Ông Dương Trung Quốc: "Không cần phải ước mơ chính trị quá cao xa"

26/08/2013 07:59
Xuân Trung
(GDVN) - “Nói ra những từ như hoài bão, lý tưởng là hơi hão huyền, nhưng đúng là không có hoài bão, không có lý tưởng thì không thể đạt được mục tiêu, có quá nhiều cơ hội, có quá nhiều ngã rẽ đôi khi chúng ta bị lạc lối. Những bước đi đầu tiên có thể thành công, thuận lợi nhưng rồi chúng ta lại chui vào đường hầm”.
Trên đây là nhận định của Nhà sử học Dương Trung Quốc khi ông nói về việc nắm giữ cơ hội và thực hiện cơ hội của giới trẻ hiện nay, ý kiến của ông được trao đổi trong Hội thảo “Bước đệm tới thành công” được tổ chức ngày 25/8 tại Hà Nội. Có cơ hội nhưng băn khoăn lối đi Nhiều bạn trẻ là những sinh viên năm thứ nhất, thứ hai đại học tại Hà Nội không khỏi băn khoăn khi đôi lần trong cuộc sống đã nhìn thấy cơ hội, nhưng còn bỡ ngỡ hoặc không biết cách triển khai, nói đúng hơn là “mù” định hướng để bước tiếp. Có những sinh viên năng khiếu ở lĩnh vực này, kia thừa nhận hơn các bạn ở khoản ăn nói nhưng lại “ngỡ ngàng” nhận ra mình còn thiếu các yếu tố khác. Khi đặt mục tiêu cho bản thân nhưng lại không biết vạch ra “lộ trình” thực hiện cho mình.
Nhiều sinh viên băn khoăn với việc định hướng cho cơ hội của mỉnh.
Nhiều sinh viên băn khoăn với việc định hướng cho cơ hội của mỉnh.
“Cách đây ít hôm em có thi về kỹ năng thuyết trình và đạt giải ba, sau cuộc thi đó em nhận ra mình có hơn một số bạn sinh viên khác về kỹ năng này. Tuy nhiên, tất cả các mặt khác đều kém các bạn. Mục tiêu của em là sau 2 năm nữa sẽ đạt học bổng để tiếp tục đi học nước ngoài, nhưng còn băn khoăn lộ trình thực hiện như thế nào thì chưa biết được?” một sinh viên năm thứ 2 Đại học Mỏ địa chất băn khoăn. Không những nhiều sinh viên hiện nay “mù mờ” với định hướng của mình, mà các em còn có tình trạng hiểu lầm về lý tưởng sống, lý tưởng quá xa vời, quá mơ mộng và đến khi không thực hiện được lý tưởng đó dẫn đến “vỡ mộng”. Thành Duy, một sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp Đại học nói rằng, từ mơ mộng dẫn đến sự lựa chọn sai, lựa chọn sai càng nguy hiểm. Bản thân Duy là người không phải không nhìn thấy cơ hội trong cuộc sống mà ngược lại đã có quá nhiều cơ hội với Duy, nhưng thừa nhận rằng mình chưa biết tận dụng cơ hội dẫn đến để tuột mất. Để tuột mất cơ hội đối với người trẻ không phải là hiếm, nhiều bạn chia sẻ có cơ hội nhưng khi bắt tay vào thực hiện cơ hội đó lại sợ người khác đánh giá mình, không tự tin thực hiện ước mơ của mình và thiếu đi một “chất lửa” trong mình. Một sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đến từ vùng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận, ở quê từ nhỏ ước mơ đến với em chỉ là chiếc vô tuyến, khi nhìn thấy anh chị dẫn chương trình nổi tiếng thì ước mơ này, ước mơ khác. Nhưng khi đỗ vào Đại học mới biết rằng cuộc sống quá nhiều xô bồ, vô tình làm mất đi ước mơ bấy lâu nay, thời gian hàng của em ngày chỉ “ngủ nướng” trên facebook, và rồi thời gian đó cứ trôi đi