Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố những gì sau khi tăng giá sách giáo khoa?

01/04/2019 07:04
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Những loại sách đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa (năm 2000) thì không được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công khai giá?

Tối ngày 29/3/2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đăng tải “Thông cáo báo chí về việc điều chỉnh giá sách giáo khoa từ năm học 2019-2020” và “Bảng giá bán lẻ sách giáo khoa phục vụ năm học 2019-2020” lên website của mình.

Đây được xem như là một động thái minh bạch trước công chúng.

Những cuốn sách được niêm yết giá cụ thể và cả những dự kiến năm 2019, Nhà xuất bản Giáo dục sẽ tặng 25.000 bộ sách giáo khoa cho con gia đình thương binh - liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ từng câu chữ trong 2 thông báo này, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều những điều đáng bàn.

Ảnh minh họa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Ảnh minh họa, nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Tặng 25.000 bộ sách giáo khoa có nhiều không?

Theo kế hoạch, năm 2019 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ xuất bản 108 triệu cuốn sách giáo khoa. Trong số 108 triệu cuốn sách này, Nhà xuất bản sẽ dành 25.000 bộ sách cho công tác từ thiện.

Đọc con số này, chúng ta thấy đây là điều trân quý vô cùng bởi ngoài công việc kinh doanh của một doanh nghiệp nhà nước thì Nhà xuất bản Giáo dục đã quan tâm đến các công tác xã hội, đến những học sinh là con gia đình chính sách, học sinh nghèo.

Nhưng, có lẽ con số 25.000 bộ sách sẽ chẳng là gì so với con số 108 triệu cuốn sách vừa được nâng giá vào năm học tới đây.

Chúng tôi làm một bài toán nhỏ như sau: Hiện các đầu sách và giá sách giáo khoa được Nhà xuất bản Giáo dục niêm yết trên Website của mình.

Trong số này chỉ có sách của các lớp 1, 2, 3 là có số lượng ít nhất, mỗi lớp có 6 cuốn. Lớp 10 nhiều nhất là 14 cuốn. Giá sách dao động khoảng 10 000 đồng/ cuốn.

Như vậy, chúng tôi tính đổ đồng bình quân thì mỗi bộ sách là khoảng 10 cuốn. Số sách Nhà xuất bản làm từ thiện là 25 000 bộ= 250 000 x10 nghìn/cuốn= 2 tỷ 500 triệu đồng.

Trước khi có quyết định tăng giá sách giáo khoa, trả lời báo chí thì ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ là Nhà xuất bản đưa ra 2 phương án điều chỉnh giá.

Phương án 1: điều chỉnh để đủ bù đắp chi phí, giá thành và có lãi từ 5% đến 10%;

Phương án 2: điều chỉnh giá gần đủ bù đắp chi phí, giá thành, không có lãi, vẫn phải tiếp tục dùng một phần từ nguồn thu khác để bù đắp.

Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố những gì sau khi tăng giá sách giáo khoa? ảnh 2Tăng 1 nghìn đồng/cuốn sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục có thêm 108 tỷ đồng

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chọn phương án 2, với mức tăng bình quân 16,9% ( giá sách đã được in và nộp lưu chiểu vào tháng 1/2019).

Tuy nhiên, ngày 6/3 thì Bộ giáo dục có chỉ đạo cho Nhà xuất bản Giáo dục là chưa được tăng giá trong năm học 2019-2020 nhưng cuối cùng thì sách giáo khoa đã được cho phép tăng giá.

Điều đáng lưu tâm nhất là trong “Thông cáo báo chí về việc điều chỉnh giá sách giáo khoa từ năm học 2019-2020” được chú thích ở cuối bản thông cáo là số liệu lỗ của Nhà xuất bản Giáo dục trong các năm qua như sau, chúng tôi trích nguyên văn:

Theo báo cáo tài chính được kiểm toán, hoạt động kinh doanh sách giáo khoa năm 2014 lỗ 53,7 tỷ đồng, 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng, 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 38 tỷ đồng, năm 2018 lỗ 50 tỷ đồng”.

Và bây giờ, “giá bán của các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớn 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000đ đến 1.800đ/cuốn”.

