“Ôm từng học trò vào lòng, con nào chưa thơm, tôi đưa đi tắm”

16/11/2019 07:37
Phan Tuyết
(GDVN) - Mỗi sớm mai, cô đến trường khá sớm để đón học sinh, em nào đến lớp cũng được cô ôm vào lòng kỳ thực đó là cách kiểm tra em có thơm không để cô tắm và thay đồ.

Cô giáo Đoàn Lệ Nhật Minh nguyên giáo viên trường mẫu giáo Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận đã mở đầu câu chuyện khi kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian dạy học tại thôn Suối Máu cho học sinh đồng bào dân tộc Rai của mình.

Cô Lệ Minh và học trò dân tộc Rai (Ảnh Phan Tuyết)
Cô Lệ Minh và học trò dân tộc Rai (Ảnh Phan Tuyết)

Khi ấy cô đang là giáo viên Trường mẫu giáo Tân Hà, được phân công dạy học tại thôn Suối Máu nơi chỉ có hơn trăm hộ dân sinh sống.

Thế nhưng điều kiện sống của những người dân nơi đây còn khó khăn và dân trí còn khá thấp.

Hằng ngày cha mẹ đi làm khá sớm đôi khi vài ba ngày thậm chí cả tuần mới về nhà một lần.

Những đứa trẻ được ở nhà đi học. Đứa lớn trông đứa bé, đôi khi anh, chị cũng chỉ lớn hơn em vài ba tuổi đã thay cha mẹ chăm sóc các em hằng ngày.

Những đứa trẻ tự đến trường (Ảnh Phan Tuyết)
Những đứa trẻ tự đến trường (Ảnh Phan Tuyết)

Thế nên, quần áo, đầu tóc của các bé khi đến trường chẳng mấy sạch sẽ, thơm tho.

Cô Minh kể rằng nhiều khi đang ngồi dạy nhưng cứ nghe bốc mùi khai từ đám trẻ.

Biết có em sáng nay không thay đồ mà đêm qua lại tè dầm. Cô phải ngưng dạy đi kiểm tra để mang trẻ ra ngoài lau rửa và thay đồ cho các em rồi mới tiếp tục bài giảng.

Làm thế lại ảnh hưởng đến giờ dạy, thế là cô cùng với một giáo viên đi xin đồ cũ về để góc lớp.

Mỗi sớm mai, cô đến trường khá sớm để đón học sinh, em nào đến lớp cũng được cô ôm vào lòng kỳ thực đó là cách kiểm tra em có thơm không.

Khi phát hiện trẻ mặc đồ ngày hôm qua đi học, nghĩa là đêm về không được tắm và thay đồ. Cô đã rửa ráy và thay đồ khác cho các em.

Nhưng chuyện tắm và thay đồ cho học sinh lại không đáng sợ bằng việc tập cho các bé đi cầu vào nhà vệ sinh theo quy định.

“Ôm từng học trò vào lòng, con nào chưa thơm, tôi đưa đi tắm” ảnh 3
Thầy Tiến, đã nửa đời người khơi đèn đom đóm trên non

Cô Minh cho biết, không ít học sinh nơi đây vẫn giữ thói quen đi cầu bẹt dưới nền đất, cát rồi dùng que quẹt.

Thời gian đầu tập cho các em đi vệ sinh trong bồn cầu quả là không đơn giản chút nào.

Mặc dù có chuẩn bị giấy, chỉ bày cho cách lau nhưng khi vào nhà vệ sinh thấy các em quẹt và trây cả lên tường.

Không nản, bởi cô nói các em đã quen với cách đi vệ sinh như thế, nay mình muốn thay đổi phải có thời gian không thể ngày một ngày hai là có được.

Một phụ huynh kể rằng, chị nhớ mãi hình ảnh cô giáo kiên trì tập cho con chị biết ngồi bồn cầu, giờ thì con bé đã không còn đi vệ sinh trên cát và dùng que quẹt nữa.

Chị H’ Lan còn cho biết thêm: “Không chỉ dạy trẻ học, cô giáo Minh còn hướng dẫn cho chúng tôi cách chăm sóc trẻ ở nhà sao cho tốt nhất”.

Ngoài hết lòng yêu thương học sinh, cô Lệ Minh thường hay chia sẻ những khó khăn về vật chất cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong khi kinh tế gia đình mình cũng chẳng dư giả gì.

Đó là những bộ quần áo, là tập vở, cặp sách cho những học trò khó khăn. Khi nhận tiền ưu đãi vùng, cô xin trích một khoản để thêm vào bữa ăn trưa cho trẻ thêm phần tươm tất.

Do căn bệnh tiểu đường hành hạ, dù còn rất yêu nghề nhưng cô giáo Lệ Minh vẫn phải làm đơn xin về hưu sớm.

Cô cho biết: “Học sinh thôn Suối Máu ngày nay không còn khổ nhiều như trước. Các em đã được học trong những căn phòng khang trang mà nhà nước mới xây.

Nhiều tổ chức từ thiện đặc biệt là các sơ ở Dòng mến thánh giá tại địa phận Tân Hà cũng luôn quan tâm hỗ trợ về vật chất. Nhờ đó, những đứa trẻ đã đủ đầy hơn khi đến trường.

Phan Tuyết