Nữ thủ khoa Đại học Mỏ-Địa chất: Nếu biết mỗi việc học thì cũng chỉ là mọt sách

23/08/2020 07:10
Nguyễn Duẩn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với quan niệm học để hiểu chứ không học thuộc, nữ thủ khoa đầu ra trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn tìm cho mình nhiều phương pháp học tập riêng, độc đáo.

Giành học bổng toàn bộ 9 kỳ học tập tại trường

Với số điểm 3,72/4, Trịnh Ngọc Như Ánh (sinh năm 1997, trú tại huyện Phù Ninh, Phú Thọ) xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra của trường Đại học Mỏ - Địa chất năm 2020.

Tự nhận mình là một người yêu thích sống hài hòa với thiên nhiên nên ngay từ khi còn học trung học phổ thông, Như Ánh đã định hướng cho mình theo đuổi một ngành học gắn liền trực tiếp tới đời sống và phát triển bền vững của xã hội.

Mục tiêu của cô bạn là thi đỗ vào trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân. Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông Quốc gia, Như Ánh đạt 24 điểm đã cộng điểm ưu tiên khu vực, Ánh vẫn không thể đỗ vào ngôi trường mà mình yêu thích.

Được người thân tư vấn và tự tìm hiểu của bản thân, Ánh làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 vào ngành Địa sinh thái và Công nghệ Môi trường, khoa Môi trường của Đại học Mỏ - Địa chất.

“Mình không chọn ngành môi trường của các trường đào tạo về quản lý mà chọn vào ngành môi trường đào tạo về kỹ thuật và lựa chọn học 5 năm thay vì chỉ mất 4 năm như ở các trường khác.

Là con gái mà lại học thiên về kỹ thuật sẽ khiến nhiều người rất ngạc nhiên nhưng bản thân mình trước khi đăng ký cũng đã có được định hướng rõ ràng cho bản thân rồi”, Ánh chia sẻ.

Trong suy nghĩ của Ánh, trở thành một kỹ sư, biết về công nghệ, biết về kỹ thuật sau này bản thân sẽ có cơ hội trở thành một người quản lý tốt. Ngược lại, nếu học chuyên về quản lý sau này ra trường đi làm mới học và biết về công nghệ sẽ thiệt thòi hơn.

Sau khi đã lựa chọn được ngôi trường để gửi gắm ước mơ, trong từng kỳ học, Ánh đều quyết tâm phải đạt điểm cao để có thể giành học bổng. Để tiết kiệm thời gian và đạt được hiệu quả tối đa trong từng môn học, Ánh thường chọn ngồi học ở những bàn đầu để có thể nghe giảng được rõ hơn. Ánh cũng ghi âm lại toàn bộ bài giảng để nghe lại.

Ánh cũng chia sẻ, bản thân không phải là một người quá chăm chỉ và hoàn toàn không có việc ngồi lỳ một chỗ trong nhiều giờ để học thuộc một môn nào đó. Để bù lại, cô bạn sẽ tìm cách học phù hợp sao cho bản thân nhớ và hiểu được kiến thức đó lâu hơn.

“Mình có tìm hiểu về nguyên lý hoạt động của bán cầu não và việc kích thích não tư tuy nên khi học mình thường nghe nhạc sóng Anpha. Khi chưa hiểu một vấn đề nào đó, mình thường sẽ mở lại ghi âm phần bài giảng nắm kiến thức rõ hơn.

Khi đi thi, mình cũng không viết ra những gì đó quá câu chữ như các bạn mà mình sẽ tìm cách diễn đạt kiến thức đó theo ý hiểu của mình”, Ánh chia sẻ.

Ánh giành học bổng toàn bộ 9 kỳ học tập tại trường. Ảnh: NVCC

Ánh giành học bổng toàn bộ 9 kỳ học tập tại trường. Ảnh: NVCC

Là một người đặc biệt yêu thích về màu sắc nên Ánh thường sử dụng giấy nhớ nhiều màu để ghi chú những thông tin quan trọng trong từng môn học. Trước những ngày thi, Ánh thường ghi âm các câu trả lời và nghe những lúc rảnh hoặc trước khi đi ngủ.

