nước không lo cho trẻ mầm non 3 tháng đến 6 tuổi tới trường thì ai sẽ lo? ảnh 3

“Phải chấm dứt ngay nạn bạo hành ở trường mầm non”

Ngoài ra, theo thầy Lâm, tại Điều 100, Khoản 4: Tôi tán thành như dự thảo đã đề xuất và đề nghị thêm ở phần cuối, đó là: 

“4. … chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương và có trách nhiệm tìm biện pháp bảo đảm an toàn cho mọi học sinh trong các nhà trường trên địa bàn quản lý”. 

Chúng ta không làm rõ trách nhiệm này của các Ủy ban nhân dân các cấp thì tình trạng trường sở không an toàn, đe dọa tình trạng trẻ em còn xảy ra như hiện nay.

Thầy Lâm cho rằng, sửa Luật Giáo dục làm sao để quán triệt được tình trạng, lúc xin mở trường thì lấy tên người nọ, người kia đến khi mở được trường rồi thì lại lựa chọn toàn những người không được đào tạo vào trông trẻ để trả giá rẻ. 

Họ chăm sóc trẻ theo bản năng, thói quen chứ không phải theo trình độ thế nên tình trạng đe dọa, bạo lực trẻ em không giải quyết dứt điểm được. 

Thùy Linh