Nỗi cơ cực của nghề sinh viên giúp việc

30/05/2014 12:13
Triệu Thị Thu Hà
(GDVN)- Để kiếm được tiền trang trải cuộc sống, nhiều khi sinh viên giúp việc theo giờ cũng phải chịu đựng những cơ cực vất vả mà cha mẹ ở quê không hề hay biết.

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn, các trang mạng xuất hiện một hình thức làm thêm mới: giúp việc theo giờ. Không giống các công việc khác, rất dễ dàng để có được công việc này, có thể đi làm ngay trong ngày mà không cần phỏng vấn, phí giới thiệu cũng khá mềm chỉ dao động từ 50- 300 nghìn đồng, thậm chí là miễn phí cho một công việc tùy theo mức độ tiền lương.

Hình thức làm thêm này từ khi mới ra đời đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều sinh viên vì những yêu cầu dễ dàng của nó: yêu trẻ nhỏ, chăm chỉ, thật thà và có trách nhiệm. Chính vì vậy nhu cầu về tuyển người giúp việc là sinh viên lại càng nóng. Trung bình một ngày trên một fanpage về giúp việc có tầm 10 công việc, trong vòng 2-3 phút đã có sinh viên nhận được công việc này.

Một page của câu lạc bộ sinh viên giúp việc theo giờ
Một page của câu lạc bộ sinh viên giúp việc theo giờ

Nóng như vậy nhưng khi vào làm thực sự nhiều sinh viên lại băn khoăn có nên tiếp tục công việc này không? Những khó khăn ban đầu có thể gặp phải như làm hỏng hóc đồ đạc do chưa quen sử dụng, làm việc chưa tốt, lau dọn chưa sạch dần dần sẽ được khắc phục. Nhưng lại có vô vàn các lí do khác khiến nhiều sinh viên không thể tiếp tục với công việc này cho dù nó khá hợp lí về thời gian.

Chủ nhà ác khẩu

Câu chuyện của Phượng (Học viện báo chí tuyên truyền) là một ví dụ. Trong một lần lướt web, Phượng tìm được suất giúp việc cho một gia đình gần trường, sau một tuần làm việc, Phượng cảm thấy bị xúc phạm trước cách ứng xử vô văn hóa, khinh thường, khó tính và đa nghi của gia chủ.

Phương chia sẻ : “ Không phải ai cũng tìm được một người chủ dễ tính, nhiều khi họ bắt mình làm quá sức, soi mói và luôn luôn để mắt canh chừng mình ngay cả với đống đồ ăn trong tủ lạnh, làm điều gì không vừa ý là quát mắng bằng những lời lẽ chợ búa, ông ta mà bực lên là nói ra cả một tràng những câu thô tục với mình”. Chính vì vậy, Phượng đã bỏ việc chấp nhận làm một tuần không có lương như quy định ban đầu trong câu lạc bộ.

Sinh viên giúp việc theo giờ có nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)
Sinh viên giúp việc theo giờ có nhiều rủi ro (Ảnh minh họa)

Đòi hỏi kiến thức

Đối với những gia đình có trẻ nhỏ thì yêu cầu lại càng cao cho sinh viên. Yêu trẻ nhỏ chưa đủ mà còn đòi hỏi sinh viên phải biết cách chăm trẻ, cho trẻ ăn và chơi với trẻ. Các kiến thức về sức khỏe trẻ em lúc này trở thành một điều kiện để hoàn thành công việc tốt hơn.

Nhiều gia đình khó tính còn tuyển chọn người kĩ càng với các yêu cầu như học mầm non, biết hát ru trẻ, có kiến thức chăm sóc trẻ… cá biệt có công việc của một gia đình đăng nhiều lần mà vẫn chưa tìm được người ưng ý. Đọc comment của các bạn bên dưới đều cho rằng ông chủ nhà quá hách dịch, yêu cầu cao nên không ai có thể làm được.

Đó còn chưa kể đến trường hợp có bạn không may làm bé ngã, bé ốm sốt thì mọi nghi ngờ gia đình đều đổ lên đầu sinh viên giúp việc, thậm chí người bố còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay, chửi bới sinh viên vì nóng tính bực bội.

“Yêu râu xanh” gạ tình

Những thách thức về nghề giúp việc không chỉ dừng lại ở đó, đáng sợ nhất là gặp phải những ông chủ “yêu râu xanh” lúc nào cũng gạ gẫm đổi trác. Thậm chí, đó còn là một cái cớ mà hai vợ chồng chủ nhà bày ra để quỵt tiền sinh viên một cách trắng trợn.

Hồng M (Đại học Mỏ Địa chất) đã có từng giúp việc cho một gia đình ở Phạm Văn Đồng, chính vì ngoại hình ưa nhìn lại thêm chủ nhà là một người đàn ông trung niên “dê xồm”, vợ đi làm cả ngày nên ngay buổi thứ hai đi làm, M bị ông chủ sờ soạng gạ gẫm, cũng may đúng lúc đó bà chủ về đột xuất nên M có cơ hội thoát thân. Cô bạn xin nghỉ mà không một lời luyến tiếc.

Dù có nhiều rủi ro, cơ cực trong công việc nhưng giúp việc theo giờ vẫn luôn thu hút được sinh viên. Vẫn biết mỗi công việc đều có những mặt hạn chế của nó nên tỉnh táo trước những cám dỗ trong xã hội là cách tốt nhất để có thể hoàn thành tốt một công việc và học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống. 

Triệu Thị Thu Hà