Nhìn vào những chiếc còng tay sau kỳ thi năm 2018 để tổ chức thi cho tốt!

13/06/2021 06:56
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần nhìn vào hình ảnh người thầy tay còng, đầu cúi trước những phiên tòa xét xử làm bài học nhãn tiền chua xót.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 20201 sẽ diễn ra. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đang gấp rút chuẩn bị, quyết tâm tổ chức kỳ thi một cách công bằng, nghiêm túc.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh những vụ gian lận thi cử rúng động năm 2018 được xét xử và rất nhiều cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi đã vướng vòng lao lý. Đây là bài học để ngành giáo dục, các địa phương thể hiện trách nhiệm với học sinh cả nước, để kỳ thi có quy mô quốc gia nhất định phải diễn ra nghiêm túc.

Sau những vụ gian lận thi cử chấn động đã xảy ra trước đây, dư luận vẫn băn khoăn việc giao kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông về cho các địa phương làm sao để tổ chức an toàn, công bằng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù có nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Dù quy chế chưa bắt buộc, nhưng kinh nghiệm là khi lựa chọn cán bộ, các địa phương nên phối hợp với lực lượng công an để xác minh, lựa chọn được những cán bộ tốt nhất tham gia tổ chức kỳ thi. Trong quá trình tập huấn công tác tổ chức thi, thanh tra thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao yêu cầu, đòi hỏi mỗi cán bộ được lựa chọn tham gia kỳ thi phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục có thái độ kiên quyết, nghiêm minh trong xử lý tiêu cực. Lãnh đạo các địa phương cũng nên tập trung, tránh lơ là trong công tác tổ chức thi, cần nhìn vào hình ảnh người thầy tay còng, đầu cúi trước những phiên tòa xét xử làm bài học nhãn tiền chua xót.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, vai trò của người đứng đầu các địa phương rất lớn bởi hiện nay khâu tổ chức kỳ thi đã phân cấp cho địa phương. “Nếu kỳ thi có vấn đề, tỉnh tổ chức thi, thì người đứng đầu tức là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm không chỉ là cảnh cáo, khiển tranh mà thậm chí là xử lý hình sự. Biện pháp cứng rắn như vậy thì ắt sẽ nghiêm minh”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng cần cảnh báo và ra quy định xử lý đối với trường hợp gian lận. Đối với thí sinh gian lận thì không những không được tốt nghiệp mà còn cấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong 2-3 năm tới, còn đối với cán bộ, cần nêu rõ nếu là đảng viên tham gia kỳ thi mà có hành vi gian lận thì sẽ tăng nặng 2-3 lần so với tội danh.

“Đảng viên thì đã có Nghị quyết nêu gương, cán bộ thì đã có Luật Công chức- Viên chức, cán bộ coi thi thì đã có quy chế thi, chưa kể những hình ảnh về cán bộ, đảng viên mất chức, mất quyền, thậm chí vướng vào vòng lao lý chỉ vì tham lam, gian lận. Tôi tin rằng, đó là những lời cảnh tỉnh, răn đe, ai cố tình làm sai thì cần phải tăng nặng tội danh và công khai trước thông tin đại chúng”, Tiến sĩ Chức nhấn mạnh.

Theo hướng dẫn thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021, lịch thi sẽ được diễn ra như sau:

Thùy Linh