Ngày trước không ít người nói bóng đá Việt Nam “chém đinh, chặt sắt”. Trong giải quốc nội, hình ảnh “bạo lực sân cỏ” vô cùng xấu xí vẫn diễn ra hàng ngày.
Có người theo thuyết “âm mưu” còn đổ lỗi cho giáo dục, vì “bạo lực học đường” nên dẫn đến “bạo lực sân cỏ”.
Bạo lực, ở bất cứ nơi đâu, lĩnh vực nào đều xấu xí, đáng lên án. Người Việt chúng ta mê bóng đá không thua bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Trong bóng đá, bạo lực càng xấu xí. Không ít cầu thủ là thần tượng của học trò, cầu thủ “đá xấu” cũng gieo rắc bạo lực học đường.
Huấn luyện viên Park Hang-seo tại buổi họp báo sau trận đấu. (Ảnh: Nguyên An/Vietnam+) |
Đội tuyển quốc gia chúng ta vừa thắng đội tuyển Thái Lan ở King's Cup 2019.
Một trận thắng đẹp mắt; đội Thái Lan đã có quá nhiều lỗi vi phạm “cực kì bạo lực”; đáp lại là sự bình tĩnh, tự tin, đầy bản lĩnh, đẳng cấp của tuyển thủ Việt Nam.
Người hâm mộ không còn thấy “chém đinh, chặt sắt” của các tuyển thủ Việt Nam, ở các cấp độ U và Đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của thầy Park Hang-seo đáng kính.
Sự lo lắng của người hâm mộ với những pha bóng “triệt hạ đối phương” của Quế Ngọc Hải mang theo từ câu lạc bộ Viettel đưa lên đội tuyển sẽ sao đây?
Khi mà mới đây Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF):
"Phạt 20 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 4 trận tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia năm 2019 đối với cầu thủ Quế Ngọc Hải (số 3) của Câu lạc bộ Viettel do có hành vi cố tình xâm phạm thân thể cầu thủ Trần Văn Kiên (số 13) của Câu lạc bộ Hà Nội trên sân vận động Hàng Đẫy, Hà Nội”.
Giáo dục tốt, nền tảng chiến thắng cho Tuyển Việt Nam |
Tất cả đã được “giải tỏa” dưới sự dẫn dắt, giáo dục tài tình của thầy Park Hang-seo.
Người thầy đã truyền được “tình người, lòng biết ơn” vào các học trò; các tuyển thủ đã chơi bóng như những “chiến binh nghệ sĩ”, đá vì màu cờ sắc áo, đá vì đồng đội bị chấn thương trước ngày lên tuyển, phải rời tuyển do chấn thương; đá vì biết ơn người hâm mộ cả nước.
Một người có tình, có nghĩa, sẽ vị tha, không trả đũa các hành động xấu xí của đối phương; họ hiểu, nếu mình “trả đũa”, mình chẳng khác họ.
Không bạo lực sân cỏ, các tuyển thủ chúng ta thay vì đá bóng, họ đã chơi bóng, một trò chơi đẹp mắt, đầy cảm xúc, đầy giáo dục.
Những trận cầu không bạo lực dưới sự dẫn dắt tài hoa của thầy Park Hang-seo đã để lại hình ảnh đẹp mắt trong người hâm mộ, gián tiếp giáo dục học trò cả nước “nói không với bạo lực”.
Sao thầy Park Hang-seo làm được như thế? Giáo viên chúng ta làm sao học thầy?
Con đường ngắn nhất, từ trái tim đến trái tim. Thầy Park Hang-seo coi học trò như con, như bạn.
Ông Park Hang-seo sẽ nỗ lực hết mình để đáp lại tình cảm của người dân Việt Nam |
Nhìn thầy ôm học trò, đùa vui với chúng; cùng đau với chấn thương của học trò; chia sẻ mất mát, chung những niềm vui; nghiêm khắc mà rộng lượng, thầy trò cùng chung mục tiêu, cùng chung ý chí.
Chính tình cảm thầy trò đã xóa tan bạo lực, bản năng. Nhìn đội trưởng Quế Ngọc Hải tả xung, hữu đột; thay thầy chỉ huy “trận chiến”; không còn một chút hình ảnh của Hải trong giải quốc nội.
Những Công Phượng, Văn Toàn, Văn Hậu… dù bị cầu thủ Thái Lan chơi ác ý, thô bạo vẫn không trả đũa; chơi đẹp như thế, chỉ có thể là những cầu thủ có giáo dục, được giáo dục đến nơi đến chốn.
Giaó dục là “quốc sách hàng đầu” của mọi quốc gia muốn vươn lên.
Giáo dục nêu gương là cách giáo dục tốt nhất, đơn giản nhất để đi vào lòng người, cảm hóa con người.
Một cán bộ, một giáo viên mà không nêu gương; không là tấm gương cho người khác, e rằng có “hát” cỡ nào cũng khó mà giáo dục học trò, giáo dục quần chúng.
Bạo lực, bản năng của động vật, của con người. Kiềm chế được bạo lực, nhờ giáo dục.
Một người thầy Hàn Quốc đã đưa chúng ta trải qua bao cảm xúc, bài học để lại lớn nhất cho giáo viên là tình yêu thương với học trò.
Mỗi thầy cô giáo, mở rộng vòng tay, ôm học trò vào lòng; thủ thỉ với chúng như người bạn, người anh, người chị; chia sẻ với chúng sau mỗi mùa thi; sẻ chia với học trò những khó khăn cuộc sống.
Trái tim yêu thương, xóa bỏ bạo lực, gieo yêu thương cho tuổi học trò. Thầy Park Hang-seo làm được, tôi và bạn cũng phải làm được.