Như vậy, với số lượng xuất bản năm 2019 là 108 triệu bản mà giá tăng từ 1000 đến 1800 đồng/ cuốn thì Nhà xuất bản Giáo dục sẽ tăng thêm nguồn thu khoảng 140-150 tỉ đồng.

Nhìn lại báo cáo tài chính được kiểm toán 5 năm gần đây thì năm lỗ cao nhất là 53,7 tỷ đồng.

Từ đây, chúng ta thấy trừ số tiền lỗ và cả số sách làm từ thiện có giá trị khoảng 2 tỷ 500 triệu đồng thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ có lợi nhuận trên dưới 90 tỷ đồng.

Như vậy, nó chẳng nằm trong 2 phương án như ông Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã chia sẻ.

Điều đáng chú ý là đây mới chỉ là sách giáo khoa hiện hành (sách năm 2000), chưa có sách bài tập, sách VNEN, sách Công nghệ giáo dục và vô vàn các loại sách bổ trợ, tài liệu tham khảo khác.

Vẫn biết việc làm từ thiện, quan tâm đến học sinh gia đình chính sách và khó khăn là tốt nhưng con số 25. 000 bộ sách để tăng thêm lợi nhuận hàng chục tỷ đồng thì đây là một bài toán cực kỳ thông minh của lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Chỉ công bố giá sách giáo khoa năm 2000

Nhìn vào 12 bộ sách giáo khoa được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam niêm yết giá công khai, chúng tôi thấy đây chỉ là sách giáo khoa năm 2000- những loại sách có giá rẻ nhất hiện nay.

Nhà xuất bản Giáo dục đã công bố những gì sau khi tăng giá sách giáo khoa? ảnh 3Xem bảng lương Nhà xuất bản Giáo dục làm sao tin nổi sách giáo khoa lỗ

Bởi, bên cạnh sách giáo khoa này thì hiện nay có rất nhiều loại sách của một số môn học đã được thay thế bằng những cuốn sách giáo khoa khác nhau như sách tiếng Anh, sách Mỹ thuật cấp tiểu học.

Những loại sách đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa (năm 2000) thì không được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công khai giá.

Ngoài ra, còn rất nhiều sách bài tập cho tất cả các môn ở cấp Tiểu học, cấp Trung học cơ sở và hàng loạt sách tham khảo, bổ trợ, sách VNEN…

Những loại sách này đều do Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, phát hành?

Có điều, các loại không được công bố giá đều là sách giá cao và cũng đang được sử dụng bắt buộc trong các nhà trường.

Khi bán sách, các cửa hàng sách cũng đều gói cả sách giáo khoa và sách bài tập vào chung một bộ sách và tất nhiên là phụ huynh cũng sẽ phải mua toàn bộ các loại sách này.

Bởi, không mua thì học sinh khó học trên lớp vì đó cũng là yêu cầu bắt buộc của giáo viên và nhà trường.

Rõ ràng, việc tăng giá sách giáo khoa sẽ có một tác động rất lớn đến xã hội trong năm học tới đây. Những điều công bố công khai của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cứ tưởng rằng đó là minh bạch, sòng phẳng với người tiêu dùng.

Nhưng, đi sâu vào tìm hiểu, phân tích vấn đề nó còn rất nhiều điều "ẩn ý" ở bên trong.

Xét đến cùng, việc tăng giá lần này của Nhà xuất bản Giáo dục chỉ mới làm tốt được một vấn đề là “lợi nhuận” cho nhà xuất bản.

Còn tiêu chí: “chia sẻ khó khăn với các bậc phụ huynh” như trong Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 27/3/2019 của Văn phòng Chính phủ thì chúng tôi…chưa thấy?

Tài liệu tham khảo:

http://www.nxbgd.vn/bai-viet/tin-tuc-va-su-kien/thong-cao-bao-chi-ve-viec-dieu-chinh-gia-sach-giao-khoa-tu-nam-hoc-20192020-8624.htm

 http://www.nxbgd.vn/bai-viet/tin-tuc-va-su-kien/bang-gia-ban-le-sach-giao-khoa-phuc-vu-nam-hoc-20192020-8625.htm

NGUYỄN NGUYÊN