Nhiều học sinh bị điểm 0 môn Toán, đâu là chủ thể chính?

24/06/2019 06:27
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Qua thống kê kết quả điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các tỉnh, thành thì môn toán thường thấp điểm nhất, nhiều điểm liệt, điểm 0 nhất.

LTS: Chỉ ra nguyên nhân nhiều học sinh bị điểm 0 môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tác giả Sông Trà đã có bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hàng chục ngàn thí sinh bị điểm 0, điểm liệt môn toán (điểm dưới 1) trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương năm nay.

Các năm trước đây hiện trạng này cũng đã từng diễn ra tương tự.

Có nhiều bài viết, ý kiến đánh giá, bình luận về nó. Người thì đổ lỗi cho căn bệnh thành tích hoành hành. Người thì bảo do dạy học thêm tràn lan. Kẻ thì quy kết, do giáo viên dạy dỗ thiếu trách nhiệm.

Tôi nhận thấy, ý kiến nào cũng đúng, cũng có cơ sở thực tế. Song theo tôi, nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan thì lỗi chính thuộc về chủ thể: nhà trường, thầy cô giáo và cái khó của đặc trưng bộ môn.

Thí sinh tham gia kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).
Thí sinh tham gia kì thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN).

Tập thể nhà trường cùng các thành viên Ban giám hiệu từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở lâu nay ít chú trọng đến giáo dục thực chất, chỉ say sưa, hào hứng, hả hê với những chỉ tiêu, con số, thành tích ảo

Học sinh đáng ở lại lớp, thi lại, rèn luyện trong hè thì tháo khoán cho lên lớp thẳng hết. Học sinh đáng 4,0 điểm thì lại tìm mọi cách cho 6-7 điểm, thậm chí hơn.

Cứ thế thành thói quen, thành kẻ nô lệ của bệnh thành tích, thích khoe mẽ.

Dẫn đến việc đánh giá, phân loại học sinh không đạt, bỏ rơi hẳn những đối tượng học sinh học yếu kém đáng lẽ ra cần quan tâm, đầu tư nhiều nhất.

Nhiều thầy giáo cô cấp tiểu học đến trung học cơ sở hiện nay vừa yếu về chuyên môn vừa thiếu tâm huyết, trách nhiệm với nghề, với các em học sinh.

Không nhận thức được rằng mình có được cuộc sống, chế độ lương bổng hôm nay là nhờ từ nguồn đóng góp của nhân dân, các bậc phụ huynh.

Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cấp, một số giáo viên làm việc, dạy dỗ rất qua loa, hời hợt, tùy tiện, đi trễ về sớm, mặc kệ các em học hành như thế nào.

Trong khi đó, các em học yếu kém, hẫng hụt những môn cơ bản như Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh cần lắm sự nhiệt tình, chăm chút kỹ lưỡng từng ngày của thầy cô giáo giảng dạy.

Nhiều thầy cô giáo chỉ lo nghĩ, tập trung dạy học thêm để cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình mình.

Có thầy cô thừa biết diện học sinh yếu kém nhưng cứ thích dễ dãi, phóng bút nâng, cấy điểm để khỏi phải tốn thời gian, công sức đi phụ đạo, rèn cặp….  

Kỳ thi vào 10 nhiều điểm 0, đổ trách nhiệm cho thầy cô có hợp lý?
Kỳ thi vào 10 nhiều điểm 0, đổ trách nhiệm cho thầy cô có hợp lý?

Khi dư luận lên tiếng về trách nhiệm của người thầy đối với sản phẩm (học sinh) của chính mình tạo ra thì một số giáo viên ra sức chống chế, đổ thừa cho đủ thứ, nào cơ chế, nào chương trình phổ cập, nào cấp trên áp đặt chỉ tiêu…mà không chịu nhận trách nhiệm thuộc về mình.

Bệnh đổ thừa tồn tại trong đội ngũ giáo viên càng phổ biến và đáng sợ không kém gì bệnh thành tích.  

Chính vì thói vô trách nhiệm và bệnh thành tích, dễ dãi của nhà trường, thầy cô giáo đã đẩy các em học sinh và phụ huynh đến chỗ ngộ nhận, ảo tưởng về năng lực, kết quả học tập của người học. Tới khi thi thì mới vỡ mộng, cắn bút, chẳng làm được câu nào.    

Môn Toán không dễ học cũng là một nguyên nhân khách quan không thể phủ nhận.

Qua thống kê kết quả điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các tỉnh, thành thì môn toán thường thấp điểm nhất, nhiều điểm liệt, điểm 0 nhất.

Tại sao vậy?

Bởi đặc trưng bộ môn toán không dễ học như các môn thuộc khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa…).

Toán học là môn học có tính hệ thống, liên quan chặt chẽ giữa các đơn vị kiến thức của lớp này với lớp khác.

Nó đòi hỏi tư duy tính toán, lô gíc, suy luận cao, nhất là phân môn hình học không gian (chương trình lớp 9) luôn là thách thức, trở ngại rất lớn đối với các em học sinh trung học cơ sở ở lứa tuổi 14-15.

Mặc dù các em dành nhiều thời gian đầu tư cho việc học tập môn toán (học sinh đi học thêm môn Toán đông nhất) nhưng nhiều em vẫn yếu hoàn yếu.

Nếu các nhà trường, thầy cô giáo đều đồng lòng, cùng quan tâm, trách nhiệm, chăm lo và có những biện pháp giáo dục tốt, nhất là đối với diện học sinh học yếu kém thì chắc chắn sẽ không còn thấy một thực trạng buồn, rất nhiều em bị điểm 0, điểm liệt bộ môn toán ở các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nữa. 

SÔNG TRÀ