cùng với những cơ hội dần khép lại. Đây là một hiện tượng sống của giới trẻ ngày nay khi bỏ phí quá nhiều thời gian, nói như GS. NGND Nguyễn Lân Dũng là thời gian “vô bổ”: “Các bạn quên đi rằng thời gian không quay trở lại, các bạn lãng phí rất nhiều thời gian tạm gọi là vô bổ. Các bạn rất đáng yêu nhưng chính các bạn quên rằng thời gian đi qua rất nhanh, nếu mình không tranh thủ sẽ lãng phí nhiều thời gian” GS. NGND Nguyễn Lân Dũng chia sẻ. Cần một yếu tố gia đình làm “bước đệm” Nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn chia sẻ, mỗi bạn trẻ cần có kỹ năng để tiếp cận cơ hội, có sự quyết đoán trong sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên, Nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng không nên đặt vấn đề đó quá nặng, mà theo ông dường như mỗi còn người đều có số phận của riêng mình. Con người sống trong một thời gian lịch sử có một môi trường chung với nhau, nên sự lựa chọn của mỗi con người không thoát ra khỏi cái chung đó. Đương nhiên có những yếu tố có tính liên tục.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng và Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về việc nắm bắt cơ hội của người trẻ.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng và Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về việc nắm bắt cơ hội của người trẻ.
“Vì thế tôi rất quan tâm tới yếu tố gia đình. Các bạn trẻ trung, năng động đôi khi coi yếu tố gia đình càng ngày càng ít đi để tự thể hiện cái “Tôi” của mình, điều đó cũng có cái lý của thời đại này, nhưng xin mong các bạn hãy nhớ và rút qua kinh nghiệm của tôi, yếu tố gia đình là vô cùng quan trọng, môi trường này có thể đi suốt cuộc đời của mình và để lại cho mình những trách nhiệm rất nặng nề” Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra quan điểm. Và ông cũng nói thêm, giới trẻ ngày nay có thể được vùng vẫy trong con thuyền cơ hội ở thế giới hiện đại nhưng chỉ mong các bạn hãy neo con thuyền đó ít nhất vào trong gia đình của mình, vào truyền thống gia đình của mình để gìn giữ được yếu tố trao - truyền qua những thế hệ giúp chúng ta đi đến được những bến bờ vững trãi. Chia sẻ về truyền thống gia đình có tác động như thế nào tới cơ hội của mỗi người trong cuộc sống, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho biết, yếu tố gia đình không thể mang ra để nhìn nhận có tính di truyền được, bởi vì theo GS Dũng cơ hội có ở mỗi người và không thể di truyền từ thời trước tới thời sau. “Tôi bị nhiều người nói rằng có phải do tính di truyền hay không, vì nhiều thế hệ nhà tôi đạt được danh hiệu này khác, nhưng  tôi là nhà sinh học, tôi nói rằng không có tính di truyền, hiện chỉ có di truyền về hình thức và di truyền về bệnh tật, còn trí tuệ thì chưa ai tìm được”. GS Dũng khẳng định.
“Các bạn trẻ chắc chưa nhiều cơ hội bằng chúng tôi, càng già càng nhiều, ngồi nối tiếc những cơ hội trong quá khứ, những mối tình còn dang dở, chỉ cần cố gắng vượt qua mái tóc của người con gái thôi có khi đã khác.