Những lúc căng thẳng, Ánh thường tìm đến âm nhạc như một cách để thư giãn và giảm tải cho bộ não. “Bản thân mình không hát hay nhưng lại rất thích nghe những bản nhạc nhẹ nhàng. Với mình, đây là cách tốt nhất để thư thái sau thời gian học tập căng thẳng”. Nhờ phương pháp học tập độc đáo, hiệu quả, Ánh giành học bổng toàn bộ 9 kỳ học tập tại trường.

Muốn trở thành một kỹ sư, Ánh phải trải qua 5 năm học. Tuy nhiên, sau năm học đầu tiên, cô bạn đặt mục tiêu cho mình phải ra trường sớm ít nhất 6 tháng. Ánh chia sẻ khoảng thời gian sau kỳ nghỉ Tết sẽ có nhiều đơn vị tuyển dụng nhân viên, cơ hội có được một việc làm tốt cũng sẽ rộng mở.

Để hoàn thành mục tiêu, Ánh chủ động tìm hiểu lịch học của các lớp và các khóa khác sau đó rủ bạn cùng đăng ký học vượt môn.

“Bản thân là lớp trưởng, cũng từng tham gia nhiều hoạt động của nhà trường nên được các thầy cô tạo điều kiện để mở lớp. Mình hoàn thành chương trình học từ trước Tết nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải đến tháng 5/2020 mình mới được nhận bằng tốt nghiệp”, Ánh tâm sự.

Nếu chỉ chú tâm vào mỗi việc học thì bản thân cũng chỉ là “mọt sách”

Được biết đến không chỉ bởi thành tích học tập cực “khủng” của mình, thời gian học tập tại trường, Trịnh Ngọc Như Ánh còn là một sinh viên rất năng nổ trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa do trường và khoa tổ chức.

Ánh tâm sự: “Một người chị họ của mình cũng từng học tại trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ rằng quãng đời sinh viên là quãng thời gian đẹp đẽ nhất. Nếu như mình chỉ chú tâm vào việc học thì bản thân cũng chỉ là một đứa “mọt sách” và thời gian sẽ trôi qua rất nhanh. Nhưng nếu mình bố trí được thời gian, phân bổ việc học và tham gia các hoạt động của trường thì thời gian sinh viên sẽ rất đáng nhớ và cũng sẽ là một bước ngoặt cho bản thân mình”.

Nhận thức được sự quan trọng của các hoạt động trên nên ngay từ thời gian học năm thứ nhất, Ánh đã tham gia vào các câu lạc bộ truyền thông, làm MC cho các chương trình do khoa và nhà trường tổ chức.

Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa trong thời gian học tập tại trường đã thay đổi Ánh từ một nữ sinh rụt rè, bỡ ngỡ trở nên mạnh dạn, xông xáo hơn rất nhiều. Không chỉ trong thời gian vẫn còn là sinh viên mà dấu ấn của những hoạt động ngoại khóa còn giúp ích cho công việc của Ánh sau khi ra trường.

Ánh bảo: “Nếu như ngày trước, khi ngồi với một người khác, mình không có đủ tự tin để giao tiếp một cách cởi mở, nhiệt tình nhưng hiện tại bây giờ nhờ các hoạt động ngoại khóa mà mình đã thay đổi khá nhiều. Qua các hoạt động trên, mình cũng học tập được cách quản lý, cách tổ chức, điều phối một chương trình”.

Bén duyên trong các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp

Năm 2018, Ánh cùng 3 người bạn đã từng làm nghiên cứu khoa học cùng lựa chọn đề tài “Sản xuất tấm gỗ ép công nghiệp bằng rơm” để đăng ký tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp HUMG” do trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức.

Quãng thời gian chạy đua để hoàn thành đề tài cũng là một trong những trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô bạn trong hơn 4 năm học tập tại trường. “Chưa bao giờ chúng mình rơi vào tình trạng thức thâu đêm nhiều như thế cả”, Ánh chia sẻ.

Trong khoảng thời gian một tháng, nhóm bạn phải vừa học, vừa ôn thi và vừa phải phân công nhau để thực hiện đề tài. Để chạy đua với thời gian, Ánh và các bạn phải chia nhau người viết, người nghiên cứu... rồi tập trình bày để làm bật được ý tưởng của cả nhóm trước hội đồng giám khảo.