Cơ hội luôn luôn tồn tại ở các bạn, nhưng các bạn cũng nên hiểu rằng chúng ta gặt hái những cơ hội đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và đừng nản lòng bỏ qua. Cuộc sống đặt ra những yếu tố nếu chúng ta tạo dựng được từ trên những trải nghiệm của mình ứng xử đúng đắn với cơ hội thì sẽ thành công”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Tuy nhiên, một yếu tố khác dẫn đến sự “di truyền” cơ hội đó là môi trường sống. GS. NGND Nguyễn Lân Dũng lấy dẫn chứng bởi chính gia đình mình: “Các bạn cũng biết bố tôi là con của một gia đình rất nghèo ở Hưng Yên, cuốn tiểu thuyết mà bố tôi viết khi chưa đầy 20 tuổi là “Cậu bé nhà quê”, đó là cuốn tự thuật của một người lớn lên trong hoàn cảnh cực kỳ nghèo. Tại sao bố tôi lại trở thành thủ khoa của trường Cao đẳng sư phạm (là trường lớn nhất thời đó) vì bố tôi học giỏi rồi sống bằng học bổng. Cái đó làm ảnh hưởng tới con cháu chứ không phải như nhiều người nhầm là tính di truyền. Sau này các con tôi cũng cố gắng vươn lên cũng vì truyền thống gia đình”. Và GS. NGND Nguyễn Lân Dũng kết luận rằng, các bạn trẻ nên coi mỗi một người chúng ta có đủ điều kiện để vượt lên, không nhìn vào bố mẹ mình là ai, học vấn thế nào, bởi có những người gia cảnh nghèo khó, thậm chí có người bố mẹ học rất thấp nhưng sau này con người đó trở thành những nhà khoa học giỏi. “Mỗi một người bất kỳ hoàn cảnh nào, gia đình như thế nào thì chúng ta đều có thể vượt lên, vượt lên khó khăn để nắm lấy cơ hội” GS Dũng nhấn mạnh. Ứng xử đúng đắn với cơ hội sẽ thành công Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, các bạn trẻ hãy có lý tưởng sống của riêng mình, không cần phải lý tưởng chính trị cao xa. Đời thường chúng ta vẫn nói tới ai thắng, ai thua, nhưng Nhà sử học Dương Trung Quốc thì ngẫm từ cuộc đời của ông và những vấn đề lịch sử ông cho rằng có lẽ chẳng ai thắng ai. Thậm chí, có những lúc tưởng là mình thắng nhưng không phải, thắng chỗ này nhưng thua chỗ khác mà thôi.
Buổi nói chuyện thu hút rất đông các bạn trẻ là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại Hà Nội tham gia.
Buổi nói chuyện thu hút rất đông các bạn trẻ là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại Hà Nội tham gia.
Ngay cả quan điểm ai hơn ai, nếu cân – đo – đong - đếm chưa chắc đã ai hơn ai. Nhà sử học một lần nữa khẳng định, với tuổi của ông chắc chắn cao hơn các bạn trẻ bây giờ nhưng bản thân ông cảm thấy thiệt thòi rất nhiều vì quỹ thời gian đang ngắn lại. “Người giàu, người nghèo mỗi người khác nhau, nhưng có điểm này tôi cho là hoài bão và tham vọng của mình, đó là mối quan hệ ai cần đến ai? Có nghĩa là giá trị của mình trong mối tương quan với người khác và mối tương quan với xã hội. Một bác sỹ giỏi sẽ là một giá trị rất lớn, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách là một ví dụ. Mỗi một con người nghĩ tới mục tiêu mình làm cho xã hội khi cần đến mình, hiểu như một năng lực mà mình có thể giúp đỡ mọi người, đồng thời có thể xây đắp hạnh phúc cho riêng mình chính đáng, tôi cho đó là điều rất quan trọng. Tôi biết các bạn trẻ rất hăng hái đi làm từ thiện, thiện nguyện, đó là định hướng rất tốt về mục tiêu cho mình, mình trở thành những ai trong xã hội, trong cộng đồng mình và đương nhiên cộng thêm những năng lực riêng, những ý tưởng riêng, kể cả những ước mong mà mình cho đó là hạnh phúc, tôi nghĩ đó sẽ là định hướng cho các bạn trước mỗi sự lựa chọn”. Nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định. GS. NGND Nguyễn Lân Dũng lại nghĩ rằng, cơ hội đến với chúng ta rất nhiều nhưng có nắm bắt được không lại là do mình. “Năm nay tôi ngoài 70 tuổi, nếu tôi còn nhiều việc phải làm thì tôi tiếc từng phút một, sợ là không kịp thời gian làm những việc mình mong muốn. Đối với các bạn thời gian còn rất dài, đừng có bỏ phí thời gian, nhất là lúc mình đang sung sức”. GS Dũng chia sẻ.
Xuân Trung