“Nhóm mình có số thứ tự là 7 nhưng có lẽ do các thầy cô tin tưởng nên nhóm lại thành ra trình bày đầu tiên. Cảm giác đứng trên sân khấu lớn được dõng dạc trình bày ý tưởng nghiên cứu là công sức của cả nhóm trong suốt một tháng thực sự là một trải nghiệm rất đáng nhớ, Ánh chia sẻ.

Ý tưởng táo bạo của nhóm Ánh được trao giải Nhì. Sau cuộc thi được một vài doanh nghiệp đề nghị hợp tác, sử dụng nhưng nhóm từ chối vì cảm thấy cả nhóm có nhiều thiếu sót và cần thời gian chỉnh sửa trước khi đưa vào áp dụng thực tế.

Ngoài ra, cuối năm 2019, Ánh đoạt giải vô địch nhà sinh thái trẻ khu vực ASEAN (ASEAN Youth Eco-Champions Award), trở thành đại diện Việt Nam duy nhất tại hạng mục trẻ tuổi (Junior).

Đạt giải Ba toàn quốc cuộc thi Falling Wall Labs do chính phủ Đức tổ chức tại Việt Nam tháng 11/2018 và đạt giải khuyến khích cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sinh viên HUMG năm 2019” do trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức cùng nhiều giải thưởng khác.

“Qua các cuộc thi, mình mới thấy rằng khả năng của con người là vô hạn và bản thân rất vui khi mỗi năm học trôi qua lại khám phá ra những điều thú vị mới. Tâm thế mình mang đến mỗi cuộc thi đều là giao lưu, học hỏi nên ”, Ánh nói.

Đầu năm 2020, Ánh chọn đề tài “Kết hợp phương pháp SWOT và AHP để phân tích công tác quản lý môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001:2015 tại công ty Đại Dương Phát” để làm đồ án tốt nghiệp.

Là một sinh viên học chuyên về môi trường nhưng lại thực hiện đồ án tốt nghiệp về một mảng hoàn toàn mới khiến nhiều người bất ngờ và hoài nghi. Sau khi nghe Ánh trình bày, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Phi, Phó trưởng khoa Môi trường có tâm sự rằng đồ án của Ánh muốn hoàn thành cần phải có sự tỉ mỉ và tính toán rất nhiều.

Thậm chí, một chuyên gia đã nói với Ánh: “Cháu có quá là mạnh dạn khi tìm hiểu một đề tài mới hoàn toàn mới như này không?”. Tuy nhiên, với mong muốn thực hiện một đề tài thực tế để giúp ích cho công việc của mình sau này, Ánh đã quyết tâm và hoàn thành đồ án tốt nghiệp.

Đề tài hoàn toàn mới, có tính ứng dụng thực tế cộng với khả năng trình bày lưu loát, trả lời toàn bộ câu hỏi phản biện đã thuyết phục các thành viên trong hội đồng thẩm định. Số điểm 9,8/10 giành được cho đề tài cũng là quả ngọt đến với Ánh sau 2 tháng lao động miệt mài.

Với thành tích nổi bật trong học tập, cuối tháng 5/2020, Ánh ra trường và hiện đang làm việc tại một công ty chuyên về ISO. Ánh cho rằng, được làm đúng lĩnh vực yêu thích là một điều may mắn đến với mình.

“Với công việc hiện tại, mình hy vọng có thể trở thành một chuyên gia về lĩnh vực ISO nói riêng và chuyên gia về lĩnh vực môi trường nói chung”, Ánh chia sẻ.

Những thành tích nổi bật của Trịnh Ngọc Như Ánh

+ Đạt giải vô địch nhà sinh thái trẻ trong khu vực ASEAN lần thứ 1 (AYECA - ASEAN Youth Eco-Champions Award 1st) năm 2019, hạng mục trẻ tuổi Junior.

+Tấm gương sinh viên học tập tiêu biểu của Thành Phố Hà Nội, đại diện sinh viên trường đại học Mỏ - Địa chất nhận khen thưởng năm 2020.

+ Top 8 sinh viên Triển vọng nhất cả nước, có thành tích Nghiên cứu Khoa học xuất sắc, nhận giải thưởng KOVA Prize lần thứ 17, năm 2019.

+ Đạt giải Ba cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo, học và làm theo lời Bác lần thứ 2, năm học 2018-2019” của Đảng ủy trường đại học Mỏ - Địa chất.

Nguyễn Duẩn